Thứ Sáu, 29/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 29/1/2010 10:15'(GMT+7)

Coi trọng chức năng phản biện xã hội của Mặt trận

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội và nhiều địa phương đã đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giúp đỡ và hướng dẫn để “thực hiện thí điểm phản biện xã hội đối với những quyết sách của chính quyền địa phương” trong năm 2010.

“Phản biện là trách nhiệm không thể thoái thác của mặt trận các cấp, trong đó ứng xử như thế nào trước những ý kiến khác nhau là rất quan trọng, cần đón nhận một cách nghiêm túc và cầu thị quan điểm khác biệt song mang tính xây dựng và có cơ sở khoa học”, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng phát biểu tại hội nghị.

Ông nhắc đến tư tưởng của Bác Hồ trong việc quy tụ, sử dụng trí thức, khiến họ tham gia việc nước một cách nhiệt thành và tận tụy, cho rằng Hội đồng Tư vấn khoa học của Mặt trận Tổ quốc cần được cơ cấu lại để thực hiện việc quy tụ trí thức, nhà khoa học tốt hơn.

Nhà báo lão thành Đỗ Phượng (nguyên Tổng Giám đốc TTXVN) thẳng thắn đánh giá Chương trình phối hợp hành động của Mặt trận Tổ quốc năm 2010 “còn mang nặng tính hành chính và chưa rõ chủ đề, mục tiêu cụ thể”.

Ông cho rằng Mặt trận Tổ quốc cần coi việc bàn việc nước là chính, mỗi giai đoạn chọn một chủ đề được nhân dân đặc biệt quan tâm để giám sát, phản biện cho sâu và hiệu quả.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm hiểu, trao đổi với những người có ý kiến, tư tưởng, quan điểm khác để cung cấp, chia sẻ thông tin và cùng nhau đóng góp. “Nhiều người do không đủ thông tin, lại không được lắng nghe nên dẫn đến ý nghĩ, nhận định và hành động sai lệch, Mặt trận Tổ quốc phải có những người đủ trình độ, nắm rõ thông tin để đứng ra trao đổi, bàn bạc, giải quyết được việc này”.

Khá nhiều ý kiến cho rằng các hoạt động chăm lo người nghèo, nhân đạo từ thiện của Mặt trận Tổ quốc các cấp đạt được nhiều kết quả quan trọng song đã đến lúc cần có sự chuyển hướng để việc hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trở nên căn cơ, lâu dài và hữu ích hơn.

“Mặt trận Tổ quốc cần có cách vận động các nguồn lực giúp dân làm ăn sinh sống ổn định, trao cho dân sinh kế thì tốt hơn là xây tặng một căn nhà”, giáo sư Tương Lai nói. Theo ông, những kinh nghiệm sẵn có và phương pháp hoạt động truyền thống mà Mặt trận Tổ quốc áp dụng lâu nay không đủ để Mặt trận Tổ quốc theo kịp những kỳ vọng của người dân, điều này đòi hỏi một sự đổi mới về cách làm trong hệ thống Mặt trận.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm nhấn mạnh việc chăm lo dân sinh, phát huy dân chủ là hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc, trong đó chăm lo dân sinh là tiền đề tạo ra dân chủ, thể hiện mặt trận là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

Ông kêu gọi các tổ chức thành viên, các giới đồng bào ở trong và ngoài nước đề cao đoàn kết và đồng thuận, coi trọng thi đua yêu nước, tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh./.

(Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất