Thủ tướng Chính phủ đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng bộ ngành, địa phương về vấn đề bạo lực học đường và chỉ đạo không để bạo lực học đường trở thành vấn đề của xã hội.
Cần phổ biến các nội dung pháp luật liên quan đến vấn đề xâm hại trẻ em cho giáo viên, học sinh, phụ huynh; tăng cường giáo dục kỹ năng sống và tình yêu thương cho các em; thay đổi cách đào tạo sư phạm và thay đổi nhận thức của giáo viên về giáo dục quyền lực… Đó là những giải pháp được các chuyên gia giáo dục chỉ ra nhằm cải thiện tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra ngày càng phức tạp trong thời gian qua.
Tiến sỹ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học phổ thông FPT : Cần phổ biến pháp luật thường xuyên, định kỳ cho giáo viên và học sinh
Theo quy định của Luật trẻ em thì trường phải phổ biến cho học sinh và giáo viên, cán bộ nhà trường. Tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định cụ thể, chẳng hạn cứ đầu năm hoặc đầu học kỳ, nhà trường phổ biến về các luật liên quan như Luật Trẻ em, Luật Giáo dục cho giáo viên. Giáo viên phổ biến cho học sinh về các quyền và nghĩa vụ của các em, của giáo viên.
Khi giáo viên nói cho học sinh biết rằng theo Luật Trẻ em, Luật Giáo dục, giáo viên không được quyền xâm phạm thân thể các em thì học sinh sẽ biết đó là hành động sai và chính học sinh sẽ là người giám sát giáo viên và các bạn khác. Giáo viên cũng phải ý thức hơn, không thể vi phạm điều đó.
Thậm chí, có thể vẽ tranh, khẩu hiệu về các nội dung liên quan, dán lên tường để học sinh và giáo viên cùng nhắc nhớ mỗi ngày.
Phó giáo sư Trần Thành Nam - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: Thay đổi nhận thức của giáo viên
Cần phải thay đổi quan điểm giáo dục trẻ bằng nỗi sợ hoặc để con cảm thấy xấu hổ. Quan điểm giáo dục đó không thể xây dựng cho con lòng tự trọng, sự tự chủ, tinh thần phản biện, càng không thể có sự sáng tạo. Trẻ sẽ không dám nói những điều mà ở trong lòng cho là đúng.
Để làm được việc này thì kỷ luật tích cực và phương pháp quản lý hành vi tích cực là vấn đề cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc và chia sẻ cho giáo viên. Bên cạnh đó cũng cần thay đổi nhận thức của phụ huynh về vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ, cách để giáo dục con mà không dùng tới bạo lực.
Người lớn với trẻ cũng là cách tốt nhất để giáo dục trẻ không sử dụng bạo lực với người khác.
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đức Sơn - Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội: Đổi mới đại học sư phạm, từ xét tuyển đến đào tạo
Khảo sát trên 1.500 giáo viên cho thấy những người yêu nghề thì hài lòng với công việc hơn người không yêu nghề. Một khảo sát khác cho thấy khoảng 70% người chọn sư phạm là yêu nghề, 30% chọn vì hoàn cảnh.
Với cách nhìn đó, phải có giải pháp để tuyển sinh vào sư phạm những người yêu nghề và có tố chất phù hợp với nghề, không chỉ dựa vào điểm thi các môn cơ bản như hiện nay.
Trong đào tạo sư phạm, các vấn đề như đào tạo phẩm chất, đạo đức, kỹ năng thực hành sư phạm đã có, tuy nhiên, giáo dục về phẩm chất đạo đức lại không chỉ là thuộc bài, giáo dục đạo đức phải là trải nghiệm.
Để mỗi cá nhân có thể vượt qua được áp lực thì họ phải trải nghiệm nhiều để có sức đề kháng. Phải tìm cách để sinh viên sư phạm phải được trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, đây lại là điểm đang khó ở các trường, kết nối giữa trường sư phạm và trường phổ thông có quy định pháp lý nhưng thực tiễn còn khó khăn.
Các trường cũng cần đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, có chương trình giúp học biết chuyển hóa cảm xúc. Hiện trường sư phạm có đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên nhưng còn lẻ tẻ.
Cô Hoàng Phương Ngọc - Giáo viên Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy, Hà Nội: Có phòng tâm lý trong mỗi nhà trường
Giáo viên phải chịu áp lực từ nhiều phí, từ học sinh, phụ huynh, nhà trường… Một lớp có nhiều đối tượng học sinh, có em học tốt, có em tiếp thu chậm, có em cá biệt về tính cách, em lại có vấn đề về hoàn cảnh…
Vì vậy, giáo viên khi lên lớp phải đối mặt với nhiều tình huống sư phạm, vừa như người truyền kiến thức, vừa
Vấn đề nổi cộm nhất ở cấp hai là tâm lý học đường, giai đoạn học sinh đang lớn nên tò mò về giới tính, cũng có những thay đổi về tâm sinh lý, tính cách…. Chúng tôi cũng cố gắng trò chuyện với các em nhưng không đủ kiến thức toàn diện.
Vì vậy, các trường phải có phòng tâm lý học đường, không chỉ dành cho học sinh mà cho cả giáo viên, vừa là nơi chia sẻ, giải tỏa các áp lực, có thể nhận những tư vấn tích cực, vừa là cầu nối giữa các bên.
Ông Nguyễn Trọng An - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Phối hợp “ba nhà” dạy kỹ năng, đạo đức cho học sinh
Để giảm tình trạng bạo lực học đường nói riêng và xâm hại trẻ em nói chung, trước tiên là vai trò của gia đình. Cha mẹ phải có kiến thức, kỹ năng để giáo dục con em tự bảo vệ mình, phòng ngừa các xâm hại và bạo lực, cũng như biết sống yêu thương để không bạo lực với người khác. Tôi cho rằng hiện giáo dục gia đình vẫn chưa được coi trọng đúng mức.
Thứ hai là vấn đề giáo dục nhà trường, làm thế nào dành thời gian, tài liệu để hỗ trợ, dạy dỗ các em về kỹ năng sống, kỹ năng phòng ngừa xâm hại, kỹ năng tồn tại. Có thể giảm các bài học về kiến thức hàn lâm và thay bằng các bài học về đạo đức, về giá trị sống, tình yêu thương.
Thứ ba là vấn đề xã hội. Đó là vai trò giám sát của xã hội về việc thực hiện luật, cơ quan bảo vệ luật pháp nghiêm minh như thế nào, cơ quan giám sát của ủy ban nhân dân các địa phương hoạt động ra sao, giám sát vấn đề quản lý internet, tranh ảnh, chất kích thích.... Những tấm gương tích cực sẽ là hình ảnh đẹp để giới trẻ noi theo.
Cuối cùng là sự kết nối, tạo cơ chế bảo vệ trẻ em trong cộng đồng và trong ngành giáo dục, đúng như Luật Trẻ em đã đề ra.
Ông Chris Henderson - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo nghề nghiệp, Đại học Waikato, New Zealand: Phải thay đổi nhận thức của cả xã hội
Dù có thể có rất nhiều chính sách đưa ra, nhưng nếu chính sách đó không đặt trong nền văn hóa mà mỗi người dân đều có suy nghĩ, tư duy là phải bảo vệ đứa trẻ và trở thành văn hóa chung của cả xã hội thì dù bạn có bao nhiêu chính sách cũng không thể thực hiện tốt được việc phòng chống bạo lực học đường./.
Theo Vietnam+