(TCTG)- Tiếng khèn, men rượu, tình người đưa những đêm hội đến thăng hoa. Tiếng khèn xé tan làn sương buốt đêm trăng. Âm thanh trầm sâu của khèn, véo von của sáo hòa cùng những tiếng chuông, đồng bạc trên vai áo người thiếu nữ H’Mông đang say trong vũ điệu, toát lên niềm đam mê, tự tại không điểm dừng trong đời sống tinh thần của người H’Mông.
Mùa xuân về, vùng núi phía Bắc nói chung và Yên Bái nói riêng, không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hoang dã đẹp đến nao lòng, mà còn lôi cuốn mỗi người bởi những sắc màu văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào các dân tộc Dao, Tày, Thái, H’Mông,v.v..; những hội thi đẩy gậy, bắn nỏ, chơi quay, ném còn…, trong đó, ấn tượng sâu đậm nhất có lẽ vẫn là được thưởng thức và khám phá những giai điệu đặc sắc của tiếng khèn Mông, nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống của đồng bào H’Mông (người H’Mông gọi tiếng khèn là Krềnh). Khác với người Kinh, người H’Mông ăn Tết vào dịp Tết dương lịch của người Kinh (thường là trước Tết Nguyên đán của người Kinh khoảng một tháng). Đối với người H’Mông, sau một năm làm mùa vất vả, khi đã thu hoạch xong cũng là vừa vào dịp năm hết và Tết đến. Đón tết và đón Xuân, vui Tết và vui Xuân thì không thể thiếu tiếng khèn Mông - một loại nhạc cụ đa thanh, mang âm sắc của núi rừng, hòa quyện với những hoa văn tuyệt đẹp trên trang phục của người H’Mông- những đóa kỳ hoa trên vải.
Khèn H’Mông thường được sử dụng trong những dịp lễ, tết, chúc mừng, ngoại giao đón khách, cưới xin… và phù hợp với từng bối cảnh. Tiếng khèn khi vang vọng, lúc thoáng đạt, khi nỉ non dìu dặt… Người H’Mông sử dụng khèn để đệm hát trong những ngày lễ truyền thống, có khi bắt nhịp cho các vũ điệu mạnh mẽ trong những đêm hội, và cũng thường được sử dụng trong những ngày lễ tang ma, ... Thân thuộc như mèn mén, rượu ngô, nhưng có lẽ linh thiêng hơn cả và trở thành một 'thành tố" không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người H' Mông là khi bao chàng trai, cô gái H’Mông đã dùng tiếng khèn để gặp gỡ, trao duyên và hò hẹn.
Người xưa kể lại rằng, đã là trai người H’Mông, thì khi biết cầm con dao, cái cuốc lao động trên nương trên rẫy, cũng là lúc họ biết cầm khèn. Với họ, thổi khèn không đơn giản là một phương tiện giải trí, mà chính là tài nghệ của mình, và thông qua tiếng khèn- những chàng trai H’Mông sẽ tìm được “một nửa” của mình. Khèn bè là một trong 2 nhạc cụ độc đáo (khèn bè và sáo H'Mông) thường được sử dụng vào các lễ hội. Khèn, kèn lá, đàn môi được nam nữ thanh niên sử dụng để gọi bạn tình và trao duyên. Tiếng khèn trầm bổng từ ngọn núi len qua tầng sương mù dày đặc hòa quyện dưới ánh trăng huyền ảo chiếu sáng những cây đào cổ thụ đơm hoa nảy lộc trong ngày xuân. Tiếng khèn gọi bạn đầy thơ mộng thay cho lời mời gọi của những đôi tình nhân hẹn hò. Những điệu múa khèn tập thể của những tràng trai trước những cô gái để kén bạn tình, hòa trong tiết xuân của núi rừng đại ngàn, ngọt ngào, thanh khiết, tự tại, hồn nhiên:
“Con gái Mông như bông hoa rừng
Con trai Mông như cây thông núi đá”
Tiếng khèn đã gắn kết những tâm hồn, hòa quyện con người với thiên nhiên... trào dâng niềm hạnh phúc tột độ của người thổi và nghe, tạo thành nét đặc sắc trong đời sống tinh thần và mang đạm bản sắc văn hóa của đồng bào H’Mông.
Về cấu tạo, khèn gồm có 2 bộ phận đó là thân khèn và ống khèn. Thân khèn làm bằng gỗ Pơmu dài khoảng 70cm, khoan lỗ bên trong có lưỡi gà bằng đồng để tạo ra âm thanh. Ống khèn là bộ phận điều chỉnh và trực tiếp phát ra âm thanh gồm 6 ống tre có độ lớn nhỏ và dài ngắn khác nhau, đồng thời mỗi ống có một lỗ để dùng ngón tay điều chỉnh âm điệu. Về âm thanh, khác với nhiều nhạc cụ âm nhạc dân tộc, âm thanh của khèn là đa thanh, khi thổi ra, hít vào tất các các ống đều phát ra âm cùng lúc, cao vút trong trẻo, trầm vọng, da giết, bởi lẽ đó mà khèn thay cho lời tự tình giao duyên của người trai H’Mông, khèn là nhịp thở của con tim, thay lời nói lên tâm tư tình cảm, tâm trí, tài năng của người trai H’Mông.
Bên cạnh việc truyền tải tình cảm qua âm thanh, khèn của người H’Mông còn là một đạo cụ hỗ trợ đắc lực cho việc biểu diễn. Người thổi khèn giỏi còn phải biết múa khèn, vừa thổi vừa múa khèn thật sự là một nghệ thuật đỏi hỏi người sử dụng phải kết hợp nhuần nhuyễn. Động tác múa của khèn rất đa dạng, phong phú: múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo 4 hướng, mỗi bước tiến, bước lùi làm sao chỉ để chân này chạm gót chân kia. Động tác cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc… với tốc độ càng nhanh thì càng điêu luyện. Vũ điệu và âm thanh hòa quyện với nhau giúp cho ta được thưởng thức cùng lúc cả âm lẫn hình. Muốn trở thành một người thổi khèn giỏi, người con trai H’Mông phải tập khèn từ 13- 14 tuổi để có thân hình mềm dẻo, nhịp nhàng, quan trọng hơn cả là rèn khí để hơi được sâu, được dài. Động tác khó nhất khi múa khèn là vừa ôm khèn vừa lăn mình, nhảy điệu “đá gà”, “đá ngựa” mà tiếng khèn vẫn không dứt. Để biểu diễn được những động tác này với khoảng trên dưới 30 khúc nhạc, đòi hỏi người chơi phải mất rất nhiều công tập luyện, và không phải ai cũng có thể làm được…
Tiếng khèn, men rượu, tình người đưa những đêm hội đến thăng hoa. Tiếng khèn xé tan làn sương buốt đêm trăng. Âm thanh trầm sâu của khèn, véo von của sáo hòa cùng những tiếng chuông, đồng bạc trên vai áo người thiếu nữ H’Mông đang say trong vũ điệu, toát lên niềm đam mê, tự tại không điểm dừng trong đời sống tinh thần của người H’Mông:
Rượu ngô anh uống khèn anh thổi
Váy hoa em múa hòa sắc xuân”
Nhất là trong những đêm hội xuân, như những lời tự tình đắm say, càng về khuya, tiếng khèn vang lên càng tha thiết: như gió rừng vẫn reo, suối vẫn hát từ ngàn đời này, làm thổn thức bao trái tim người nghe./.
Vũ Văn Điềm
Bản Mù - Trạm Tấu - Yên Bái