Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 9/2/2009 17:40'(GMT+7)

Di tích, danh thắng chưa xếp hạng vẫn được bảo vệ?

Đồi Vọng Cảnh(Huế)được bảo vệ bởi Luật Di sản văn hoá. Ảnh: TL

Đồi Vọng Cảnh(Huế)được bảo vệ bởi Luật Di sản văn hoá. Ảnh: TL

Quy định còn chung chung

Theo Dự thảo Tờ trình, qua thực tế có một số quy định của Luật đã, đang bộc lộ những hạn chế, bất cập như các quy định về việc lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể; quy định về việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; quy định về việc cấp giấy phép khai quật khảo cổ. Có một số quy định còn quá chung chung nên việc thực thi kém hiệu quả, cụ thể như quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Hay còn thiếu quy định điều chỉnh một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá mà trên thực tiễn thường nảy sinh quan hệ phức tạp như quy định cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá khi triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội; quy định về việc ứng xử với các đối tượng có dấu hiệu là di tích và danh lam thắng cảnh đang trong quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng. Hoặc có những quy định chưa tương thích với các bộ luật khác, như quy định về việc Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với “nghệ nhân, nghệ sĩ”, nhưng ở Luật Thi đua, khen thưởng lại quy định các danh hiệu cụ thể là “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú”. Và hai danh hiệu này chỉ dành để phong tặng cho các “cá nhân có nhiều năm trong nghề, kế tục, giữ gìn, sáng tạo và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống” chứ không điều chỉnh tới các cá nhân có công đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể nói chung.

“Tình trạng vi phạm trong việc sử dụng, khai thác di tích vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều dự án phát triển kinh tế, xã hội còn chưa được gắn kết chặt chẽ với các dự án bảo tồn di tích; việc triển khai Quy hoạch hệ thống bảo tàng VN đến năm 2020 còn chậm, nhiều bảo tàng còn chưa đổi mới các hoạt động, kém hấp dẫn khách tham quan; tổ chức bộ máy và hoạt động thực tiễn bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể còn có sự lúng túng, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, đoàn thể. Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự bất cập về nhận thức chung của toàn xã hội đối với vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá”...  (Trích Dự thảo Tờ trình)

Trong khu vực bảo vệ di tích vẫn được xây dựng công trình phát huy giá trị di tích?

Qua nghiên cứu, Ban soạn thảo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới phù hợp với thực tiễn. Tại Điều 10, Bản giải trình bổ sung thêm quy định quan trọng, phản ánh và giải quyết được những vấn đề đang tồn tại trong thực tiễn: “Khi triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội có liên quan tới di sản văn hoá, tổ chức và cá nhân cần có ý kiến thoả thuận của Bộ VH,TT&DL về các biện pháp bảo vệ di sản văn hoá”. Trong hoạt động thực tiễn của VN và tham khảo tại các nước trên thế giới, trong khu vực bảo vệ di tích đã tiến hành xây dựng các công trình nhằm phục vụ trực tiếp phát huy giá trị di tích. Vì vậy, Ban soạn thảo đã thống nhất đề xuất bỏ cụm từ “bảo vệ nguyên trạng” trong điểm a, khoản 1, Điều 32 và cụm từ “của di tích có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc” trong điểm b, khoản 1 của Điều này. Cũng trong Điều 32, Ban soạn thảo cũng đã quy định bổ sung một điểm rất mới mà trước đây Luật Di sản văn hoá chưa điều chỉnh tới: “Di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh có dấu hiệu như quy định tại Điều 28 của Luật này đang trong quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng đều được bảo vệ theo quy định của Luật này”.

Di tích làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Thế Hiệp

Trong việc bảo quản và phục hồi di tích, Dự thảo mới nhất cũng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định không quá khắt khe như trước. Điều 34 được đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng: “Việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải giữ gìn tối đa di tích và các yếu tố cấu thành di tích đã được xác định trong các khu vực bảo vệ di tích. Khi xây dựng các công trình phục vụ phát huy giá trị di tích không được làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường-sinh thái di tích...”. Với quy định này, trong khu vực bảo vệ di tích vẫn có thể được xây dựng những công trình như dịch vụ để phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích chứ không được xây dựng theo quy định hiện tại.

Không gọi “nghệ nhân” mà là “cá nhân có tài năng xuất sắc”?

Giải trình về việc sửa đổi, bổ sung Điều 26 quy định việc tôn vinh và có chính sách đãi ngộ nghệ nhân, Dự thảo cho biết danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được ghi trong Điều 65 của Luật Thi đua khen thưởng phù hợp với việc phong tặng cho các cá nhân có công lưu giữ, bảo vệ, phổ biến và truyền dạy nghệ thuật truyền thống, tri thức dân gian và nghề thủ công truyền thống. Các cá nhân hiện đang lưu giữ, trao truyền vốn quý di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc đang ngày càng mai một. Họ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá đó, vì vậy rất cần thiết phải tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với họ. Song, đối chiếu với Điều 65 của Luật Thi đua, khen thưởng thì họ không phải thuộc đối tượng. Nói cách khác, chưa có hình thức phong tặng cho các đối tượng có công lưu giữ, bảo vệ, phổ biến và truyền dạy nghệ thuật truyền thống, tri thức dân gian. Lần này, Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 26 theo hướng: “Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ với cá nhân có tài năng xuất sắc, có công lưu giữ, bảo vệ, phổ biến và truyền dạy nghệ thuật truyền thống, tri thức dân gian, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt”.

Ngoài ra, Dự thảo mới nhất cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định mới như “trong trường hợp địa điểm khảo cổ đang bị huỷ hoại hoặc có nguy cơ bị huỷ hoại thì Giám đốc Sở VH,TT&DL cấp giấy phép khai quật khẩn cấp”; hay về quy định chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng thì có thêm: “Tổ chức các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của công chúng”.

Theo Nguyễn Hoà-Vanhoa Online

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất