Sáng 2/1 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2009. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Đánh giá cao những nỗ lực, phấn đấu và sáng tạo của tập thể, cán bộ ngành TTTT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Ngành TTTT đã có bước phát triển nhanh và mạnh mẽ vượt bậc. Năm 2009, trong khó khăn chung của nền kinh tế song ngành TTTT đang có những thế mạnh và thời cơ rất lớn để phát triển với tốc độ cao.
Phó Thủ tướng đã chỉ ra 6 nhiệm vụ lớn đối với Bộ TTTT. Đó là: Ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước và Chính phủ điện tử, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành TTTT, khai thác hiệu quả vệ tinh VINASAT 1 và triển khai các vệ tinh tiếp theo, đưa Internet vào các trường học trong cả nước, phát triển công nghiệp CNTT (đặc biệt là công nghiệp phần mềm), quản lý và định hướng về báo chí, xuất bản. Trong đó, Bộ TTTT cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và Chính phủ điện tử từ Trung ương đến các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý: Năm nay đất nước sẽ kỷ niệm 40 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ TTTT nên sớm tổ chức thông tin tuyên truyền sâu sắc, rộng rãi, đa dạng với những chương trình thật ý nghĩa về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Chẳng hạn, Bộ TTTT cần xây dựng “bản đồ” những nơi Bác đã đến làm việc, đến thăm đối với ngành nói riêng và với các ngành, địa phương trong cả nước, Phó Thủ tướng gợi ý. Như vậy, chắc chắn sẽ giúp đồng bào trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế thêm một lần nữa hiểu biết và kính trọng Bác Hồ của chúng ta.
Bộ trưởng Bộ TTTT Lê Doãn Hợp khẳng định quyết tâm, toàn ngành TTTT sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra trong năm 2009, tạo thế và lực mới, tiếp tục đưa sự nghiệp TTTT phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ TTTT Lê Nam Thắng, bên cạnh những cơ hội và thuận lợi, ngành TTTT cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức: Lĩnh vực xuất bản, báo chí hết sức nhạy cảm; lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển nhanh, tư duy quản lý chưa theo kịp tình hình; một số đơn vị quản lý nhà nước của Bộ mới được thành lập chưa được đầu tư về cơ sở vật chất, thiếu biên chế... đặt ra cho công tác quản lý những khó khăn, phức tạp.
Những dấu ấn của ngành TTTT trong năm 2008 có thể kể đến, đó là việc công bố bảng xếp hạng về mức độ truy cập và cung cấp dịch vụ hành chính công của các trang thông tin điện tử của các Bộ và địa phương trên toàn quốc. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì tốc độ phát triển. Sự kiện phóng thành công vệ tinh VINASAT-1, vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam lên vũ trụ, mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành viễn thông, thông tin của Việt Nam. Năm 2008, Bộ đã cho phép các doanh nghiệp cung cấp mạng điện thoại cố định trên toàn quốc thực hiện việc quy hoạch lại đầu số để đáp ứng kho số cho phát triển thuê bao, Năm 2008 cũng đánh dấu một bước chuyển quan trọng của thị trường di động Việt Nam, Bộ đã cho phép HT- Mobile chuyển công nghệ từ CDMA sang GSM và đã chính thức phát hành hồ sơ thi tuyển cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ IMT-2000 (3G), thị trường 3G tại Việt Nam hứa hẹn sẽ phát triển sôi động, cung cấp cho xã hội đa dạng các loại hình dịch vụ mới, tiên tiến.
Lộ trình điều chỉnh giá cước dịch vụ viễn thông được thực hiện đúng định hướng, kế hoạch, góp phần quan trọng trong quá trình thúc đẩy phát triển nhanh và đa dạng hoá hạ tầng mạng lưới, dịch vụ viễn thông, internet, đáp ứng yêu cầu của Nhà nước trong đầu tư, phát huy hiệu quả hạ tầng viễn thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2008, Bộ TTTT đã đặt hàng với 4 đơn vị: VNPT, Viettel, EVN telelcom, Vishipel với tổng giá trị trên 1.200 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển và cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trên 189 huyện và gần 600 xã thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Sản lượng dịch vụ viễn thông được đặt hàng cho các đơn vị là: Phát triển mới 600.000 máy điện thoại và 23.810 thuê bao Internet cho các hộ gia đình, duy trì 1.743.259 thuê bao điện thoại cố định và 26.974 thuê bao Internet; Phát triển mới 574 điểm truy nhập điện thoại công cộng và 624 điểm truy nhập Internet công cộng, duy trì 4.361 điểm truy nhập điện thoại công cộng và 590 điểm truy nhập Internet công cộng; Phát triển mới 1.000 máy thu phát sóng vô tuyến điện HF-công nghệ thoại sử dụng cho tàu cá, duy trì 16 đài thông tin duyên hải phục vụ thông báo bão, lũ, cấp cứu và tìm kiếm cứu nạn.
Tính đến hết tháng 11/2008, tổng số thuê bao điện thoại trên toàn quốc hiện có là 79,1 triệu máy, thuê bao di động chiếm 83,5%, phát triển mới trên 13.700 trạm BTS, mật độ điện thoại là 92,6 máy/100 dân. Toàn quốc có trên 20,67 triệu người sử dụng Internet đạt mật độ 24,20%. Tổng số thuê bao băng rộng đạt 2 triệu máy.
Năm 2008 tổng doanh thu bưu chính - viễn thông toàn ngành đạt trên 93.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 11.000 tỷ đồng, tăng 19 % so với năm 2007, tăng 39,1% so với năm 2007 |
Chinhphu.vn