Được tổ chức tín nhiệm trao quyền lãnh đạo, quản lý là niềm vui, vinh dự của bất kỳ ai. Nhưng nếu không khéo, họ sẽ từ một cán bộ giỏi chuyên môn trở thành nhà quản lý tồi.
Thời gian gần đây, một số lãnh đạo bệnh viện và cán bộ ngành y tế bị khởi tố do liên quan đến các sai phạm ngoài chuyên môn, như: Vi phạm quy định về đấu thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế; quản lý tài chính... Trong số đó có những chuyên gia đầu
ngành được bệnh nhân, đồng nghiệp trong nước và quốc tế mến phục về tài
năng, trình độ.
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và phòng, chống
dịch COVID-19 của Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở,
không có gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người có thể gọi
là tinh hoa của đất nước.
Vi phạm thì phải bị xử lý, tuy nhiên,
đây là vấn đề rất đáng lo ngại, cần phải chỉ rõ nguyên nhân để từ đó có
giải pháp khắc phục. Theo các đại biểu, ngoài trách nhiệm cao nhất về
chuyên môn, lãnh đạo bệnh viện còn phải chịu trách nhiệm về mọi mặt hoạt
động của đơn vị, tức là vừa phải cầm dao mổ, vừa phải lo từ việc gửi
xe, xử lý rác thải, mua sắm sinh phẩm, vật tư, đấu thầu trang thiết bị y
tế... Với những yêu cầu đó, bác sĩ phải có kỹ năng đặc biệt mới có thể
hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhìn rộng hơn, đây cũng là thực trạng chung ở
nhiều lĩnh vực khác.
Công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh
đạo, quản lý hiện nay thường yêu cầu và ưu tiên người giỏi về chuyên
môn. Thế nhưng, trở thành người đứng đầu một cơ quan, đơn vị, ngoài việc
lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, người đứng đầu còn
phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nhiều mặt khác, trong đó có
những lĩnh vực phức tạp và nhạy cảm, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên
sâu cùng kinh nghiệm thực tiễn. Vì thế, cán bộ giỏi chuyên môn không
đồng nghĩa với việc sẽ trở thành một nhà quản lý tốt.
Được tổ chức tín nhiệm trao quyền lãnh đạo, quản lý là niềm vui, vinh dự
của bất kỳ ai. Nhưng nếu không khéo, họ sẽ từ một cán bộ giỏi chuyên
môn trở thành nhà quản lý tồi, thậm chí rơi vào cảnh tù tội. Xảy ra điều
này có nguyên nhân chủ quan từ sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu kiến
thức, kinh nghiệm quản lý, điều hành nhưng cũng không thể không nói đến
những hạn chế trong cơ chế quản lý; hệ thống pháp luật còn chồng chéo,
chưa đồng bộ... Vì vậy, bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức mọi
mặt cho người đứng đầu, những cán bộ nguồn, cần sớm hoàn thiện hành lang
pháp lý cho công tác quản lý, có cơ chế trách nhiệm phù hợp và đẩy mạnh
phân cấp, phân quyền cho cấp phó, các bộ phận chức năng.
Người Việt Nam ta có câu: "Xay lúa thì
khỏi ẵm em", hàm ý một người khó có thể làm nhiều việc quan trọng cùng
một lúc. Tại nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, trong một tổ chức,
người có năng lực về quản trị, tài chính được giao quản lý về hành
chính, tài chính; người có chuyên môn giỏi thường đảm nhận vai trò giám
đốc chuyên môn... Đây là cách làm mà chúng ta có thể nghiên cứu, tham
khảo để xây dựng cơ chế quản lý, cơ chế trách nhiệm phù hợp với thực
tiễn.
Cũng cần nhấn mạnh một vấn đề là về lâu dài, cần tiếp tục nghiên cứu,
hoàn thiện cơ chế sử dụng, đãi ngộ tốt đối với đội ngũ cán bộ giỏi,
chuyên gia đầu ngành để họ yên tâm, tập trung làm công tác chuyên môn;
không muốn, không cần phải làm cán bộ lãnh đạo, quản lý mà vẫn luôn cảm
thấy vinh dự, tự hào.
Phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, đại
biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) bày tỏ: “Hãy
để chúng tôi yên tâm với thu nhập của mình, để không còn tủi thân hay
lăn tăn với những cám dỗ nhỏ nhặt hằng ngày. Tôi tin chắc, với những gì
cán bộ, nhân viên y tế Việt Nam đã chứng minh trong thời gian vừa qua,
nếu có thu nhập tường minh xứng đáng, chúng tôi sẽ không thua kém những
nền y tế tiên tiến trong khu vực”.
Thiết nghĩ, đây cũng là mong muốn chung của cán bộ, nhân viên trong tất cả lĩnh vực, ngành nghề./.
Nguyễn Đức Tuấn (qdnd.vn)