Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 31/1/2012 10:37'(GMT+7)

Lễ hội Lồng Tôồng xưa và nay

Lễ hội nhằm gìn giữ truyền thống và bản sắc dân tộc. Ảnh: LV

Lễ hội nhằm gìn giữ truyền thống và bản sắc dân tộc. Ảnh: LV

Ở tỉnh Bắc Kạn, hội Lồng Tôồng là một lễ hội dân gian của người Tày có truyền thống từ lâu đời. Đây là một lễ hội mang đậm tính tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Trong một thời gian dài do những yếu tố lịch sử của đất nước nên hội Lồng Tôồng bị lãng quyên. Hơn mười năm trở lại đây hội Lồng Tôồng được khôi phục. Nhiều địa phương tổ chức hội trong dịp đầu xuân ngay sau những ngày Tết nguyên đán.

Hội Lồng Tôồng trước đây thường được tổ chức theo Tổng – một đơn vị hành chính cụm xã trong thời kỳ chế độ phong kiến và định ngày không thay đổi. Những năm gần dây khi khôi phục lại lễ hội này là do chính quyền và cơ quan chức năng quy định. Chẳng hạn như hội Lồng Tôồng Phủ Thông, xưa gọi là hội Lồng Tôồng Nà Mu hay hội Phủ được tổ chức trong hai ngày 19 và 20 tháng Giêng hàng năm. Nay hội Phủ Thông tổ chức ngày mùng 10 tháng Giêng.

Việc khôi phục lại lễ hội Lồng Tôồng là nhằm gìn giữ truyền thống và bản sắc văn hóa của dân tộc và vùng đất; đồng thời tạo ra không khí vui xuân lành mạnh cho bà con. Tuy vậy, một số địa phương tổ chức hội không còn giữ được những nét văn hóa truyền thống và ý nghĩa tâm linh căn bản của lễ hội ngày xưa. Những trò chơi dân gian cũng vắng bóng trong lễ hội bây giờ. Những trò chơi dân gian trong lễ hội ngày xưa đều xuất phát từ đời sống hàng ngày.

Yếu tố quan trọng nhất trong lễ hội dân gian nói chung và hội Lồng Tôồng nói riêng là tính chất linh thiêng và in đậm văn hóa tín ngưỡng. Người xưa tổ chức hội Lồng Tôồng không đơn thuần là việc vui xuân. Mà quan trọng hơn là họ làm lễ tạ ơn một vị thần thánh nào đó đã phù hộ cho họ một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Do vậy trong ngày hội họ làm mâm thờ thổ công và thần linh và cầu mùa. Nhừng trò chơi dân gian cũng mang đậm ý nghĩa tín ngưỡng. Chẳng hạn việc tung Còn không đơn thuần là trò chơi mà in đậm ý nghĩa phồn thực. Cột còn bây giờ không làm như truyền thống ngày xưa. Hội xưa làm cột còn quấn tròn ngọn cây nên thường dung đưa nhè nhẹ bởi gió xuân. Chứ không phải làm vòng riêng gép vào cột như bây giờ. Ông Hoàng Hóa – thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông tâm sự, bây giờ đi hội Lồng Tồng thật náo nhiệt, vì có nhiều thức ăn, thức uống, nhiều cái người ta gọi là sinh hoạt văn hóa cho người dân, chứ ngày xưa đi hội là niềm mong ước của trai bản, gái làng…

Chiếc vòng của cột còn gọi là Phoọng còn tượng trưng sinh khí của người con gái chỉ chờ ngày xuân có chiếc còn lọt qua sẽ sinh sôi nảy nở. Đó cũng là biểu hiện khởi đầu một năm mới trời đất giao hòa, vạn vật sinh sôi. Lễ hội Lôồng Tồng trước đây ở mỗi vùng đất đều có những nét đặc sắc riêng. Chẳng hạn ở hội Phủ Thông ngày trước có múa Kỳ Lân. Truyền thuyết kể rằng, trước đây hạ giới có nhiều ma quỷ hãm hại con người nên thượng đế sai Kỳ Lân xuống trừ ma quỷ. Sau đó con người xin thượng đế cho Kỳ Lân ở lại để bảo vệ muôn dân. Còn ở hội Lồng Tôồng xã Hà Vị huyện Bạch Thông ngày xưa có múa Nộc Niệc. Đây là bài múa in đậm yếu tố tâm linh.

Hội Lồng Tôồng Hà Vị là một trong những lễ hội còn giữ được nhiều nét truyền thống. Hội được tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm. Hội còn có mâm thờ truyền thống do dòng họ Ma Hoàng ở đây đảm nhiệm chủ tế đã được 7 đời. Mọi người đến với lễ hội thường đến bàn thờ thắp hương cầu may cho năm mới. Tương truyền có một vị quan công của triều đình đi dánh giặc bị thương nghỉ lại tại thôn Nà Phả xã Hà Vị. Khi vị quan công qua đời, người Hà Vị lập miếu thờ và mỗi năm cúng hai lần vào 11 tháng Giêng và 13 tháng Bảy âm lịch hàng năm. Bàn thờ chính của lễ hội có hai mâm thờ bên nam và bên nữ.

Trong không khí náo nhiệt của ngày hội vẫn có một khoảng riêng linh thiêng. Ảnh: LV


Đến với hội Lồng Tôồng Hà Vị chúng ta sẽ cảm nhận được một không khí linh thiêng. Những dòng họ lớn trước đây có mâm lễ thờ thì nay đều duy trì. Hội Hà Vị năm nay thu hút khá đông người đến dự. Trong không khí náo nhiệt của ngày hội vẫn có một khoảng riêng linh thiêng. Các thế hệ từ già đến trẻ, nhiều người thắp hương cầu nguyện an lành cho một năm mới. Đây cũng là điểm gặp gỡ tâm linh của người đi hội vẫn còn giữ được đến ngày hôm nay.

Ngày hội cũng là ngày gặp gỡ của anh em, bạn bè của các chàng trai cô gái. Có thể từ lễ hội này sẽ có thêm những mối tình nảy nở rồi nên duyên tình chồng vợ. Đến đây mọi người thấy gần gũi nhau hơn vì họ có chung tâm trạng háo hức mùa xuân.

Ngày hội cũng là dịp các cụ già đến thăm nhau để hàn huyên tâm sự. Tạm lánh không khí náo nhiệt của lễ hội, bên cơi trầu, các cụ nhắc lại những câu chuyện về hội Lồng Tôồng thuở xa xưa khi mình đang thời con gái. Và chắc rằng những kỷ niệm của tuổi xuân trong ngày hội sẽ không phai mờ trong lòng mỗi người. Và nét đẹp xưa còn giữ được đến ngày hôm nay thật đáng trân trọng.

Hội xuân bây giờ có thêm nhiều hoạt động mới thu hút người đến dự nhưng những nét đẹp truyền thống cũng cần được gìn giữ. Có như vậy việc khôi phục lễ hội dân gian mới giữ được những giá trị văn hóa mà các thế hệ cha ông bao đời nay đã tạo dựng và vun đắp để các thế hệ con cháu mai sau được quyền tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình./.

Vy Vy

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất