Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 14/5/2011 8:43'(GMT+7)

Chuyện về Đội Nhi đồng cứu quốc đầu tiên

Ông Lý Văn Tinh (Thanh Minh) trò chuyện với phóng viên

Ông Lý Văn Tinh (Thanh Minh) trò chuyện với phóng viên

Kỳ 1: Tuổi nhỏ chí lớn

Lời thề dưới chân núi Thoong Mạ

Đến thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) trời đã quá trưa, nhưng không mấy khó khăn để chúng tôi tìm được tới nhà ông Lý Văn Tinh, một trong 5 người đội viên đầu tiên. Năm nay đã 87 tuổi, đôi chân không đi lại được, nhưng trí óc của ông vẫn còn rất minh tuệ. Anh Lý Ngọc Bính, người con trai thứ ba của ông cho biết:

- Bố tôi bị liệt mấy năm nay, nhưng khi ngồi dậy được ông lại đọc sách. Thứ bảy nào ông cũng dành thời gian nghe con cháu kể chuyện làm ăn, chuyện học tập, thậm chí cả những vấn đề thời sự trong nước và trên thế giới... Rồi ông lại kể cho con cháu nghe chuyện mình làm liên lạc cho cách mạng.

Biết chúng tôi là nhà báo đến ông vui lắm. Giọng sang sảng ông gọi người con út lấy chai rượu. Thấy vậy, người bạn đi cùng tôi công tác ở Báo Cao Bằng giải thích:

- Khách quý mới được mời rượu đấy!

Ông nhấm một ngụm, gật gù:

- Rượu quê mình nấu bằng men gia truyền, êm lắm, say là ngủ, tỉnh dậy như chưa uống. Cũng chất men này mà 70 năm trước, 5 anh em chúng tôi trong buổi kết nạp đội viên Đội Nhi đồng cứu quốc ai cũng chếnh choáng...

Nói rồi ông thủng thẳng đưa chúng tôi về miền ký ức hào hùng.

Ngày đó, thôn Nà Mạ, xã Trường Hà chỉ có mấy nóc nhà. Trẻ con trong xã vẫn chơi khăng, chơi quay ngoài bìa rừng. Nghe người lớn nói, bọn trẻ đều biết trên địa bàn xã mình có một ông Ké và nhiều khách "giang hồ" đến. Họ ở trong khe đá và các hang núi để bàn cách đánh giặc. (Ông Ké là Bác Hồ, còn khách "giang hồ" là các chiến sĩ cách mạng). Ở xã, ai cũng căm ghét bọn lính hống hách nên mọi người đều quý ông Ké và những người khách...

Tháng 5-1941, ở Pác Bó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII họp từ ngày 10 đến ngày 19, ông Ké cũng tham gia (Bác Hồ lúc đó với danh nghĩa đại biểu Quốc tế Cộng sản về chỉ đạo cách mạng Việt Nam).

Ngày 3-5-1941, anh Đức Thanh cùng nhóm trẻ trong làng đi câu cá. Ai cũng muốn được ngồi gần nghe anh Đức Thanh kể chuyện. Bên bờ suối, anh kể cho các em nhỏ nghe chuyện về đời sống đồng bào ở dưới xuôi; về tội ác của thực dân, phong kiến; về phong trào cách mạng đang nổi lên... Bọn trẻ ai cũng khen anh Đức Thanh giỏi, nói chuyện dễ nghe. Lúc đó, không ai biết anh Đức Thanh có tên thật là Đàm Minh Viễn, quê ở bản Nà Nghiêng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Anh là người được học chữ từ nhỏ, ít tuổi nhưng đã là Ủy viên Ban chấp hành Châu ủy Hà Quảng. Sau này, anh làm Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn và hy sinh trong chiến trường miền Nam. Trong thời gian diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII anh được giao nhiệm vụ tổ chức và chỉ huy lực lượng bảo vệ vòng ngoài.

Trưa 14-5, anh Đức Thanh đến gặp Lý Văn Tinh. Anh Thanh hỏi Lý Văn Tinh về bọn lính canh các đồn bốt. Anh Thanh chưa kịp nói hết câu, Lý Văn Tinh đã sôi nổi:

- Nhà em ai cũng căm thù giặc. Bọn lính thu nhiều thuế, bắt gánh thóc đi nộp ở rất xa. Anh rể em là Nông Nhật Sơn chống lại không những bị chúng đánh gãy tay mà sau đó còn bị chặt đầu...

Tuổi nhỏ nên Lý Văn Tinh hồn nhiên không giấu giếm khi kể về nỗi nhục mất nước và khảng khái với quyết tâm của mình, muốn giúp khách "giang hồ" đánh giặc.

- Em muốn lấy khẩu súng bắn chết bọn giặc kia anh ạ!

Thấy vậy, anh Đức Thanh khuyên Lý Văn Tinh bình tĩnh và hẹn em giờ Hợi ngày 15-5, có mặt ở chân núi Thoong Mạ.

Đúng hẹn, Lý Văn Tinh đến đã thấy 4 người bạn là Nông Văn Dền, Nông Văn Thàn, Lý Thị Nì, Lý Thị Xạu ở đó. Anh Đức Thanh giải thích:

- Tôi bí mật hẹn các em đến đây là có nhiệm vụ rất quan trọng giao cho cả nhóm và từng người. Các em là những người nhỏ tuổi nhưng có lòng yêu nước, yêu đồng bào, tôi thay mặt cán bộ cách mạng quyết định thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc. Đội này do Nông Văn Dền làm Đội trưởng. Nhiệm vụ của các đội viên là làm chiến sĩ liên lạc; đưa đón, bảo vệ cán bộ; canh gác các cuộc họp; chuyển công văn, tài liệu và các nhiệm vụ đột xuất khác. Các em có sẵn sàng không?

Nghe anh Đức Thanh nói vậy 5 đội viên vui mừng rồi đồng thanh hô: Sẵn sàng!

Anh Đức Thanh quy định tên cách mạng cho từng người. Anh nói chậm, giải thích cặn kẽ theo tiếng dân tộc Tày và tiếng Hán:

- Nông Văn Dền, có tên cách mạng là Kim Đồng, nghĩa là thiếu niên xinh đẹp, xán lạn. Nông Văn Thàn tên cách mạng là Cao Sơn, nghĩa là người có đức hạnh như ngọn núi cao. Lý Thị Nì là Thủy Tiên, nghĩa là cây hoa của mùa xuân. Lý Thị Xạu là Thanh Thủy, nghĩa là làn nước trong xanh tinh khiết. Lý Văn Tinh gọi là Thanh Minh, nghĩa là ngọc của buổi sớm.

Dừng lại hồi lâu để mọi người có thể nhớ thuộc tên mình và tên của từng thành viên, anh Đức Thanh nói về vị trí thuận lợi của thôn Nà Mạ:

- Từ Nà Mạ có thể đi đến các nơi cách mạng đang phát triển; là chỗ đón tiếp đại biểu đến hoạt động ở Pác Bó...

Sau đó, anh Đức Thanh đề nghị mọi người nhắc lại nhiệm vụ. Thấy Thanh Minh còn lúng túng, anh động viên:

- Quá trình hoạt động dần dần rồi các đồng chí sẽ hiểu. Đội Nhi đồng cứu quốc làm càng tốt nhiệm vụ của mình bao nhiêu thì sẽ góp phần đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập cho nước nhà sớm bấy nhiêu.

Buổi kết nạp đơn sơ được kết thúc bằng lời thề: “Dù phải hy sinh đến tính mạng cũng không phản bội cách mạng, phản bội nhân dân, phản bội đồng đội”. Theo ý kiến của các em, mọi người đồng ý cắt máu ăn thề để lời thề được linh thiêng. Anh Thanh lấy trong túi ra một chiếc chai nhỏ, một chiếc bát sắt và một con dao nhọn. Anh Thanh đổ rượu ra bát, lấy dao chích đầu ngón tay áp út của mình. Máu trên ngón tay anh nhỏ từng giọt xuống bát rượu. Kim Đồng, Cao Sơn, Thanh Minh, Thủy Tiên, Thanh Thủy lần lượt làm theo. Bên ánh đèn dầu bát rượu hồng tươi, anh Đức Thanh uống rồi giơ tay lên quá đầu hô vang:

- Xin thề!

Mọi người cùng uống. Người nào uống xong đều hô: Xin thề!

Vì tuổi còn nhỏ (Kim Đồng và Cao Sơn lúc ấy mới 12 tuổi, còn Thủy Tiên và Thanh Thủy đều 13, riêng Thanh Minh là tuổi 15), nên rượu đào đã làm các đội viên đỏ mặt, người lâng lâng, họ ngủ tại nơi kết nạp trên lá cây rừng khô tới khi con gà gáy sáng.

Chiến công đầu thầm lặng

Trong các đội viên, nhà Thanh Minh có điều kiện kinh tế hơn cả. Lúc đó, gia đình ông có 12 con trâu và hơn 1 mẫu ruộng. Bởi vậy, Kim Đồng bàn với các đội viên trong lúc chăn trâu sẽ tập cách xử lý tình huống trên đường đưa đón cán bộ cách mạng. Kim Đồng và Cao Sơn một bên, Thanh Minh, Thanh Thủy, Thủy Tiên ở bên còn lại. Thanh Minh dồn hai con trâu cho chúng chọi nhau, hô hét cổ vũ. Tình huống này mục đích tạo sự chú ý của quân giặc. Tình huống thứ hai là câu cá dưới suối. Cao Sơn thả cần câu nhưng mắt quan sát về bốn phía nếu thấy quân lính tới dù có cá hay không đều phải giật tạo tiếng động báo cho cán bộ cách mạng biết. Tình huống thứ ba là Thủy Tiên và Thanh Thủy cãi nhau nhờ quân lính can thiệp.

Sau đó, Kim Đồng dẫn mọi người tìm đường rừng đi qua khe núi tới xã Nà Sác (con đường này theo hướng dẫn của anh Đức Thanh để đưa cán bộ dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII rời khỏi Nà Mạ. Sau này là đường mà các đội viên đưa cán bộ về Pác Bó).

Vì là rừng già rậm rạp, các đội viên đi đến đâu làm dấu trên thân cây đến đó. Trên cung đường dài gần 7km, Kim Đồng phân công vị trí canh gác cụ thể cho từng người. Đoạn qua suối Cao Sơn câu cá. Đoạn đất rộng trên đỉnh đèo Gù, Thanh Minh chăn trâu. Đoạn có cây rừng phủ ra đường Thủy Tiên, Thanh Thủy hái rau... Sáng 19-5, các đội viên vào những vị trí được phân công, chuẩn bị cho nhiệm vụ đầu tiên của Đội. Chiều 19-5, hội nghị kết thúc, Kim Đồng đi trước, cán bộ cách mạng đi sau, mỗi người cách nhau khoảng 100m...

Sau 4 ngày thành lập, các đội viên Nhi đồng cứu quốc đã lập chiến công đầu, đưa nhiều đại biểu dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII từ Pác Bó, xã Trường Hà ra thôn Nà Sác, xã Nà Sác an toàn. Tới nay cũng rất ít tài liệu nói về chiến công đầu của các đội viên ngày ấy.

Kỳ 2: Mưu trí, dũng cảm, sáng tạo

QĐND - Giai đoạn 1941-1943, phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân nổ ra ở khắp nơi và lan nhanh trên phạm vi toàn quốc. Thực dân phong kiến tìm mọi cách đàn áp phong trào và tăng cường chính sách bóc lột nhân dân... Tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) nhiệm vụ của các đội viên cứu quốc ngày một nặng nề. Họ vừa phải hoạt động công khai, vừa bí mật trong lòng địch. Công việc của họ là dẫn đường, chuyển công văn tài liệu. Việc đó rất quan trọng vì nhiệm vụ không cho phép sơ suất. Khi kể về những người bạn của mình, ông Lý Văn Tinh (Thanh Minh) nhắc rất nhiều đến Kim Đồng - người đội trưởng đầu tiên của mình.

Người dẫn đường mưu trí

Hôm đó, khoảng trung tuần tháng 8-1942, Bác Hồ từ xã Nà Sác về Pác Bó để chuẩn bị cho chuyến sang Trung Quốc, với tư cách là đại biểu phong trào Việt Minh và đại diện Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội Quốc tế phản xâm lược, bàn cách phối hợp hành động giữa phong trào Việt Minh với phong trào chống Nhật của nhân dân Trung Quốc và lực lượng đồng minh chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương.

Để tránh sự theo dõi của mật thám, Bác Hồ đóng giả là một thầy cúng, vượt qua mấy trạm gác về tới thôn Kéo Già (cách thôn Nà Mạ khoảng 3km). Tới thôn Kéo Già, thấy có nhiều lính canh chốt chặn các ngả đường, Bác quyết định lên hang Nộc Én trú tạm. Ngày hôm sau, anh Đức Thanh cùng Kim Đồng tới gặp Bác. Lúc đó, Kim Đồng chỉ biết Bác có tên là ông Ké. Kim Đồng đã đưa ông Ké theo con đường mà các đội viên chuẩn bị. Con đường đó lúc đi qua rừng già, lúc đi gần dòng suối. Trên mỗi đoạn đường ấy, các đội viên vẫn cần mẫn thực hiện nhiệm vụ cảnh giới nhằm bảo vệ cán bộ cách mạng. Kim Đồng đưa ông Ké về tới Pác Bó an toàn.

Trung tuần tháng 2-1942, Kim Đồng nhận nhiệm vụ chuyển tài liệu mật từ Nà Mạ tới xã Đào Ngạn, huyện Hà Quảng. Đó là hai mẩu giấy nhỏ viết bằng ký hiệu. Kim Đồng bàn với các đội viên về cách cất giấu tài liệu. Vì trước mỗi nhiệm vụ, Kim Đồng chủ động tranh thủ ý kiến của các đội viên và luôn giành về mình những phần việc khó. Kim Đồng nêu ý kiến:

- Nếu để tài liệu trong miệng cá, sẽ bị nhòe mực; còn để vào trong mũ nồi sẽ nguy hiểm, vì sợ bọn lính lấy mất mũ.

Sau khi bàn bạc rất kỹ với các đội viên, Kim Đồng quyết định đục thủng đốt cuối cùng của cần câu, cho tài liệu vào đó và bịt lại bằng đất. Khi Kim Đồng đi qua trạm lính gác ở đầu thôn Nà Mạ, chúng lấy mũ nồi và giỏ cá kiểm tra, Kim Đồng đập cần cây xuống đất khóc rất to, nước mắt chảy giàn giụa, chúng kiểm tra qua quýt nên chẳng phát hiện được gì, đành phải trả lại cho “trẻ con”...

Ông Thanh Minh hóm hỉnh:

- Kim Đồng bảo với chúng tôi: Mình đập cần câu xuống đất nhưng bàn tay trái của mình vẫn phải bịt đốt cuối để cho đất đỡ bung ra. Các tình huống của Kim Đồng xử trí trên đường và khi gặp lính Tây, chúng tôi học được rất nhiều điều khi thực hiện nhiệm vụ...

Trở về từ Đào Ngạn an toàn, Kim Đồng đưa anh Vũ Anh (bí danh Trịnh Đông Hải), Ủy viên Trung ương Đảng về Pác Bó theo đường rừng.

Nhớ về người bạn, người đồng chí của mình, mắt ông Thanh Minh rơm rớm:

- Tờ mờ sáng ngày 15-2-1943, mọi người đang ngủ bỗng nghe những loạt đạn khô, lạnh. Tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra. Vì tối hôm trước Kim Đồng giao cho tôi và Cao Sơn tới nhà anh Kinh Xình thực hiện nhiệm vụ canh gác, bảo vệ một cuộc họp quan trọng. Nghe tiếng nổ, tôi chạy thẳng tới nhà anh Kinh Xình thấy rất nhiều lính Pháp, lính tay sai và không ít người dân trong bản. Nhà anh Kinh Xình không có ai, Kim Đồng nằm trên vũng máu ở bên kia suối. Thương bạn, tôi định chạy tới nhưng Cao Sơn ngăn lại, giọng rất nghiêm trang:

- Nhiệm vụ cách mạng không cho phép!

Chuyện là, bọn lính phát hiện tại nhà anh Kinh Xình có người lạ (lúc đó hơn 20 người là những cán bộ chủ chốt của Châu ủy Hà Quảng, Ban Việt Minh Hà Quảng gồm các đồng chí: Lê Quảng Ba, Cao Hồng Lĩnh, Đức Thanh, Thế An, Nhất Sơn, Quý Hiệu, Bát Ngư, Ngư Mạn...). Thấy bọn lính từ xa tới, Kim Đồng bảo Cao Sơn lùi về phía sau báo cho mọi người biết. Khi Cao Sơn đã đi khuất, Kim Đồng chạy vọt qua suối lên bìa rừng đánh lạc hướng quân lính. Phát hiện có người bỏ chạy, quân địch nổ súng đuổi theo. Và Kim Đồng đã anh dũng ngã xuống khi mới 14 tuổi. Bọn địch cay cú vì không bắt được cán bộ Việt Minh nên chúng có ý định chặt đầu Kim Đồng bêu giữa chợ hòng uy hiếp tinh thần cách mạng của quần chúng. Dân làng đấu tranh phản đối quân lính bắn trẻ con và đưa thi hài Kim Đồng về tổ chức an táng ở chân núi Tèo Lài. Kim Đồng được an táng giữa hai cây nghiến nhỏ. Và thật lạ, hai cây nghiến lớn rất nhanh xòe tán rộng như che cho giấc ngủ của người anh hùng nhỏ tuổi Nông Văn Dền.

Đi tiếp trên con đường chông gai

Trong thời gian hoạt động từ 1941 đến 1943, trước lúc Kim Đồng hy sinh, những lúc rảnh rỗi, Thanh Minh hướng dẫn cho các bạn học chữ quốc ngữ (vì đầu năm 1941 Thanh Minh được học chữ của thầy giáo Ngưu ở Hòa Mục). Chữ nào khó đều được các đội viên tới hỏi anh Đức Thanh nên mọi người tiến bộ rất nhanh. Đến đầu năm 1943 cả 5 đội viên đều đọc được sách báo của Đảng, của cách mạng... Khi Kim Đồng hy sinh, Cao Sơn được giao làm đội trưởng (lúc đó đội kết nạp thêm Quế Lâm).

Cũng giống như Kim Đồng, những công việc nặng nhọc Cao Sơn đều xung phong đảm nhiệm. Trong giai đoạn này phong trào cách mạng trong nước lên nhanh, nhiều cuộc họp quan trọng diễn ra trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, các đội viên phải chia nhau đi đưa tài liệu, dẫn cán bộ, thỉnh thoảng đọc cho dân nghe những khẩu hiệu, bài thơ của cách mạng... Ông Thanh Minh không nhớ rõ toàn đội đã đưa được bao nhiêu tài liệu, dẫn bao nhiêu lượt cán bộ đến nơi an toàn, chỉ biết, ngày đó những vết sẹo bị gai rừng, đá núi vạch trên chân các đội viên ngày càng nối dài; vết cũ chưa liền vết sau lại đè lên... Trong mười hai lần làm liên lạc, ông Thanh Minh nhớ nhất hôm chuyển tài liệu từ xã Bản Hoàng tới xã Hòa Mục. Tài liệu được cán bộ cách mạng dùng bút mực ghi vào mặt trong của chiếc quần dài ông mặc với vỏn vẹn mấy chữ: “Đi làm phụ thầy mo”. Ông bị bọn lính canh khám người nhưng không tìm thấy gì chúng đành cho ông đi qua. Ông Thanh Minh cho biết:

- Tôi nhớ nhất lần đó vì phương pháp truyền tín hiệu của cách mạng rất đơn giản, bí mật và khoa học. Với cách làm đó cho dù địch có lấy được tài liệu, thậm chí tôi hy sinh chắc chắn chúng cũng chẳng thể biết được điều gì.

Hội người cao tuổi phường Tân Giang, thị xã Cao Bằng thắp hương tại Khu di tích lịch sử Kim Đồng.

Đội thiếu niên hoạt động đến tháng 10-1944. Vì sau khi ra khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ trở về Pác Bó kịp thời hoãn khởi nghĩa vũ trang của liên tỉnh ủy và gấp rút chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ giành chính quyền. Chủ trương của Người lúc này là: Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến để gây ảnh hưởng chính trị. Theo chủ trương của Đảng và Bác Hồ, các đội viên Cao Sơn, Thủy Tiên, Thanh Thủy, Quế Lâm đi đến các tỉnh: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ làm công tác tuyên truyền cho cách mạng và tuyên truyền thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc, còn Thanh Minh do chân bị đau nên ở lại thôn Nà Mạ dạy chữ quốc ngữ...

Bà Hoàng Thị Khìn, người cao tuổi nhất xã Trường Hà, cũng đã nhiều năm phục vụ cách mạng và Bác Hồ khi Người ở Pác Bó, nhớ lại:

- Lúc đó, nhân dân trong xã, trong bản chỉ biết các cô, các chú ấy là trẻ chăn trâu, nghịch ngợm. Tới khi Kim Đồng hy sinh, chúng tôi mới biết các em làm liên lạc cho cách mạng. Chính từ sự hy sinh của Kim Đồng, mà chúng tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn đối với cách mạng, đối với Bác Hồ.

Chuyện của những đội viên nhi đồng cứu quốc đầu tiên là vậy. Hành động của họ đã nói lên tất cả ý chí, nguyện vọng lớp thiếu niên nhi đồng của dân tộc anh hùng. Ở đó những con người tuổi còn nhỏ nhưng không sợ khó khăn gian khổ, chấp nhận hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc, của dân tộc. Cũng chính từ nơi nguồn cội ấy, phong trào của thiếu nhi cứu quốc phát triển rộng khắp. Những người nhỏ tuổi ở mọi miền đất nước đã sát cánh cùng các anh, chị đoàn viên, thanh niên phá kho thóc, tiêu diệt đồn địch, giải phóng giành chính quyền... Dẫu không ít lần đổi tên cho phù hợp với yêu cầu của cách mạng, nhưng lớp thế hệ đội viên Đội TNTP Hồ Chí Minh ngày nay đã và đang tiếp bước truyền thống của các đội viên cứu quốc dưới tán rừng Thoong Mạ ngày nào lập nên những thành tích mới, đỉnh cao mới trong học tập, rèn luyện, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ trong thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh.

Mè Thắng – Hồng Xiêm/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất