Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 19/2/2009 8:54'(GMT+7)

Lễ hội đang bị lạm dụng để kiếm tiền...

Rác thải trên dòng suối Yến (Chùa Hương

Rác thải trên dòng suối Yến (Chùa Hương

Sau khi đăng tải video Nhét tiền vào tay, râu tượng để... cầu may? và bài viết Ứng xử theo kiểu "mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng", chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến bày tỏ thái độ không đồng tình trước những hành vi thiếu văn hoá chính ở nơi thể hiện tinh thần cộng cảm cao và đòi hỏi sự tôn kính với cõi siêu nhiên.  Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã gặp PGS Lê Trung Vũ, Viện Nghhiên cứu tôn giáo để làm rõ vấn đề .
PGS nghĩ gì trước những hành vi như nhét tiền vào râu vào tay tượng; rác thải chất đống ngay trong khu vực các di tích, đền, phủ, chùa... trong mùa hội lễ?

- Đền, chùa, miếu, phủ, đình... là không gian thiêng, là nơi thần linh ban phúc lộc cho chúng sinh. Theo tôi, có bốn yêu cầu không thể bỏ qua với không gian thiêng: thoáng, vệ sinh, tĩnh lặng và đặc biệt là phải có mỹ cảm. Vào đây, người đi hành hương phải cảm thấy thanh thản, dễ chịu, hướng đến sự linh thiêng. Không gian thiêng không thể bụi bặm, ồn ào. Ngay cả hương khói nhiều cũng tạo cảm giác không thoáng.

Người hành hương phải tâm thành, phải có mục đích rõ ràng. Ngay trong đời sống thường nhật cũng thế, chân thành, tôn trọng nhau thì mọi quan hệ xã hội sẽ tốt đẹp. Đã tâm thành thì không cần nhiều lời, không cần nhiều tiền. Các pho tượng trong đền, phủ, chùa... là đại diện thần linh, đòi hỏi phải tinh khiết, chúng ta chỉ bày tỏ lòng thành kính chứ không được chạm đến bức tượng.

Với việc rải tiền, ném tiền, nhét tiền... cũng thế. Đồng tiền có giá trị pháp lý, thay vì ném tiền xuống hồ, nhét tiền khắp nơi, rất xấu cảnh quan, sao không để vào hòm công đức, hoặc xếp ngay ngắn ở những vị trí thích hợp?

Nhét tiền vào râu tượng ở Phủ Tây Hồ.
Nhưng trong dân gian lại có những lời đồn đại rằng nếu "chạm" vào tượng thì sẽ may mắn hơn? Hoặc để cầu có sức khỏe, có con trai, con gái... thì phải chạm vào những nơi cụ thể trên bức tượng?

- Đó hoàn toàn là những đồn đại vô căn cứ. Không thể dựa vào đâu để nói sờ vào nơi này thì sinh con gái, sờ vào nơi nọ thì sinh con trai hoặc sờ vào chỗ này chỗ kia để giải quyết nạn hiếm con... Từ quan hệ vợ chồng cho ra đời những đứa con đến những bức tượng kia không thể có mối liên hệ kiểu đó. Ở chùa Hương có hai hòn đá hình tượng cầu con. Cầu sinh con trai xoa đầu hòn đá này, cầu sinh con gái thì xoa đầu hòn đá kia... lâu dần là phong tục thì không nói làm gì. Nhưng với những pho tượng nơi thờ tự thì nhất thiết không nên "phạm".

Những động tác như xoa tay vào tượng rồi xoa lên mặt, tưởng sẽ đem lại điều lành, hạnh phúc, sức khỏe... ảnh hưởng từ bức tượng sang mình chăng? Về mặt tâm tưởng cũng như y học đều hoàn toàn phi lý, có chăng chỉ giải quyết về tâm lý thôi. Đó chính là hành động mê tín, gây tình trạng hỗn độn. Tiếc thay dân ta rất nghe lời đồn, và cũng hay bắt chước nhau.

Tình cảnh chen lấn, xô đẩy trong hội lễ có được coi là thể hiện tinh thần cộng cảm không, đặc biệt, trong đêm hội khai ấn đền Trần vừa qua đã có nhiều người mất điện thoại, mất ví tiền và có cả người phải vào bệnh viện vì bị đám đông xô đẩy, giẫm đạp?

Bị ngất khi chen lấn trong đám đông hội làng Hiền Quan (Tam Nông-Phú Thọ)

 - Ở không gian thiêng thì phải có hành động thiêng. Người đi hành hương phải có thái độ đúng mực từ trang phục đến lời nói hay, ứng xử đúng mực. Đi hành hương mà đến nơi lại tranh giành, mắng chửi nhau thì tính thiêng sẽ giảm đi nhiều. Đến nơi có mục đích cầu thiện mà thái độ không thiện thì có đúng không?

Ngay một việc đơn giản như thắp hương, tôi quan niệm "giàu một bó, khó một nén". Chỉ cần mỗi người một nén hương là Phật, Mẫu, thần thánh... chứng giám rồi. Dù chỉ mỗi người một nén thì cũng đã có hàng vạn nén hương được thắp trong những dịp hội lớn. Ai cũng ham thắp thật nhiều hương, khói mù mịt cũng khiến không gian thiếu mỹ cảm, không thoáng. Thắp nhiều làm gì để thường xuyên có một người phải dập hương vào xô nước? Nhiều nơi có sáng kiến để đỉnh hương ngoài sân là rất hay. Ở đền Ngọc Sơn (Hà Nội) có người đứng hai bên cửa, nhắc luôn để người vào lễ không mang vàng mã, chỉ được thắp một nén hương nên tuy rất đông nhưng không khí đỡ... ô nhiễm, thể hiện sự văn minh.

Không gian thiêng rất cần tính mỹ cảm, chính cái đẹp sẽ tăng tính thiêng.

Có nhiều người đi lễ nghĩ rằng bỏ tiền công đức nhiều nơi thì sẽ được phù hộ có nhiều tài, lộc hơn. Nhiều người khẳng định phải thắp hương, thể hiện tấm lòng ở tất cả các ban thờ thì mới "thiêng"? Vì thế, người đi lễ cứ thấy ban thờ, tượng... thì thắp hương, để tiền. Đền, phủ, chùa, miếu... vì thế phải mở rộng, thêm nhiều bát hương, nhiều ban thờ... 

- Nên quan niệm lòng thành kính không biểu hiện ở số nhiều mà phải biểu hiện ở sự đúng mức và thái độ có văn hóa. Lẽ ra Bộ VH-TT-DL phải quản lý cách tổ chức, quy định mỗi đền - chùa - miếu - phủ... chỉ nên có tối đa hai hòm công đức (một bên trong, một ngoài sân chẳng hạn). Không thể để việc mở rộng đền chùa chỉ để có thêm ban thờ mới, hương án mới, hòm công đức mới. Công đức bừa bãi như hiện nay, cứ đi vào bao nhiêu ban thờ là bấy nhiêu lần phải công đức, mạnh ai nấy thu rồi ăn chia. Tiền lẻ tràn ngập không gian thiêng cũng chỉ vì quá nhiều nơi để "rải", nếu cứ dùng tiền chẵn thì không có đủ tiền để rải như thế.

Hội lễ giờ đang trở thành cơ hội thu tiền cho những người quản lý di tích, cho những người "ăn theo" lễ hội với đủ thứ dịch vụ, mạnh ai nấy "chặt", cốt nhất là vơ lợi. Có thể nói, lễ hội cũng như hoạt động tín ngưỡng đang bị lạm dụng để kiếm tiền, trở nên hỗn loạn.

Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để chấn chỉnh sự hỗn loạn này?

- Có tình trạng này, trước hết là do cơ quan quản lý Nhà nước chưa làm hết trách nhiệm của mình. Phải có công văn cụ thể, nói rõ đình, đền, chùa, miếu... là không gian thiêng, yêu cầu người hành hương phải có hành động thiêng. Phải có tiêu chí cụ thể cho nơi thờ, có yêu cầu cụ thể cho người đi hành hương. Sau đó cũng cần kiểm tra việc thi hành, có hình thức xử lý những vi phạm.

Khi đã có văn bản mang tính pháp lý thì những người thủ từ hoặc người giúp việc thủ từ sẽ nhắc nhở những người ứng xử không đúng mực. Tôi tin chắc người đi hành hương sẽ nghe theo những người giữ đền - chùa, vì họ tin lắm thì mới đến để cầu cúng chứ? Giữa đám đông mà một, hai người bị nhắc nhở thì những người khác sẽ tự chấn chỉnh ngay.

Ngoài ra, vào những dịp lễ hội, rất nên phối hợp với các đoàn thể của địa phương như hội phụ nữ, thanh niên, mặt trận tổ quốc, rồi còn an ninh xã nữa. Ban đầu cần sự giám sát sát sao của chính quyền và đoàn thể để ngăn chặn sự tranh giành, chen lấn, xô đẩy... Lâu dần sẽ tạo thói quen ứng xử mới đúng mực hơn thôi. Mùa xuân là mùa khởi đầu của một chu kỳ mới, rất cần những lễ hội, những chuyến hành hương nhẹ nhõm để những người đi lễ về cảm thấy thanh thản.

  • Theo Khánh Linh -VietNamNet

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất