Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 7/2/2009 22:13'(GMT+7)

Sức hấp dẫn của lễ hội thơ ca

Nhà thơ Hữu Thỉnh

Nhà thơ Hữu Thỉnh

Đây là dịp để các nhà thơ và công chúng gặp gỡ, là động lực để các nhà thơ tiếp tục sáng tạo các tác phẩm có giá trị nhân văn sâu sắc. Công tác chuẩn bị cho Ngày thơ Việt Nam lần thứ 7 được Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn học - nghệ thuật ở các địa phương tích cực triển khai.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có cuộc trao đổi cùng VOV về các hoạt động của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 7, cũng như hiệu quả của Ngày thơ Việt Nam đối với việc phát triển thơ ca trong nền văn học hiện nay.

PV: Xin ông cho biết chủ đề của Ngày thơ Việt Nam năm nay?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Ngày thơ Việt Nam lần thứ 7 Xuân 2009 được diễn ra trên phạm vi cả nước với các chủ đề: Phát huy tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 40 năm thực hiện di chúc thiêng liêng của Người; Tái hiện huyền thoại đường Trường Sơn, nhân kỷ niệm 60 năm con đường mòn lịch sử giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc. Đây là điểm nhấn của ngày thơ năm nay.

Đường Trường Sơn - con đường thực hiện di chúc thiêng liêng của Bác. Đường Trường Sơn năm xưa là con đường giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bây giờ là con đường hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước.

Ngày thơ Việt Nam còn dành một không gian cho các nhà thơ một thời mặc áo lính, đã sống và chiến đấu ở Trường Sơn. Hai mươi cây thơ sẽ được dựng tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) lên để đăng chân dung những nhà thơ đã từng "Bước chân trên dải Trường Sơn" như: Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Anh Ngọc…

Và chủ đề thứ ba là tiến tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

PV: Hình thức tổ chức Ngày thơ Việt Nam năm nay có gì mới, thưa ông?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Tâm điểm của Ngày thơ Việt Nam tại Hà Nội năm nay vẫn là tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngoài các nghi thức lắng nghe bài thơ Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi thả thơ, thi câu đối như mọi năm, chúng tôi còn có hình thức hái hoa dân chủ, trong đó các câu hỏi về những nhà thơ mà công chúng yêu thích, về thơ ca hiện nay. Lần đầu tiên có hội thảo và trình diễn về thơ dành cho đối tượng thiếu nhi.

Năm nay, sẽ có sự góp mặt của cả những nhà thơ dân tộc thiểu số, nhà thơ ở các tỉnh phía Nam ra tham gia. Sân thơ trẻ sẽ có chủ đề "Thơ trẻ một góc nhìn 360 độ", giới thiệu những tài năng thơ chưa phải là hội viên, có người mới hơn 10 tuổi.

PV: Thưa ông, đây là lần thứ 7 chúng ta tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Đây phải chăng là một lễ hội của thơ ca, là động lực để thúc đẩy sự sáng tạo của nhà thơ?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Những lễ hội thơ được tổ chức như chúng ta đã làm trong mấy năm nay chính là dịp để cho nhà thơ được gặp gỡ, giao lưu với công chúng. Đồng thời qua những buổi tiếp xúc với công chúng như vậy, nhà thơ được khích lệ, được kích thích sáng tạo hơn nhiều, làm mới lại mình, tăng thêm nguồn cảm hứng sáng tạo cho mỗi nhà thơ.

Trình diễn thơ tại Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VI

PV: Theo ông, các sinh hoạt trong ngày thơ Việt Nam đã có chuyển biến như thế nào so với các kỳ trước để thực sự là một sân chơi hấp dẫn bổ ích, một lễ hội mới như ông khẳng định?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Ban chấp hành Hội Nhà văn và Ban tổ chức luôn có ý thức đổi mới cách tổ chức ngày thơ Việt Nam. Những năm đầu còn chưa có kinh nghiệm, nặng về độc thoại, nhà thơ chỉ nói, chỉ đọc mà ít giao lưu, chưa có chỗ để công chúng yêu thơ bày tỏ tình cảm của mình, chưa tạo ra diễn đàn cho những người yêu thơ. Những hội thơ trong những năm gần đây đã thực sự tạo ra diễn đàn rộng rãi cho người sáng tác và cả người thưởng thức, với nhiều hoạt động, theo 2 phương châm sau: Một là lễ hội hoá, có nghĩa là có nhiều hình thức để quảng bá thơ ca. Thứ hai là đối với các nội dung trình diễn phải được sân khấu hoá, mang tính chuyên nghiệp, được chuẩn bị kỹ càng, chọn được những giá trị đích thực để đem đến cho công chúng. Hai phương châm đó được hoàn thiện từng bước và qua mỗi ngày thơ Việt Nam lại có những bước mới mẻ được công chúng hoan nghênh, đón nhận.

PV: Ông có nhận xét gì về thơ ca Việt Nam trong dòng chuyển động của văn học hiện nay?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Lịch sử văn học nói chung và lịch sử thơ ca nói riêng là một quá trình đổi mới và sáng tạo không ngừng của các thế hệ nhà thơ Việt Nam. Đổi mới và sáng tạo theo hướng chúng ta đi gần với công chúng, với hiện thực và nói được âm hưởng vang vọng của đất nước, của dân tộc đang cất mình khỏi nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng một đất nước giàu mạnh và đậm chất văn hoá Việt Nam. Càng hiện đại, thì càng phải tăng lên tố chất của dân tộc, hay nói cách khác, hiện đại để làm nổi lên tinh hoa của dân tộc.

Tôi thấy thơ ca trong mấy năm gần đây đổi mới về hình thức và sáng tạo rất nhiều. Biên độ sáng tạo rất lớn, nhiều tiếng nói mới, nhiều giọng điệu mới, cách thể hiện cũng độc đáo, sinh động, ý thức về cội nguồn, về dân tộc mạnh hơn, sâu sắc hơn, kể cả lớp nhà thơ lớn tuổi cũng như những nhà thơ trẻ.

PV: Việc tổ chức những ngày thơ Việt Nam có giúp ích gì cho việc quảng bá các tác phẩm thơ ca vốn ít người mua?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Về việc xã hội hoá thơ ca thì chưa bao giờ các câu lạc bộ thơ lại nhiều như hiện nay. Rất nhiều người yêu thơ, nhưng bỏ tiền ra mua các tập thơ thì còn hiếm. Mỗi nhà thơ chỉ dám in khoảng 200-300 tập, tặng bạn bè là chính. So với văn xuôi, đời sống của thơ lặng lẽ hơn. Những tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư có thể bán được hàng vạn cuốn, nhưng thơ thì chưa tạo ra hiện tượng như thế. Nhiều tập thơ hay lại rơi vào im lặng.

Một nguyên nhân là do công tác phê bình, giới thiệu, quảng bá của chúng ta chưa tốt. Chính vì thế, năm nay, bên cạnh sân khấu chính của ngày hội thơ, chúng tôi dành một không gian rộng xung quanh Thiên Quang Tỉnh để phát hành thơ. Sẽ có 40 - 50 Nhà xuất bản đến đây phát hành thơ để công chúng lựa chọn được những tập thơ mình yêu thích.

PV: Một không gian dành cho thơ sẽ lung linh hơn nếu Ngày thơ Việt Nam diễn ra vào buổi tối?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Chúng tôi hy vọng sẽ tổ chức những Dạ hội thơ thật tưng bừng ở Hà Nội. Dự kiến Ngày thơ Việt Nam năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, sẽ có dạ hội thơ tại Công viên thống nhất, hoặc bên hồ Thuyền Quang, với những cây thơ lung linh dưới ánh sáng nhiều màu, có thả thơ trên hồ và nhiều hoạt động khác. Hy vọng đó sẽ là một dạ hội ấn tượng với công chúng Thủ đô.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

DT- theo Mai Hồng (VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất