(TCTG)- Đó là những năm tháng thanh bình dựng xây đất nước sau cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp của chúng ta ở miền Bắc (miền Nam vẫn nằm trong sự cai trị của bè lũ Mỹ-Diệm). Ai sống thời gian ấy đã chứng kiến một sức thanh xuân phơi phới ở khắp nơi với những phong trào thi đua yêu nước thật sôi nổi, hào hứng bằng “Gió Đại Phong, Sóng Duyên Hải, Cờ Ba Nhất” - 3 điển hình tiêu biểu trong 3 đối tượng Công-Nông-Binh lúc bấy giờ: Hợp tác xã nông nghiệp Đại Phong, Nhà máy cơ khí Duyên Hải và Phong trào thi đua Ba Nhất trong Quân đội. Ai lúc ấy cũng vui tươi, hồ hởi, cũng nhìn về tương lai tươi sáng và suy nghĩ, hành động bởi một ý chí thống nhất của khối đại đoàn kết toàn dân
Vào một ngày kia, giữa mùa xuân của năm 1960, tôi nghe được một bài hát ở trên Đài Phát thanh qua giọng của một tốp ca nữ. Bài hát thật rộn ràng, lại được hát bè, nghe rất thú vị: “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng. Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi. Đảng đã đem về tuổi xuân cho nước non. Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời…”. Lúc đó mặc dù đang ở tuổi thiếu nhi, nhưng tôi lại thích nghe - và hát - những bài dành cho người lớn hơn là cho lứa tuổi của mình. Trong khi các bạn cùng trang lứa say mê các trò chơi: đánh khăng, đánh đáo, bi, quay… thì tôi lại chỉ thích nghe ca nhạc. Ngày ấy, muốn nghe chỉ có thể ở hai nguồn: nghe ra-đi-ô (nhạc của các đài phát thanh) và nghe đĩa. Nhưng không phải là đĩa CD, VCD, hay DVD như bây giờ mà là đĩa loại to hai cỡ số 33 hoặc 45, đặt vào máy quay gọi là máy hát hoặc kèn hát. Bài hát những ngày tháng hoà bình (ở miền Bắc) và đấu tranh thống nhất hai miền khi ấy thường có một không khí bao trùm: du dương, êm ả hoặc nhớ thương, thâm trầm. Những bài đặc biệt rộn rã, náo nức không nhiều. Cho nên nghe bài hát trên, tôi bỗng ấn tượng ngay và thấy có một không khí thật mới mẻ, như là mở ra một cái gì mà trước đó chưa hề có.
Cũng thời kỳ đó, chúng tôi chỉ hay tìm kiếm bài hát mình ưa thích mà chẳng mấy để ý đến tác giả, thậm chí cả tên bài hát nhiều khi cũng không nhớ mà thay vì cứ gọi bằng câu mở đầu, ví dụ gọi bài Câu hò bên bến Hiền Lương là “Bên ven bờ Hiền Lương”…, gọi Bài ca hy vọng là “Từng đôi chim bay đi”.v.v… Lại có một thói quen nữa là rất lười chép nhạc, chỉ chép lời vào sổ tay, mặc dù đang được học nhạc ở trường. Vì rất thích bài hát trên mà tôi nghe qua vài lần trên đài là đã thuộc. Trong những lần văn nghệ ở trường, tôi thường hay mang bài này ra đơn ca (tôi khi ấy là người hát đơn ca hay, được các thầy, các bạn khen). Nhiều bạn nữ trêu: “Cậu con gái hay sao mà hát bài ấy, thiếu gì bài hay khác. Bài đấy vừa của nữ, lại là hát tốp ca”. Tôi tự ái lắm, mà rằng: “- Ơ, các bạn hay nhỉ, có ai quy định bài hát phải nam hay nữ hát đâu. Ai thích bài gì cứ việc hát chứ sao”. Lại một kỷ niệm khác: Tôi đăng ký hát bài này trong một lần hội diễn toàn trường nhân chào mừng ngày 20-11. Một thầy giáo phụ trách văn nghệ nói với tôi: “Em có thể tìm những bài về các thầy, các cô giáo, còn bài này nói về Đảng, để dịp kỷ niệm sinh nhật Đảng sẽ phù hợp hơn”. Tôi nói với thầy: “-Thưa thầy, bài về đề tài sư phạm các bạn khác hát cả rồi, em rất thích bài này. Em nghĩ là hát về Đảng thì lúc nào cũng phù hợp, cũng có ý nghĩa”. Sau đó, tôi được chấp nhận và còn được biết thầy giáo đó đã nói với các thầy, cô khác: “Cái thằng mới ngần ấy tuổi đầu mà nói như ông cụ non, khiến mình đành phải chịu”. Vâng! Khi ấy tôi mới 13-14 tuổi. Sau này kể lại câu chuyện đó với nhạc sĩ Phạm Tuyên - tác giả bài hát - ông cười thú vị lắm và nói với tôi: “Đúng là từ bé đã báo hiệu một nhà lý luận trong tương lai”.
Phải tới gần mấy năm sau, khi tôi học hết phổ thông, vào đại học, một lần tình cờ đọc báo thấy đăng bài hát trên, mới biết rõ đó là bài Đảng đã cho ta cả một mùa xuân của Phạm Tuyên. Và mãi tới sau này, gần đây, một lần ông kể cho tôi nghe về sự ra đời của bài hát:
“- Đó là dịp Tết năm Canh Tý 1960, cũng đúng lúc chúng ta kỷ niệm lần thứ 30 ngày Đảng ra đời. Khi ấy, tôi còn nhớ rõ không khí khắp nơi nhộn nhịp lắm. Nhà thơ Tố Hữu thì có bài thơ 30 năm đời ta có Đảng, vừa xuất hiện đã được đông đảo công chúng rất hưởng ứng. Tôi cũng muốn viết một bài hát đánh dấu mốc lịch sử này. Giữa bối cảnh xã hội như vừa nói trên, tôi bỗng nhớ đến câu nói nổi tiếng của nhà cách mạng Pháp-Paul Verlain về chủ nghĩa Cộng sản: “Chủ nghĩa Cộng sản là tuổi thanh xuân của thế giới”. Thế là đã gợi ý tôi hình thành nội dung bài hát. Và tứ văn học sẽ là: có Đảng, ta sẽ có cuộc đời, sự sống, có tất cả. Đảng là khởi thuỷ của mọi thành công. Đảng đã cho chúng ta mùa xuân bất tận. Vậy là tên bài hát, đồng thời cũng là câu đầu tiên dẫn vào bài đã hình thành: Đảng đã cho ta cả một mùa xuân…”.
Bài hát nghe nhẹ nhàng mà sâu sắc, dung dị như chính tình cảm trong sáng, thiêng liêng của mỗi chúng ta dành cho Đảng. Đó là tiếng hát vút lên từ khát vọng non tươi, trẻ trung nhất của cuộc sống có Đảng định hướng, khi “Bao năm khổ đau đất nước ta không mùa xuân…” đã không còn nữa trên miền Bắc thân yêu để “Bóng tối lui dần, tiéng chim vui hót vang” ở một nửa đất nước trong hoà bình, xây dựng, tiếp tục cùng đồng bào miền Nam hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Rồi lời ca lại vút lên da diết, rạo rực niềm tin: “Và rồi từ đấy ánh dương soi đời mới. Tiến theo cờ Đảng là thấy tương lai sáng tươi”. Tiết tấu valse của nhịp vốn dĩ phù hợp với sự điệu đà, uyển chuyển đã được tác giả sử dụng để biểu hiện sắc thái tình cảm bài hát này. Tính đại chúng với việc dễ hát, dễ biểu hiện của giai điệu đã giúp cho bài hát nhanh chóng đến được với mọi tầng lớp công chúng.
Tôi có dịp dự nhiều hội diễn văn nghệ của chuyên nghiệp cũng như quần chúng được tổ chức vào những dịp chào mừng ngày sinh nhật Đảng, thường thấy rất nhiều đơn vị đưa bài hát này lên sân khấu. Có khi một buổi có đến 3-4 nơi cùng hát. Đủ thấy người ta ưa thích bài hát như thế nào.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng mỗi khi nghe lại bài hát này, lòng ta lại rộn lên những cảm xúc phấn hứng, dạt dào niềm tin yêu vào Đảng, vào tương lai đất nước. Cảm xúc mà tác giả truyền đến cho người nghe qua bài hát vẫn nguyên vẹn sự trẻ trung, tươi mới như sức sống bất diệt của những mùa xuân./.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình San