Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 8/6/2011 17:4'(GMT+7)

Đổi mới nội dung, phương pháp công tác tuyên truyền, giáo dục của Công đoàn trong tình hình hiện nay

 Đó vừa là cơ sở pháp lý, vừa là định hướng để công đoàn các cấp và công nhân viên chức lao động cả nước đem hết khả năng vận dụng, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Do đó, theo chúng tôi đội ngũ cán bộ công đoàn nói chung, những người làm công tác tuyền truyền, giáo dục của tổ chức công đoàn nói riêng cần nhận thức rõ điều ấy, trước hết là ở những vấn đề hết sức cơ bản sau: 

1. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tuyên truyền giáo dục là một đòi hỏi tất yếu. Hiện nay, trong hoàn cảnh mới, tình hình đã có nhiều biến đổi so với thời kì đấu tranh giành độc lập dân tộc và thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình bao cấp.  

Công cuộc đổi mới xây dựng đất nước theo cơ  chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giai cấp công nhân Việt Nam đang không ngừng lớn lên cả về số lượng và chất lượng, đang khẳng định vai trò lãnh đạo đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.  

Tuy nhiên, do đội ngũ công nhân lao động cũng đang có sự biến đổi nhanh chóng, đa dạng về cơ cấu, điều kiện sống và môi trường làm việc. Về cơ bản, quan hệ lao động trong khu vực kinh tế nhà nước giữ được sự ổn định. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, do thu nhập của công nhân lao động làm thuê không đủ sống, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt tạm bợ, nhiều chủ doanh nghiệp lẩn tránh những quy định của pháp luật, những quy định và cam kết với người lao động, nhất là quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội…

Cùng với thực trạng ấy là sự tha hóa của một số cán bộ, thiếu bản lĩnh, ngại va chạm, sợ trù dâp mất việc làm nên chưa mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động, nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội, nhất là tình trạng tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ có chức có quyền chưa được xử lí nghiêm mình, làm giảm niềm tin trong công nhân viên chức lao động, đối với Đảng và Nhà nước.  

Hơn thế nữa, nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục lại chưa phù hợp: còn nặng về lí luận, chưa sát với yêu cầu cụ thể đa dạng của từng loại hình cơ sở, về cơ bản mới tập trung chủ yếu ở cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và khu vực kinh tế nhà nước. Việc tuyên truyền, giáo dục chủ yếu mới chỉ đến cán bộ công đoàn cơ sở, chưa đầu tư đúng mức cho công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật lao động, về tổ chức công đoàn cho người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nên kết quả còn nhiều hạn chế.  

Nghĩa là công tác tuyên truyền, giáo dục vẫn chỉ tới những việc dễ, nhưng nơi dễ thâm nhập, dễ thành công. Do công tác tuyên truyền, giáo dục còn những hạn chế như vậy nên một bộ phận công nhân viên chức lao động chưa hiểu rõ vai trò, vị trí, chức năng của tổ chức công đoàn và chưa tin vào công đoàn, không gia nhập công đoàn và gắn bó với công đoàn. Người sử dụng lao động ở nhiều doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa ủng hộ công đoàn, né tránh việc thành lập công đoàn…gây nhiều diễn biến phức tạp.  

Với thực trạng như vậy đòi hỏi công tác tuyên truyền, giáo dục cần phải đổi mới về nội dung và phương pháp nhằm phát huy những ưu điểm mà giai cấp công nhân và hoạt động công đoàn đã đạt được, đặc biệt là góp phần tháo gỡ những nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển giai cấp công nhân ở nhiều khu vực trên tất cả các lĩnh vực. Trước hết, khu vực kinh tế ngoài nhà nước phải được coi là trọng điểm.  

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhưng mọi mục tiêu đấu tranh chỉ đạt được khi nào quần chúng được trang bị tri thức cách mạng, để hành động cách mạng của họ có căn cứ khoa học. Nắm vững nguyên lý này, chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: mọi việc cách mạng trước hết phải “đánh thông tư tưởng”, của mọi người, để mọi người có tư tưởng đúng do đó hành động cách mạng của họ không sai lạc và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.  

Ngay từ khi ra đời, trải qua thăng trầm của lịch sử, thấm nhuần quan điểm ấy, các hoạt động tuyên truyền giáo dục của công đoàn Việt Nam, đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, xứng đáng vai trò của giai cấp lãnh đạo cách mạng. Đó là một phẩm chất tốt đòi hỏi phải đuợc phát huy trong hoàn cảnh mới. Đó cũng là một nguyên lý mà Lênin vĩ đại từng căn dặn :”Phải biết tùy theo hoàn cảnh mà thay đổi phương pháp đấu tranh”1. 

2. Việc đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền giáo dục không có nghĩa làm thay đổi bản chất cách mạng của Công đoàn Việt Nam và không đồng nghĩa với thay đổi bản chất của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện trong đường lối, chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Tổng Liên đoàn mà là việc xác định khối lượng, loại nội dung phù hợp, cần đưa tới đối tượng cũng như cách vận dụng sáng tạo trong hoạt động thực tiễn vì người lao động vì sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước thông qua những phương pháp thích hợp.  

Vì thế phải đổi mới tư duy, đổi mới khả năng nhận thức của đội ngũ cán bộ. Đổi mới khả năng nhận thức để trước hết cán bộ tuyên truyền, giáo dục của công đoàn đứng vững trên nền tảng tư tưởng của mình là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh mới để công tác giáo dục tuyên truyền, giáo dục công nhân lao động không chệch hướng, để những tri thức cách mạng Mácxit thể hiện trong đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và nghị quyết, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xâm nhập vào quần chúng dễ dàng, thiết thực, chắc chắn hơn.  

Nghĩa là phải xuất phát từ thực tế đất nước đang trong thời kì phát triền nền kinh tế nhiều thành phần, theo cơ thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên tình hình phát triển của giai cấp công nhân và mối quan hệ giữa họ với người sử dụng lao động có nhiều thay đổi và diễn biến rất phức tạp. Nhận thức thật đầy đủ về đối tượng, đặc điểm và xu hướng vận động của công nhân lao động đội ngũ làm công tác tuyên truyền, giáo dục không chỉ xác định được nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp mà còn vững vàng, quyết tâm hơn trong tiếp cận đối tượng, bám sát, bám chắc đối tượng cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ. 

Trong vô số những việc cần làm thì việc xác định trong tâm, trọng điểm, những mắt khâu quan trọng nhất, để tiền hành tuyên truyền, giáo dục có ý nghĩa tháo gỡ, mang tính đột phá, những khâu mắt khó khăn nhất trong xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam theo quan điểm của Đảng.  

Đó chính là việc đảy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho công nhân lao động trẻ, công nhân lao động khu vực kinh tế ngoài nhà nước.  Những người làm công tác tuyên truyền, giáo dục của công đoàn các cấp cần thể hiện tình cảm cách mạng của mình bằng quyết tâm hành động theo tinh thần Hồ Chí Minh. Tức là phải bằng mọi cách để “đưa chính trị vào giữa dân gian”2, để “đánh thông tư tưởng” của mọi người, bao gồm cả công nhân lao động và cả người sử dụng lao động. 

Đối với công nhân lao động phải nắm vững hoàn cảnh, điều kiên sinh sống và làm việc, tâm tư và tình cảm của họ để tuyên truyền vận động, giúp họ thoát ra khỏi những nhận thức lệch lạc về công đoàn, về mục đích lao động về chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, về chính sách pháp luật…cần tập chung tuyên truyền về vai trò, vị trí, chức năng của tổ chức công đoàn Việt Nam, tuyên truyền về quyền lợi và trách nhiệm của công nhân lao động khi tham gia tổ chức công đoàn, để công nhân lao động thấy rõ chỉ có tổ chức công đoàn Việt Nam, tổ chức duy nhất, đại diện duy nhất hợp pháp tại Việt Nam bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của người lao động.  

Đồng thời cần làm rõ để người lao động hiểu muốn có điều kiện để đảm bảo lợi ích của mình thì  cần phải xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp trên cơ sở pháp luật của Việt Nam, lợi ích của người lao động luôn gắn liền với lợi ích của dân tộc và được đảm bảo trên cơ sở kinh tế đất nước phát triển bền vững. Điều đó đòi hỏi từng doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, những bộ phận hợp thành phải phát triển bền vững.  

Từ đó mà công nhân lao động luôn làm chủ hành vi của mình, suy nghĩ đúng và hành động đúng. Cách làm phải từ thấp đến cao, nên chú ý tới những hình thức sinh hoạt cộng đồng mà họ ưa thích để xâm nhập, thông qua đó mà giác ngộ ý thức giai cấp, ý thức chính trị cho họ bằng những hoạt động tuyên truyền miệng, những tâm sự, phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng những hạt nhân theo tình thần “vô sản hóa’, tiến tới thành lập công đoàn cơ sở. Ở những nơi đã có tổ chức công đoàn thì tổ chức tuyên truyền, giáo dục và đào tạo họ ở  mức cao hơn về nội dung và hình thức để góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh.

Đối với người sử dụng lao động không chỉ nắm vững thái độ, quan điểm của họ với công đoàn mà còn phải hiểu rõ nguồn gốc của thái độ ấy để thường xuyên đổi mới cách tiếp cận, tuyên truyền vận động đối với họ. Trước hết là phải làm cho họ thấy công đoàn Việt Nam là một tổ chức được lập ra có mục đích góp phần duy trì mối quan hệ công bằng, dân chủ, văn minh giữa chủ và thợ, giữa doanh nghiệp với toàn bộ nên kinh tế xã hội, nghĩa là không chỉ đơn thuần bênh vực lợi ích người lao động mà còn rất chú ý đến xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trên cơ sở luật pháp của Việt Nam.  

Bởi mỗi doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế đều là một thành viên, một bộ phận hợp thành nền kinh tế Việt Nam được nhận thức và thể hiện nhất quán trong hoạt động công đoàn các cấp. Do đó công đoàn sẽ góp phần tạo ra khí thế làm chủ đất nước của giai cấp công nhân thông qua thái độ xây dựng doanh nghiệp theo quan điểm của Đảng, góp phần tạo ra môi trường phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Cũng chỉ ra cho người sử dụng lao động thấy rõ nhu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp chỉ có thể được thực hiện khi biết chăm lo đến người lao động, nguồn lực chủ yếu để phát triển sản xuất và công đoàn là tổ chức đại diện hợp pháp duy nhất luôn chăm lo đến người lao động, vì vậy việc hợp tác với tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp luôn gắn liền với sự sự tồn tại và phát triển doanh nghiệp.  

Nói tóm lại, là phải kiên trì, phải dày công tuyên truyền, để người sử dụng lao động và người lao động theo tinh thần có tổ chức công đoàn tạo điều kiện để công đoàn hoàn động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp là vì sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp vì lợi ích của người lao động và cả người sử dụng động, để cả hai đều thấy sự cần thiết phải có công đoàn và thái độ tích cực đối với việc xây dựng tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp.  

Điều quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục công đoàn theo tinh thần hướng về cơ sở nói chung, đặc biệt là khu vực kinh tế ngoài nhà nước bao gồm những nội dung tuyên truyền, thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng phải phong phú, đa dạng, ngắn gọn, thiết thực, dễ hiểu, dễ làm và trở thành hiện thực theo tinh thần “nói đi đôi với làm” để phát triển, xây dựng  và củng cố uy tín của công đoàn các cấp.

Muốn vậy, phải đổi mới nhận thức về đối tượng, phải tuyên truyền vận động, thuyết phục, cũng bao gồm cả hệ thống chính trị và những lực lượng có xu hướng tiến bộ tham gia bằng mọi cách để công đoàn cơ sở được thành lập và hoạt động có chất lượng, đáp ứng mục tiêu, lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động, phải đổi mới nhận thức về trách nhiệm của người làm công tác tuyên truyền giáo dục, không chỉ thông qua các hình thức, các phương pháp truyền thống, mà còn là người có trách nhiệm tham gia vào các quá trình kiểm tra, giám sát tất cả các lực lượng, để tuyên truyền, thuyết phục, kiến nghị và đòi hỏi họ thực hiện tốt nhất trách nhiệm của họ đối với chủ trương xây dựng tổ chức công đoàn. 

3. Đổi mới nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động tuyên truyền, giáo dục, hướng về cơ sở để thấy rõ mọi chủ trương đường lối của Đảng về giai cấp công nhân đều thể nghiệm từ cơ sở; cơ sở không chỉ là nơi đưa chủ trương đường lối của Đảng vào cuộc sống mà còn là nơi kiểm nghiệm, đánh giá, góp phần hoàn thiện đường lối, chính sách, và phát triển lý luận của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân trong đó có việc xây dựng tổ chức Công đoàn cơ sở ở các thành phần kinh tế, ở các ngành.  

Nghĩa là tầm quan trọng của hoạt động tuyên truyền, giáo dục ở cơ sở đã bao hàm cả trách nhiệm tổng kết thực tiễn tốt nhất cho Đảng, góp phần đổi mới tư duy của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn.  

Đó là một công việc vô cùng khó khăn, gian khổ, đòi hỏi những người làm công tác tuyên truyền, giáo dục công đoàn các cấp phải đôi mới mình một cách toàn diện. Trước hết là từ bỏ cách thức làm mang tính hành chính, quan liêu, chưa thật sự tâm huyết, được sao hay vậy mà phải xả thân vì công việc. Phải kế thừa và sáng tạo truyền thống “vô sản hóa” để xứng đáng là đội ngũ những người tiên phong trong xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở. 

 ThS. Nguyễn Mạnh Hiền, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn LĐVN/Congdoanvn.org.vn

-------------------

1 Lênin tòan tập , tập 36 NXB Tiến bộ Macxcơva 1978, trang 216

2 Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4 NXB ST, Hà Nội 1984 trang 521

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất