(TG) - “Tham mưu theo ý sếp” đã và đang xuất hiện ở không ít nơi, cơ quan, công sở, bởi nó mang lại nhiều “lợi ích”: sếp thích hơn (vì đúng ý), sếp hài lòng hơn (vì sự đồng lòng, giúp sức của cấp dưới), hiển nhiên sếp sẽ quan tâm hơn, nâng đỡ hơn cho mình (có đi, có lại). Hệ lụy của hiện tượng này chính là hình thành một bộ phận những cán bộ cấp dưới chỉ “chuyên tâm, chăm chú” xu nịnh, đón ý, chiều lòng cấp trên; làm vô hiệu hóa những ý kiến tham mưu sắc sảo, dám nói, dám chịu trách nhiệm; triệt tiêu những lời can gián, tư vấn, phản biện khoa học, vì lợi ích chung...
Tham mưu là hiến kế, đề xuất, đưa ra các ý tưởng, sáng kiến, phương án, cũng như những chiến lược, sách lược và các giải pháp hữu hiệu nhằm giúp lãnh đạo có thông tin, cơ sở, từ đó quyết định “đúng và trúng” những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Đây vốn là công việc dành cho những người “phía sau”, với năng lực và sự am hiểu công tác chuyên môn, đội ngũ này nhận định, đánh giá các vụ việc, vấn đề, nội dung… trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tư vấn cho cấp trên. Vì thế, “sản phẩm” tham mưu hiển nhiên chứa đựng hàm lượng chất xám của các cá nhân hoặc tập thể. Có thể sẽ có nhiều đáp án, được sắp xếp theo thứ tự 1, 2, 3, hoặc ở chừng mực nhất định, người tham mưu sẽ đề xuất lãnh đạo giải quyết theo phương án khả thi nhất mà họ nhận định.
Việc tham mưu càng được triển khai khách quan, công tâm, khoa học thì chất lượng tham mưu càng cao, lãnh đạo càng có nhiều cơ sở tin cậy để có thể đi đến quyết định đạt hiệu lực, hiệu quả.
Lý thuyết là như vậy, tuy nhiên, thực tế cho thấy, lâu nay ở không ít cơ quan, đơn vị vẫn tồn tại một kiểu tham mưu “đặc biệt”, đó là: Tham mưu theo ý sếp. Những “phiên bản” khác có thể kể ra là đợi ý sếp để “vun vào”, xem sếp muốn gì để tham vấn theo ý đó.
Cho dù phương cách nào, thì bản chất của tham mưu trong những trường hợp này đã bị đi lệch quỹ đạo. Tính khách quan, khoa học, tính cẩn trọng, chính xác đương nhiên bị thay thế bởi ý sếp, phương án của sếp, dự định của sếp (bất chấp thực tế có thể đúng như chọn lựa của sếp hoặc không phải như vậy). Việc còn lại của những người “tham mưu” chỉ còn là vun vào, củng cố thêm, làm chắc chắn thêm cho sếp thấy quyết định của mình là đúng. Thậm chí, họ sẵn sàng vượt qua tất cả các ý kiến trao đổi, thảo luận, phản biện chỉ để hướng về đích mà sếp đã định ra. Ý sếp bỗng nhiên trở thành chân lý được vạch sẵn, kẻ đường, để những người “phía sau” đi theo. Phải làm thế nào để ý sếp được trở thành hiện thực, phương án sếp chọn trở thành phương án số 1. Đơn giản chỉ vậy!
“Tham mưu theo ý sếp” đã và đang xuất hiện ở không ít nơi, cơ quan, công sở, bởi nó mang lại nhiều “lợi ích”: sếp thích hơn (vì đúng ý), sếp hài lòng hơn (vì sự đồng lòng, giúp sức của cấp dưới), hiển nhiên sếp sẽ quan tâm hơn, nâng đỡ hơn cho mình (có đi, có lại). Hệ lụy của hiện tượng này chính là hình thành một bộ phận những cán bộ cấp dưới chỉ “chuyên tâm, chăm chú” xu nịnh, đón ý, chiều lòng cấp trên; làm vô hiệu hóa những ý kiến tham mưu sắc sảo, dám nói, dám chịu trách nhiệm; triệt tiêu những lời can gián, tư vấn, phản biện khoa học, vì lợi ích chung...
Hiển nhiên, “tham mưu” như vậy thì không phải là... tham mưu như nguyên nghĩa tốt đẹp, tích cực của nó nữa.
Khi nào, ở đâu vẫn còn những vị “sếp” chỉ thích xu nịnh, vuốt đuôi, “tiền hô, hậu ủng”; ưa áp đặt, mệnh lệnh - coi ý mình là “chân lý” mà cấp dưới phải thực thi… thì ở đó sẽ vẫn “nở rộ” những người chỉ biết “tham mưu theo ý sếp”!./.
Song Minh