Thứ Ba, 24/12/2024
Cuộc sống số
Thứ Hai, 5/1/2009 16:6'(GMT+7)

Doanh thu bưu chính, viễn thông 2008: VNPT giữ vị trí số 1

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT Phạm Long Trận, năm qua Tập đoàn đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cao chất lượng mạng lưới. Độ phủ rộng của mạng lưới đã được triển khai không những trong lĩnh vực thông tin di động mà còn cả ở cố định và trong nhiều lĩnh vực khác. Một số công nghệ mới đã được Tập đoàn đưa vào áp dụng đảm bảo năng lực mạng lưới, chủ động trong công tác phục vụ khách hàng.

 

Nhiều loại hình dịch vụ viễn thông mới đã được VNPT triển khai trong năm 2008. Nhờ sự phát triển năng động này, trong năm vừa qua tốc độ tăng trưởng của Tập đoàn so với năm 2007 xấp xỉ 19%. VNPT nộp ngân sách nhà nước 6.840 tỷ đồng. Đã phát triển mới thêm 20 triệu thuê bao cả cố định và di động. Trên toàn mạng của VNPT đã có 47 triệu máy điện thoại.

 

Xác định 2009 sẽ là một năm khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong môi trường cạnh tranh như hiện nay có nhiều nhà khai thác mới ra đời hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT mà đặc biệt là viễn thông, người đứng đầu Tập đoàn cho biết các cán bộ công nhân viên của VNPT sẽ phải làm việc nhiều hơn, năng động hơn trong năm mới này.

 

Bên cạnh những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT Phạm Long Trận, thời khắc hiện nay là thời khắc mà các nhà khai thác viễn thông kể cả cũ, hay mới đều phải nghĩ tới việc hợp tác với nhau, phối hợp với nhau để làm sao nâng cao được hiệu quả họat động. Từ trước tới nay, họat động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chủ yếu mang tính chất riêng lẻ. Điều này đã dẫn tới hiệu quả mạng lưới ngày càng đi xuống.

 

Càng ngày, doanh thu trên một thuê bao điện thoại càng giảm. Chẳng hạn trong lĩnh vực di động, khuyến mại, giảm giá đã khiến ARPU (doanh thu trên mỗi thuê bao) giảm nhiều. Với riêng Tập đoàn, mỗi năm lợi nhuận từ kinh doanh dịch vụ thông tin di động giảm đi khoảng 20%. Nếu xu thế này còn tiếp diễn thì không biết vài năm tới sẽ còn bao nhiêu. Đây là một khó khăn lớn không chỉ cho các nhà khai thác mới mà ngay cả các nhà khai thác cũ cũng phải đối mặt.

 

"Lợi nhuận không có sẽ không thể đầu tư phát triển mạng lưới. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải có những chính sách để môi trường của chúng ta cạnh tranh nhưng cạnh tranh lành mạnh, có phát triển, có lợi nhuận" - Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT Phạm Long Trận nói.

 

Được biết, năm 2008, xếp vị trí thứ 2 sau VNPT về doanh thu là Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) xấp xỉ 30 nghìn tỉ đồng, tỉ suất lợi nhuận đạt 22%.  Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện Việt Nam - VTC đạt 3 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 160 tỉ đồng. Kết quả hoạt động SXKD thực hiện năm 2008 và các chỉ tiêu đặt ra đều tăng 200% so với năm 2007.

 

Công ty EVN Telecom đạt 3 nghìn tỉ đồng, Công ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) đạt 1,97 nghìn tỉ đồng. Công ty FPT Telecom đạt doanh thu 1,3 nghìn tỉ đồng, Công ty Thông tin điện tử Hàng Hải (Vishipel) đạt 57 tỉ đồng.

(Theo VnMedia)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất