Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 6/5/2011 13:56'(GMT+7)

Hà Nam: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tuyên giáo và trung tâm bồi dưỡng chính trị

Hiện nay, đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nhân viên đang làm việc tại Ban Tuyên giáo huyện uỷ, thành uỷ và Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố có tổng số 63 người, trong đó cán bộ nam có 34 người, chiếm 53,96%; cán bộ nữ có 29 người, chiếm 46,03%.

Về độ tuổi, trong tổng số 63 người, có 16 người dưới 30 tuổi, chiếm 25,39%; từ 31 tuổi đến 50 tuổi có 37 người, chiếm 58,73%; từ 51 tuổi trở lên có 10 người, chiếm 15,87%. Như vậy, đội ngũ cán bộ ở độ tuổi 31 đến 50 tuổi chiếm một tỷ lệ tương đối lớn (58,73%). Số cán bộ dưới 30 tuổi chiếm tỷ lệ cũng không nhỏ (25,39%), chủ yếu là số sinh viên tốt nghiệp Đại học ra trường, vì vậy kinh nghiệm thực tiễn trong công tác chưa nhiều, cần phải tiếp tục học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm của lớp cha anh đi trước.

Về trình độ học vấn, 48 người có trình độ chuyên môn cử nhân, đại học, chiếm tỷ lệ 76,19%, Cao đẳng 3 người chiếm tỷ lệ 4,76%, Trung cấp 10 người, chiếm tỷ lệ 15,87%, đặc biệt có 3 Thạc sỹ, chiếm tỷ lệ 4,76%. Về trình độ lý luận chính trị, có 29 người có trình độ cử nhân, cao cấp, chiếm tỷ lệ 46,03%, trình độ trung cấp chính trị có 22 đồng chí, chiếm tỷ lệ 34,92%, sơ cấp có 12 đồng chí, chiếm tỷ lệ 19,04%. Qua việc khảo sát thực trạng trình độ học vấn và trình độ lý luận chính trị của cán bộ tuyên giáo và TTBDCT cấp huyện ở tỉnh Hà Nam cho thấy số cán bộ có trình độ cử nhân, đại học chiếm tỷ lệ tương đối cao, đặc biệt đã có 3 thạc sỹ. Thực tế đó cho thấy, phần lớn đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp huyện không chỉ có khả năng nắm bắt và hiểu biết sâu rộng cả về lý luận và thực tiễn mà họ còn tạo ra cho mình phương pháp làm việc hiệu quả trong việc tác nghiệp (kể cả công tác tham mưu giúp cho cấp uỷ) và xử lý các tình huống phức tạp nảy sinh từ cơ sở.

Thực tế đó đã tạo thuận lợi cho cán bộ tuyên giáo cấp huyện, thành uỷ, cán bộ TTBDCT huyện, thành phố phát huy hơn nữa kết quả trong việc học tập, nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, cán bộ có trình độ học vấn ở mức trung cấp còn chiếm tỷ lệ tương đối cao (15,87%), điều này đã có ảnh hưởng ít nhiều đến việc học tập, tiếp thu kiến thức lý luận, kiến thức khoa học, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực tư duy, ảnh hưởng đến hiệu quả tuyên truyền, giáo dục… của cán bộ tuyên giáo, số cán bộ tuyên giáo đạt tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị theo Quy định số 54- QĐ/TW của Bộ Chính trị “về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng” là chưa cao, số cán bộ có trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp có 29/63 người, mới đạt 46,03%. Số cán bộ có trình độ lý luận chính trị trung cấp có 22 người, chiếm tỷ lệ 34,92%. Số cán bộ mới đạt trình độ sơ cấp lý luận chính trị có 12 người, chiếm tỷ lệ 19,04%, do vậy, cần tiếp tục đưa đi đào tạo, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ này.

Công tác tư tưởng của Đảng và thực tiễn ở tỉnh Hà Nam đã và đang đặt ra những nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi các cấp uỷ đảng phải tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban Tuyên giáo huyện uỷ, thành uỷ và TTBDCT huyện, thành phố. Sau gần 14 năm tái lập tỉnh Hà Nam, được sự quan tâm của các cấp uỷ, hệ thống tuyên giáo cấp cơ sở đã được thành lập và đi vào hoạt động có nền nếp (đến năm 2006, 100% ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn của tỉnh Hà Nam được thành lập) đã góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận, nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững và ổn định chính trị, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và cơ sở.

Vì vậy, cần tiếp tục kiện toàn nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Ban Tuyên giáo và TTBDCT cấp huyện trong thời gian tới nội dung cần hướng vào việc kiện toàn tổ chức biên chế của Ban Tuyên giáo huyện uỷ, thành uỷ và TTBDCT huyện, thành phố, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ ở cơ sở. Các cấp uỷ cần chỉ đạo Ban Tuyên giáo và TTBDCT đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng theo hướng “Thiết thực, phù hợp yêu cầu đối với từng loại cán bộ; chú trọng cả phẩm chất đạo đức và kiến thức, cả lý luận và thực tiễn; bồi dưỡng kiến thức cơ bản và kỹ năng thực hành. Chú trọng bồi dưỡng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”[1]. Hiện nay, bộ máy cán bộ các Ban Tuyên giáo huyện uỷ, thành uỷ, TTBDCT huyện, thành phố về cơ bản đã đáp ứng được số lượng theo quy định (Ban Tuyên giáo và Trung tâm đều có đủ 5 cán bộ). Số cán bộ có tuổi đời cao hiện đang công tác tại Ban Tuyên giáo và Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố còn chiếm tỷ lệ khá cao 15,87%, số lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Trung tâm được thuyên chuyển, đề bạt sang các cơ quan khác cũng không nhỏ, nên vài năm tới sẽ thiếu cán bộ. Trong khi đó, mục tiêu của Đảng từ nay đến năm 2020 là: “Khẩn trương xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng đến năm 2020 từ trung ương đến cơ sở, cả cán bộ cấp chiến lược, các chuyên gia đầu ngành, đội ngũ kế cận và cán bộ trẻ”[2]. Vì vậy, để đáp ứng sự phát triển của công tác tư tưởng cần phải kiện toàn tổ chức biên chế của Ban Tuyên giáo và Trung tâm bồi dưỡng chính trị theo hướng ổn định, lâu dài. Riêng đối với TTBDCT cần: Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, lấy hoạt động của người học làm trung tâm, tăng cường đối thoại, hướng dẫn bài tập xử lý tình huống, thực hành lãnh đạo, quản lý nhằm trang bị cho người học vừa nắm được lý luận cơ bản, vừa nắm vững kỹ năng thực hành”[3].

Cán bộ tuyên giáo và giảng viên của TTBDCT trong quá trình hoạt động chuyên môn và tham gia công tác giảng dạy lý luận chính trị phải kết hợp sử dụng tổng hợp các phương pháp, thuyết trình, diễn giải kết hợp với đàm thoại, tăng cường nêu vấn đề để người học suy nghĩ cách giải quyết nhằm phát huy tích độc lập sáng tạo của người học, có như vậy mới đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ do cấp uỷ và Ban Tuyên giáo Trung ương giao theo chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, giáo dục lý luận chính trị hàng năm.

Công tác tư tưởng đã và đang đặt ra những nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Tuyên giáo và TTBDCT huyện, thành phố hơn nữa. Trước mắt cần phải tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là: Tiếp tục kiện toàn tổ chức, biên chế của Ban Tuyên giáo và TTBDCT huyện, thành phố:

Mô hình tổ chức bộ máy cán bộ của Ban Tuyên giáo và TTBDCT huyện, thành phố của tỉnh Hà Nam đến nay về cơ bản đảm bảo đủ số lượng cán bộ theo quy định, tuy nhiên còn một vài Ban Tuyên giáo vẫn thiếu cán bộ, mới chỉ có 4 người, trong khi công việc chuyên môn và nhiệm vụ do cấp uỷ giao không giảm.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp uỷ, cụ thể:

- Tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ, chính quyền và quan hệ của Ban Tuyên giáo, TTBDCT với các ngành liên quan trong việc phối hợp triển khai nhiệm vụ chính trị của địa phương và cơ sở.

- Đa dạng hóa các chương trình bồi dưỡng, liên kết đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo yêu cầu của địa phương và tăng cường bồi dưỡng kiến thức, năng lực, phương pháp giảng dạy LLCT cho đội ngũ giảng viên kiêm chức của TTBDCT.

Các TTBDCT hiện nay thực hiện bồi dưỡng từ 15 đến 30 chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành và các chương trình bồi dưỡng của các ngành và đoàn thể. Vì vậy, các chương trình thực hiện tại TTBDCT phải mang tính cập nhật tránh sự dàn trải, nặng lý luận, thời gian phân bổ thực hiện chương trình cần hợp lý hơn (đặc biệt là chương trình sơ cấp LLCT còn bất cập về thời gian học tập), mà phải tăng cường phần thực tiễn, phần nghiệp vụ (tác nghiệp, kỹ năng thực hành, soạn thảo văn bản...), kinh nghiệm công tác và xử lý tình huống như mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên giáo thì sẽ phù hợp hơn.

Theo quy định của Trung ương, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở phải có tối thiểu trình độ trung cấp LLCT và trung cấp chuyên môn (trung cấp hành chính - đối với chủ tịch và phó chủ tịch ủy ban nhân dân; trung cấp thanh vận – đối với bí thư đoàn cơ sở; trung cấp phụ vận – đối với chủ tịch hội phụ nữ), bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ chính quyền cơ sở. Việc bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở của các TTBDCT rất đa dạng, ngoài các đối tượng đã nêu trên, còn chú trọng cả chương trình bồi dưỡng cho các đối tượng là cán bộ chính quyền cơ sở, cán bộ đoàn thể.

Các cơ quan chức năng cần biên tập, phát hành tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho giảng viên, báo cáo viên (BCV), tài liệu tham khảo phục vụ cho các chương trình học tập, tập huấn và bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên, BCV thường xuyên hàng năm, cần xây dựng cơ sở đào tạo ổn định cho đội ngũ cán bộ các TTBDCT.

Đội ngũ giảng viên kiêm chức của TTBDCT cấp huyện, thành phố chủ yếu là các đồng chí thường trực cấp ủy, Ủy ban Nhân dân, trưởng, phó ban, ngành, đoàn thể. Phần lớn lực lượng này đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành, qua đào tạo cao cấp LLCT, có kinh nghiệm thực tiễn, được bồi dưỡng kiến thức hàng năm đã khẳng định được vị trí, vai trò nòng cốt trong việc thực hiện nội dung chương trình mà TTBDCT đảm nhiệm. Tuy nhiên, do đội ngũ cán bộ chuyên trách của Trung tâm hình thành từ nhiều nguồn, chưa được đào tạo chính qui, bài bản về nghiệp vụ sư phạm, trình độ đại học chuyên ngành về lý luận và tương đương. Do yêu cầu công việc, các giảng viên kiêm chức chưa dành thời gian thỏa đáng cho việc soạn giáo án, ít tham gia tập huấn nên chậm đổi mới phương pháp giảng dạy LLCT, đây là đòi hỏi bức thiết nhất hiện nay. Nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên kiêm chức, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Nam đã tổ chức cuộc thi “Giảng viên LLCT giỏi cấp tỉnh”, song để duy trì được những cuộc thi này, cần có những cơ chế, chính sách đồng bộ và nhất quán của các cấp uỷ đảng và các cơ quan tham mưu.

Hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Nam đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Trường Chính trị Tỉnh mở lớp bồi dưỡng LLCT, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách và giảng viên kiêm chức. Tuy nhiên, trong các kỳ tập huấn, ngoài việc tập trung vào nội dung và phương pháp giảng dạy hiện đại, cần tổ chức tham quan, toạ đàm, bình giảng, trao đổi chuyên môn, công tác quản lý, mở lớp. Đối với các giảng viên kiêm chức cần được tổ chức tập huấn thường xuyên để củng cố và nâng cao kiến thức, với ý thức xác định: nhiệm vụ tập huấn vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của mình.

Đẩy mạnh công tác đào tạo “cán bộ tuyên giáo nguồn, giảng viên của TT BDCT” huyện, thành phố, nên chú ý tuyển chọn lực lượng có tuổi đời trẻ, có điều kiện học ở bậc cao hơn.

Hai là: Các cấp uỷ, chính quyền cần quan tâm đầu tư kinh phí hoạt động cho các TTBDCT huyện, thành phố.

Hiện nay, các TTBDCT phải đảm nhận bồi dưỡng nhiều chương trình lý luận: bồi dưỡng phát triển Đảng, bồi dưỡng Đảng viên mới, bồi dưỡng bí thư chi bộ, cán bộ tuyên giáo cơ sở, sơ cấp LLCT, bồi dưỡng 6 bài LLCT cho thanh niên, lớp trung cấp LLCT - HC (do TTBDCT phối hợp Trường Chính trị tỉnh thực hiện), các lớp đào tạo bồi dưỡng chuyên môn ngoại ngữ, tin học khi cấp ủy yêu cầu... đã làm tăng kinh phí bồi dưỡng cán bộ, công chức của TTBDCT. Vì vậy, cần có nguồn kinh phí thoả đáng thì mới bảo đảm cho các nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng có hiệu quả cao.

Ba là: Cần có chế độ chính sách phù hợp cho cả người dạy và người học.

Quyết định 244/2005/QĐ-TTg ngày 26/10/2005 về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, trong đó chỉ rõ giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các TTBDCT cấp huyện trực thuộc tỉnh là 30%. Nội dung này đã và đang được thực hiện, vấn đề đặt ra là các TTBDCT phải tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng qui chế thực hiện giờ chuẩn đối với giảng viên chuyên trách, giáo viên kiêm chức thực hiện chế độ thỉnh giảng theo qui định của cơ quan tài chính ở địa phương. Từng bước đề xuất thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề cho đội ngũ giảng viên của TTBDCT huyện, thành phố.

Bốn là: Tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại cho TTBDCT huyện, thành phố.

Trụ sở của các TTBDCT huyện, thành phố đã được đầu tư xây dựng kiên cố, độc lập như trường học, đảm bảo đủ hội trường học tập, yên tĩnh, khang trang, sạch đẹp. Song, cần phải tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho TTBDCT cấp huyện theo hướng hiện đại với những phương tiện kỹ thuật tiên tiến: máy tính, máy chiếu, mạng internet, tăng âm, hệ thống âm thanh chiếu sáng, phòng học, hội trường, bàn ghế… từng bước đáp ứng cho phương pháp giảng dạy mới. TTBDCT cần trang bị: tài liệu học tập, tài liệu tham khảo, phòng đọc, nhà nghỉ cho học viên, nhà ăn của trung tâm để đảm bảo cho học viên có đầy đủ điều kiện để học tốt.

Kiện toàn và đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ Ban Tuyên giáo và TTBDCT cấp huyện, thành phố cả nước nói chung, ở Hà Nam nói riêng là điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao phó. Hơn nữa, đây còn là điều kiện để cán bộ Tuyên giáo và giảng viên các TTBDCT huyện thể hiện năng lực, phẩm chất của mình trước đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Ths Trần Văn Bản
BTG Tỉnh ủy Hà Nam

[1]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1997, trang 84.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2007, trang 46.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Thông báo kết luận số 181-TB/TW ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X), về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất