Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 31/1/2012 15:48'(GMT+7)

Xuân về với làng Dệt trên lưng núi

Được khen váy áo đẹp, thêu khéo làm ưng mắt các chàng trai là niềm tự hào của những cô gái vùng cao

Được khen váy áo đẹp, thêu khéo làm ưng mắt các chàng trai là niềm tự hào của những cô gái vùng cao

Đất Lùng Tám là một mảng bằng nằm giữa các trái núi. Có lẽ vì vậy mà đồng bào Mông ở đây hạ sơn từ rất sớm. Đến nay đã có hệ thống mương máng thủy lợi kiên cố. Lúa, ngô của Lùng Tám được đều nước nên năng suất cao. Đời sống bà con cao hơn so với các xã vùng cao khác. Song những thành quả ấy chưa làm cho nơi này được mọi người biết đến nhiều lắm. Nhắc đến xã Lùng Tám của huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang là phải nhắc đến nghề dệt vải lanh thổ cẩm mang nhiều nét đặc trưng.

Chủ nhiệm Hợp tác xã là anh Sùng Mí Quả đang giới thiệu cho một cô giáo về làng nghề. Cô đến hỏi anh để về giảng tiết địa lý địa phương cho các em. Đây là dấu hiệu tốt khi nhà trường đã quan tâm đến các làng nghề của địa phương mình. Không biết có em nào khi xem các mẫu thổ cẩm mà cô giáo giới thiệu rồi yêu nghề của quê hương và học nghề, bởi trên thực tế, bao nhiêu nghề đã thất truyền, nhiều bí quyết đã theo ông bà tiên tổ đi xa. Hy vọng học sinh Quản Bạ sẽ giữ được nghề truyền thống nguyên vẹn nhất. Nghề này phải sống với đất Lùng Tám, nói tiếng và ăn mèn mén Lùng Tám thì mới theo được. Có những bí quyết phải tìm đúng người mới truyền được. Người làng khác, xã khác khó mà theo. Người trẻ tuổi phải lâu lắm mới học được, mà không phải ai cũng làm được tất cả các công đoạn. Người Mông đen không biết thêu nhiều hoa văn, chỉ biết trồng lanh, dệt sợi và khâu váy. Vẽ hoa văn, thêu thùa trên váy, áo thì phải là người Mông trắng. Chính vì thế mà làng chỉ có hơn năm mươi hộ chuyên về nghề thổ cẩm.

Bây giờ, Hợp tác xã đã mang tên Hợp Tiến, bởi chỉ Hợp Tiến mới có nghề dệt lanh thổ cẩm đặc sắc, nhưng mọi người vẫn quen gọi là Hợp tác xã Lùng Tám. Từ ngày trước, người Mông ở Đồng Văn, Mèo Vạc đều về đây mua thổ cẩm. Chỉ những nhà giàu mới đủ bạc để mua trang phục để phục vụ đám cưới, đám ma, mà họ chỉ thích thổ cẩm của Lùng Tám thôi vì thổ cẩm bền và đẹp. Khi sang thế giới bên kia gặp tổ tiên mà có được tấm áo là vải lanh thổ cẩm Lùng Tám thì là điều mong ước của bất kỳ người già nào.

Chỉ có chất đất ở đây là hợp với cây lanh, mà tốt nhất là những vạt được trồng trên các sườn núi hơi dốc. Trên những sườn núi ấy, cây mới cao, sợi mịn, trắng; hạt to, tròn, mẩy để giống mùa sau rất tốt. Thời xưa, những ngày đói kém các cụ còn phơi hạt lanh để xay ăn, tuy rất bùi nhưng không ăn được nhiều vì sẽ say.

Nếu cộng hết các triền lanh nhỏ lại thì diện tích dành trồng lanh ở đây khoảng 10 ha. Nói vậy để thấy tìm được đất trồng lanh rất khó. Cùng một triền núi không phải trồng được cả, chỉ vài ba mét bên trên là trồng được, bên dưới trồng lại không được tốt. Gieo hạt lanh cũng lắm công phu và tỷ mẩn chứ đâu như vãi hạt rau. Phải gieo trên đất được làm xốp trước từ 2 đến 3 tháng. Nhưng gieo đúng thì gieo theo khóm, mỗi khóm tầm 5 hạt, hàng cách hàng, khóm cách khóm 10 đến 15 cm, như thế lanh sẽ mọc đều, thẳng và mập cây. Từ khi hạt nằm trong đất đến khoảng 80 ngày là phải thu cây về, nếu để hơn sẽ rất khó tước vỏ mà sợi lanh không trắng và mịn nữa. Nghe vậy có vẻ dễ, nhưng làm mới khó. Đây mới chỉ là vài công đoạn đầu tiên, những công đoạn sau còn khó và tỷ mẩn hơn nhiều. Tước lanh, phơi lanh, cuộn, giặt, ngâm gio bếp cho đến chọn các loại cây để làm màu nhuộm càng phức tạp. Người tỷ mẩn và kiên trì mới làm được. Vì thế mà mỗi người phụ nữ Mông cả đời chỉ có vài bộ váy áo. Mỗi bộ là một công trình trong một quá trình lao động công phu và sáng tạo. Mỗi bộ trang phục là một niềm tự hào để khoe tài khéo léo, con mắt thẩm mỹ. Vì thế mà con gái Mông mười hai tuổi đã được mẹ dạy làm lanh, nối lanh và thêu thùa hoa văn. Tài khéo léo trong thêu thùa là một trong các tiêu chí để đánh giá sự đảm đang và nết sống của con dâu trong nhà. Người phụ nữ lo trang phục cho cả nhà. Mỗi vụ lanh chỉ được một hai cái áo hay chiếc váy, nên thường được dành đến tết mới mặc. Đi chơi tết có bộ váy áo mới và đẹp thì hãnh diện với bạn bè. Nếu được mọi người khen váy áo đẹp, sặc sỡ và thêu khéo tay thì là niềm tự hào và sẽ được các chàng trai ưng mắt.

Tôi ngồi xem các bà, các chị vuốt từng sợi lanh cho mịn, cắt từng sợi tơ bong ra, đưa được một đường thoi cũng mất đến cả phút. Có lẽ vì công phu như vậy nên áo váy dùng được rất lâu. Tỷ mẩn và kỳ công nhất là công đoạn vẽ sáp ong và thêu các hoa văn trên thân váy, trên tay áo. Ngày trước, đời sống còn hoang dã nên các nguyên liệu đều từ thiên nhiên nên đến nay Lùng Tám vẫn giữ được truyền thống này. Sáp ong được lựa chọn kỹ càng, phải là sáp ong sạch, trong, được nung chảy rồi vẽ trực tiếp lên vải, để một thời gian nhất định rồi mới giặt rất khéo để lên được hình hoa văn như ý muốn. Tay áo lại được thêu hoặc đắp bằng vải màu thành những hình mang đặc trưng của người Mông và gắn với thiên nhiên, như hình con ốc, quả trám, hình thoi… Một bộ trang phục cô dâu đẹp và sặc sỡ là công sức của một người con gái trong nhiều năm trời. Các cô chọn đất trồng lanh, chọn cây, tước sợi, dệt và khâu thành váy áo đều tự tay làm lấy để thể hiện tài khéo léo và được là người đẹp nhất, ngày đẹp nhất trong cuộc đời. Có lẽ ai cũng ấn tượng về chiếc váy của người phụ nữ Mông với những nếp váy chồng lên nhau, mỗi bước đi đều xập xoè như con bướm lượn khắp núi đồi và khi phơi trên bờ rào đá lại thành những đoá hoa trắng tinh khôi.

Cuộn lanh lúc nào cũng quanh người. Đi nương se lanh, đi chợ se lanh, đi chơi hay ngồi bên bếp lửa cũng se lanh. Có mẹ đã già lắm vẫn lần lần sợi lanh nối với nhau và cuộn thành cuộn giúp con cháu. Tôi không biết bây giờ thời đại công nghiệp mất bao lâu thì được một cái áo, chiếc váy chứ cứ trồng lanh dệt vải và khâu thành váy áo thì quả là dài lâu. Phải qua ít nhất hơn hai mươi công đoạn trong vòng một đến hai năm thì mới có đồ để dùng. Bao công sức, thời gian đổ vào đấy, để đến bây giờ làng dệt trên lưng núi này đã vươn xa, vươn rộng và trở thành nghề xóa đói, giảm nghèo hiệu quả nhất vùng. Hàng của Lùng Tám đã theo chân bà con mình ra nước ngoài, rồi đến các vùng du lịch của cả nước.

Lùng Tám có được nương tốt để trồng lanh một phần cũng nhờ dòng Tráng Kìm quanh năm xanh mướt một màu, không ghềnh thác, không khúc khuỷu mà lặng lẽ trôi xuôi bên luỹ tre xanh dìu dịu vỗ về cho làng. Chạy xuôi theo cầu Tráng Kìm sẽ cảm nhận được sự thanh bình, yên cả của một làng miền núi, nghe được hồn của rừng, của nước, của núi và của người miền cao.

Làng dệt nhỏ bé, chênh vênh trên sườn núi, trập trùng giữa mây bay với những khung cửi nhỏ bé, những bàn tay thô ráp mà khéo léo của các mẹ, các chị và em gái Mông đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách đến với Hà Giang. Lùng Tám đang vào xuân với cơn mưa phùn một tuần rồi. Trời đất lạnh và buốt, nhưng độ ẩm đã thêm nhiều cho cây lanh có sức lên nhanh, lên đều. Người Lùng Tám được mùa lanh thì xuân sẽ vui, sẽ có nhiều phương tiện được sắm sửa từ lanh để các thanh niên chơi xuân. Hoa đào hồng trong gió lạnh ngày xuân cùng màu xanh mơn mởn của lanh làm cho Lùng Tám mang một nét riêng. Trời cho mưa và nước dòng sông Tráng Kìm tưới cho Lùng Tám một sức sống mới để vào xuân.

Minh Huệ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất