Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 8/6/2011 13:58'(GMT+7)

Việt Nam phải tỉnh táo trong chiến lược thông tin

Sơ đồ vị trí tàu của Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 của việt Nam

Sơ đồ vị trí tàu của Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 của việt Nam

 Trong lịch sử Trung Hoa cổ đại, ở thời Chiến Quốc,Tào Tháo đã đánh bại đội quân Tây Lương hùng mạnh với dũng tướng "Cẩm" Mã Siêu, bằng kế ly gián viên đại tướng "hữu dũng" này với Hàn Toại - vị huynh đệ kết nghĩa của người cha quá cố của Mã Siêu. Theo Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tào Tháo đã viết một bức thư riêng cho Hàn Toại, trong đó tẩy xoá những từ quan trọng, khiến Mã Siêu nghi ngờ Hàn Toại có ý định hàng Tào, và chú cháu trở giáo đánh nhau...

Ngày nay, cách thông tin kiểu hư hư thực thực, úp úp mở mở, đã khiến cho nội bộ quân Tây Lương lục đục, sức mạnh bị suy yếu, dẫn đến thất bại, dường như đã được hậu duệ của Tào Tháo sử dụng lại trong cuộc tranh chấp Biển Đông.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Carl Thayer về câu chuyện này, cũng như tiền đồ của cách tiếp cận đa phương đối với cuộc tranh chấp này.

Chính xác, minh bạch khi công bố thông tin
Chắc Giáo sư có theo dõi những thông tin đăng tải trên truyền thông Việt Nam trong những ngày vừa rồi, cũng như gặp lại trên đó một số đồng nghiệp Việt Nam của mình. Dường như, hành động quá trớn của Trung Quốc đã khiến cho Việt Nam, bất kể là giới lãnh đạo, giới nghiên cứu, truyền thông, hay dư luận, không thể "nhẫn nhịn" lâu hơn nữa. Thế nhưng, liệu điều đó đã đủ để dư luận quốc tế hiểu rõ thực chất điều gì đang diễn ra ở Biển Đông hay chưa?

Giáo sư Carl Thayer:
Việt Nam dường như đang ở vị thế khó xử, bởi cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề Biển Đông là thông qua kênh ngoại giao.

Một mặt, lãnh đạo Việt Nam hiểu rằng Đại sứ quán Trung Quốc hẳn sẽ phản đối mạnh mẽ mỗi khi họ đọc được các bài phê phán Trung Quốc trên báo chí Việt Nam. Thế nhưng, mặt khác, nếu truyền thông Việt Nam không đóng vai trò lớn hơn trong việc thông tin về Biển Đông dễ khiến cho các loại tin đồn và nhận định của báo chí nước ngoài sẽ định hướng dư luận trong nước.

Gần đây đã có dấu hiệu rằng báo chí trong nước đã vào cuộc nhiều hơn trong câu chuyện liên quan tới Biển Đông. Vietnamnet Bridge (bằng tiếng Anh) đã cho đăng tải một loạt bài viết thú vị xung quanh sự kiện 26.5, trong đó nếu rõ quan điểm của các học giả và cựu quan chức. Chẳng hạn, những bình luận của Thiếu tướng Công an Lê Văn Cương là khá sắc sảo.

Theo tôi, Việt Nam cần xem lại chiến lược thông tin và hiện đại hoá công tác này để có thể đưa những quan điểm của Việt Nam ra trước dư luận quốc tế. Chứ chỉ có các cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao là chưa đủ. Mỗi bộ liên quan phải có một website dễ truy cập và luôn đăng tải thông tin cập nhật. Các tư liệu bằng hình ảnh, kể cả video, cần được phân phát kịp thời. Việt Nam cũng cần phải kịp thời dịch các tư liệu liên quan ra tiếng nước ngoài.

PetroVietnam, chẳng hạn, đã cho phân phát bản báo cáo vắn tắt về sự sự kiện 26.5 dưới dạng Power Point. Theo tôi, bản báo cáo này cần phải được trình bày một cách chuyên nghiệp hơn, và lẽ ra phải được dịch ngay ra tiếng Anh và phân phát với một số lượng lớn.

Việt Nam đã tổ chức được hai cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông, và mời được nhiều học giả nước ngoài đến trình bày tham luận cùng với các đồng nghiệp Việt Nam. Những tham luận này lẽ ra phải được đăng tải ngay lên một website mà cả thế giới có thể dễ dàng truy cập được. Cuốn kỷ yếu của cuộc hội thảo lần thứ nhất phải chờ một năm sau mới được xuất bản. Còn cuốn kỷ yếu của hội thảo lần thứ hai vẫn chưa thấy xuất hiện.

Hơn nữa, tham luận của các học giả Việt Nam lại không được dịch ra hai thứ tiếng quan trọng nhất là tiếng Hoa và tiếng Anh.

Trong "cuộc đua về thông tin" Việt Nam không được phép hài lòng với "huy chương bạc", hay vị trí "á hậu".

Hơn nữa, tính chính xác, minh bạch và nhất quán trong việc công bố thông tin cũng rất quan trọng. Chẳng hạn, trong sự kiện 26.5 lúc đầu thông tin nói rằng đây không phải là lần đầu Trung Quốc quấy nhiễu các tàu thăm dò dầu khí. Nhưng sau đó, lại có thông tin rằng đây là lần đầu. Điều đó khiến cho giới quan sát bị lẫn lộn, và một số người đã suy diễn rằng tại sao lần này Việt Nam lại quyết định đưa chuyện này ra công khai, còn những lần trước thì không.

Bình luận về cuộc tuần hành hoà bình thể hiện lòng yêu nước và phản đối hành vi xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam của tàu Hải Giám Trung Quốc, như Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã nói với phóng viên BBC rằng "Người dân phải tin rằng Nhà nước sẽ có giải pháp, có đủ trách nhiệm để vừa giữ chủ quyền lãnh thổ, vừa duy trì hòa khí và quan hệ với Trung Quốc."
Với tư cách là một chuyên gia về Biển Đông và Việt Nam, ông có nhận xét gì?

Duy trì sự thống nhất trong nước là vô cùng quan trọng trong chiến lược đối phó với của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cần giải thích những hành động và chính sách của mình cho người dân. Rõ ràng là chính phủ không thể công bố những tư liệu mật liên quan tới kế hoạch ngoại giao. Thế nhưng chính phủ phải vạch ra những nét chính trong chiến lược và chính sách đối ngoại nói chung, và công bố để dư luận biết. Các quan chức chính phủ cũng cần phải phát biểu trước sinh viên đại học và trả lời những câu hỏi của họ.

Việt Nam có tổ chức những cuộc họp nội bộ về Biển Đông, nhưng rất ít thông tin được công bố cho đông đảo người dân được biết.  Đây là những vấn đề rất phức tạp, và nếu chính phủ không giải thích rõ những chính sách của mình cho công chúng, có nguy cơ các loại tin đồn, hay thông tin thất thiệt, sẽ tràn vào Việt Nam.

Cùng lúc đó, Việt Nam phải tổ chức những cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo Trung Quốc, và cố đạt được thoả thuận rằng hai bên sẽ kiềm chế để không xảy ra những sự cố có chủ ý như sự kiện tàu Bình Minh 02. Việt Nam cũng có thể lặng lẽ thúc đẩy hợp tác với các cường quốc quan trọng, như Nhật Bản (Lực lượng Phòng vệ Bờ biển) và Ấn Độ, như một tín hiệu với Trung Quốc rằng sự hiếu chiến tiếp tục của họ sẽ chỉ thúc đẩy nhanh quá trình quốc tế hoá tranh chấp Biển Đông.

Kiểu thông tin lập lờ của Trung Quốc
Khi Giáo sư nói "... có nguy cơ các loại tin đồn, hay thông tin thất thiệt, sẽ tràn vào Việt Nam", có phải ông định ám chỉ về tường thuật của một tờ báo tiếng Anh của Trung Quốc vào ngày 4.6 vừa rồi về cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước Trung Quốc và Việt Nam bên lề Đối thoại Sangri-La 2011.

Tờ này viết: "Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nói hôm Thứ Sáu rằng tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) cần phải được giải quyết mà không có sự tham gia của một bên thứ ba nào".

Tờ báo này cũng đã từng đưa tin rằng nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đồng ý với cách tiếp cận song phương của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, khi tường thuật cuộc gặp song phương giữa ông và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bên lề Cấp cao ASEAN 17.

Hay Tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng đã từng phải giải thích trên báo Quân Đội Nhân Dân rằng quan điểm của ông cũng bị hiểu lầm khi báo chí Trung Quốc đưa tin rằng ông vui mừng trước việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, trong khi thuật ngữ ông dùng là "khả năng quốc phòng".

Anh hiểu đúng ý tôi. Nói như vậy, tôi muốn gián tiếp dẫn chiếu tới các bài tường thuật kiểu đó của báo chí Trung Quốc. Điều quan ngại của tôi là những thông tin lập lờ như vậy sẽ được các nhà báo và học giả khác trích dẫn và chúng sẽ được lặp đi lặp lại trong các bài viết của họ, khiến cho những độc giả Việt Nam hay đọc những bài viết từ nước ngoài trở nên lẫn lộn trong nhận thức.
Ngoài ra, tôi cũng muốn ám chỉ một số blog và mạng của một số người Việt Nam ở nước ngoài, những người thường có thói quen phóng đại, hoặc đưa ra những khẳng định mang tính thất thiệt.

Việt Nam phải giữ vững khối liên kết trong ASEAN
Có những ý kiến cho rằng cách tiếp cận đa phương đối với việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông dường như không còn giữ được cái đà của năm 2010 tại Hà Nội,  nếu xét tới tình trạng "dậm chân tại chỗ" của tiến trình thực hiện Tuyên bố về Nguyên tắc Ứng xử trên Biển Đông (DOC), phần nào đó ở ADMM Jakarta, cũng như không khí của cuộc Đối thoại Sangri-La vừa rồi.
Giáo sư có nghĩ như vậy không, và Giáo sư giải thích điều này thế nào?

Giáo sư Carl Thayer: Có những dấu hiệu rất lẫn lộn đối với việc liệu ASEAN và Trung Quốc có đạt được tiến bộ trong việc phê chuẩn những hướng đi cụ thể để thực hiện DOC hay không. Nguyên nhân chính là do Trung Quốc muốn vấn đề này được giải quyết theo kiểu song phương và chỉ giữa những nước có liên quan trực tiếp.

Khi DOC được phê chuẩn năm 2002, để chiều lòng Trung Quốc, tuyên bố này đã không đề cập rõ ràng tới Trường Sa hay Hoàng Sa. Nói cách khác, phạm vi của DOC còn khá mập mờ. Trung Quốc sẽ không cho phép gắn Hoàng Sa vào bất kỳ tuyên bố nào về Biển Đông do họ đang chiếm giữ quần đảo này, và cho rằng vấn đề Hoàng Sa đã giải quyết xong.

Cùng lúc đó, Indonesia, với tư cách là Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, đã tuyên bố sẽ tiếp cận Trung Quốc liên quan đến một bộ qui tắc ứng xử (COC) và sẽ nêu vấn đề Biển Đông tại Cấp cao Đông Á. Trách nhiệm chính của ASEAN là "kéo" Trung Quốc vào câu chuyện này. Và điều đó có nghĩa là các ngoại trưởng sẽ đóng vai trò tiên phong.

Còn Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM) không có trách nhiệm trực tiếp và tất cả những gì mà hội nghị này có thể làm là hỗ trợ cho tiến trình ngoại giao đang diễn ra.

Tuyên bố chung của ADMM tại Jakarta đã tái khẳng định cam kết của các quốc gia ASEAN trong việc thực thi đầy đủ và một cách hiệu lực DOC, và tiến tới việc thông qua COC. Tuyên bố này cũng tái khẳng định tự do hàng hải trên Biển Đông, theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận, trong đó có Công ước về Luật Biển 1982.

Đối thoại Sangri-La chỉ dừng lại ở tầm một diễn đàn tranh luận. Tuy nhiên, trong bài diễn văn khai mạc Thủ tướng Malaysia Dato' Sri Najib Tun Razak đã tuyên bố: "Tôi cũng cảm thấy lạc quan rằng ASEAN và Trung Quốc sẽ sớm thoả thuận được một bộ qui tắc ứng xử mang tính ràng buộc hơn để thay thế cho Tuyên bố về Ứng xử trên Biển Đông."

Theo Giáo sư, trong khi Trung Quốc dường như đang thành công trong việc lôi kéo một số nước ASEAN về phía mình thông qua những cam kết viện trợ khổng lồ, Việt Nam  cần phải làm gì để đảm bảo được sự đoàn kết nội khối, cũng như kéo lại sự quan tâm của các cường quốc bên ngoài đối với chủ đề Biển Đông đã trở nên căng thẳng hơn trong thời gian gần đây?

Việt Nam có một nhiệm vụ khó khăn là duy trì khối đoàn kết ASEAN. Chỉ còn có 7 tháng nữa thôi dưới vai trò chủ tịch của Indonesia để duy trì xung lực cho việc đối thoại với Trung Quốc. Bởi sau đó là Brunei (2012), Campuchia (2013), Myanmar (2014) và Lào (2015) sẽ lần lượt làm chủ tịch ASEAN, và những quốc gia kể trên không có lợi ích trực tiếp, hoặc có lợi ích quá nhỏ, ở Biển Đông.

Điều quan trọng nhất mà Việt Nam cần làm là trước hết phải giữ vững khối liên kết với những quốc gia có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm Philippines, Malaysia và Brunei, và vận động Indonesia duy trì vai trò dẫn dắt trong vấn đề này. Việt Nam cũng cần tham vấn các quốc gia ASEAN khác và thuyết phục họ cần phải kiên định. Cuối cùng, Việt Nam cần phải vận động các cường quốc chủ chốt duy trì áp lực đối với Trung Quốc để quốc gia này phải biết kiềm chế các hành động đơn phương.

Ngoài ra, Việt Nam cũng phải nhìn xa hơn DOC và COC để hướng tới phương án khai thác chung, và lựa chọn cách thức nào cho phù hợp với lợi ích quốc gia của mình.

Việt Nam cần nhớ bài học Vịnh Bắc Bộ
Trong cuộc gặp với người đồng nhiệm Việt Nam bên lề Đối thoại Sangri-La 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã khẳng định rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) không can dự vào sự cố xảy ra với tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam (Tàu Bình Minh 02).

Giáo sư hình dung thế nào nếu những đi theo bảo vệ Bình Minh 02 không tự kiềm chế được  mà có những hành động đáp trả đối với tàu Hải Giám của Trung Quốc đang cắt cáp thăm dò? Trong trường hợp đó, liệu sẽ xảy ra một điều gì đó tương tự như Sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964 hay không?

Trung Quốc có 5 cơ quan nhà nước phụ trách các vấn đề về biển, bên cạnh lực lượng Hải quân thuộc PLA. Một số nhà quan sát cho rằng các tàu Hải Giám của Trung Quốc có thể đã hành động độc lập.

Tuy nhiên, chính quyền trung ương Bắc Kinh đã biện hộ rằng hành động của những con tàu này là hoạt động "bình thường". Như vậy, Trung Quốc đã sử dụng tàu dân sự để gây khó dễ cho những quốc gia không có sức mạnh dân sự tương đương khi đối phó với Trung Quốc, như Việt Nam trong trường hợp vừa rồi.

Việt Nam cần phải tham vấn các chuyên gia về luật pháp quốc tế xem có đủ cơ sở pháp lý để khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại hay không. Việt Nam cũng phải cực kỳ cẩn trọng khi tính tới hành động đáp trả tương xứng. Trong chuyện này, Việt Nam cần nhớ bài học lịch sử từ sự kiện vịnh Bắc Bộ (Sự kiện vịnh Bắc Bộ được cho là cuộc tấn công của hải quân nhân dân Việt Nam chống lại vụ xâm nhập vịnh Bắc Bộ của hai tàu khu trục Mỹ. Thực tế, chỉ có cuộc tấn công ngày 2/8/1964 nhưng chính quyền Mỹ đã bịa ra thêm một cuộc tấn công thứ 2 để thúc đẩy Quốc hội Mỹ ra nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, cho phép Tổng thống Johnson mở đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tin rằng, tàu chiến Mỹ cố khiêu khích một cuộc tấn công để Johnson có cớ leo thang chiến tranh - NV).

Một việc quan trọng khác Việt Nam cần làm là cải thiện năng lực kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế của mình, cũng như tăng cường khả năng hiện diện dân sự cần thiết trên biển để khẳng định chủ quyền. Tất nhiên, để làm được điều này cần thời gian.

Việt Nam có thể cử đội tàu có vũ trang hộ tống các tàu thăm dò dầu khí. Với khả năng thông tin liên lạc và kinh nghiệm cao hơn, Việt nam cũng có thể sử dụng sự tiếp ứng của không quân, như Philippines đã làm, khi tàu Trung Quốc tiếp cận tàu thăm dò của Việt Nam. Nhưng phải hết sức tỉnh táo khi quyết định "can thiệp" để tránh bạo động và sự trả đũa của Trung Quốc.

Huỳnh Phan/Tuanvietnam.net

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất