Thứ Sáu, 4/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Hai, 5/1/2009 21:31'(GMT+7)

Làng bản Điện Biên với nguồn sinh khí mới

Internet không còn xa vời
 
Khoảng một tháng nay, các điểm bưu điện văn hóa xã của Điện Biên trở nên nhộn nhịp hẳn lên. Sau những giờ lên lớp, các em học sinh háo hức rủ nhau đến đây để đọc sách, báo và quan trọng hơn là để tìm hiểu xem "mặt mũi cái Internet như thế nào". Số lượng máy tính ở mỗi điểm còn hạn chế, chỉ có từ 4-5 chiếc nên vào những giờ cao điểm, đôi  khi các em còn tranh nhau dùng máy.
 
Chính chương trình "Một triệu giờ đồng hành" đã mang đến cho những em nhỏ ở các làng bản Điện Biên một nguồn sinh khí mới. Đây là chương trình phổ cập tin học và truy cập Internet miễn phí do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức. Kéo dài trong một năm (từ tháng 9.2007-9.2008), chương trình chủ yếu hướng tới đối tượng thanh thiếu niên nông thôn và miền núi.
 
"Một triệu giờ đồng hành" không chỉ giúp cho người dân ở Điện Biên mà còn ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước như Hà Giang, Đắc Lắc, Bắc Ninh, Hải Phòng.. được truy cập Internet miễn phí định kỳ tại hơn 2.000 điểm bưu điện văn hóa xã. Thời gian cho mỗi lần truy cập là 180 phút/lần, 2 lần/tuần /điểm vào lúc 8h-11h thứ 3 và 13h30-16h30 thứ 5 hàng tuần.
 
Tham gia chương trình giao lưu tuổi trẻ "Một triệu giờ đồng hành" diễn ra hôm 29.12.2007 tại Trung tâm hội nghị thành phố Điện Biên Phủ, em Lò Thị Hằng (Noong Bua, Điện Biên) rất hào hứng: "Nếu được dùng Internet miễn phí thì ngày nào em cũng đến bưu điện văn hóa xã". Em cho biết trong lớp em, một số bạn gia đình khá giả được dùng Internet ngay tại nhà. Nhưng đối với hầu hết các bạn ở các bản nghèo, chi phí dùng Internet 3.000 đồng/giờ là quá xa xỉ.
 
Còn nhiều khó khăn
 
Để Internet đến được với người dân bản có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ hướng dẫn. Họ là các giao dịch viên của các điểm bưu điện văn hóa xã hoặc các hạt nhân tin học của đoàn thanh niên địa phương. Cụ thể, mỗi điểm bưu điện, văn hóa xã chịu trách nhiệm đào tạo tin học cho 10 học viên và chia làm hai khóa học, mỗi khóa gồm 5 học viên. Ước tính, tổng số lượng học viên tham gia phổ cập lên tới 20.000 người.
 
Ông Nguyễn Đồng Long, Bí thư Đoàn thanh niên VNPT, cho biết đội ngũ hướng dẫn cố gắng truyền đạt cho bà con miền núi tiếp cận Internet theo cách đơn giản và dễ hiểu nhất: "Chẳng hạn, nếu muốn tìm hiểu về cây lúa, bà con sẽ được hướng dẫn tìm trên màn hình máy tính một biểu tượng hình chữ "e" rồi gõ chữ "lúa" như thế nào". Bên cạnh đó, những chương trình tin học văn phòng cơ bản như Word, Excel được tiến hành dạy song song.
 
Tuy nhiên, chương trình vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết, số lượng máy tính ở các điểm bưu điện văn hóa xã còn hạn chế, chưa thể đáp ứng nhu cầu của nhiều thanh thiếu niên. Ngoài ra, tốc độ đường truyền còn chậm. Ông Bùi Thiện Minh, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho biết, trong tương lai VNPT sẽ cố gắng nâng cấp đường truyền từ Dial-up lên ADSL, ưu tiên trước cho những điểm thực hiện chương trình hiệu quả.
 
Hiện nay, VNPT đang gấp rút xây dựng quy trình giám sát chất lượng để đảm bảo chương trình "Một triệu giờ đồng hành" được triển khai đúng mục tiêu đề ra và thực sự đem lại hiệu quả.

(Theo Lao Động)

 

 

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất