Thứ Sáu, 27/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 22/1/2010 16:18'(GMT+7)

Thông tin và sự phát triển xã hội!

Cùng thời gian này, tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2009 và triển khai nhiệm vụ năm 2010, Uỷ viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Lực lượng làm công tác tuyên giáo phải chủ động thông tin, tăng cường đối thoại...

Tại cuộc gặp mặt báo giới nhân dịp đầu năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn dũng cũng nhấn mạnh và yêu cầu báo chí phải tuyên truyền chính xác, kịp thời chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếp tục đóng vai trò quyết định tạo sự đồng thuận, huy động sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, xứng đáng với lòng tin của Đảng và nhân dân vào những người làm báo.

Thông tin là một yếu tố cấu thành sự vận động xã hội, là điều kiện quan trọng trong việc quản lý xã hội. Thông tin chính xác, khách quan sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội; ngược lại, thông tin sai lạc, thiếu trung thực sẽ là tiền đề cho sự chậm phát triển, nếu không nói là chống lại sự phát triển xã hội.

Bởi lẽ, người lãnh đạo khi xử lý thông tin hay cung cấp thông tin đó cho dân chúng, nếu không chính xác sẽ ra những quyết định sai lầm, từ đó đưa xã hội đến chỗ bi kịch; còn dân chúng khi tiếp nhận những thông tin không chính xác sẽ cổ vũ và ứng xử theo hướng xa rời sự thật, từ đó làm đảo lộn xã hội.

Trong những thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, VN đã vượt lên một cách ngoạn mục. Nguyên nhân có nhiều, nhưng không thể thiếu sự đồng thuận cao trong xã hội về các chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ, mà sâu xa là sự chủ động thông tin cho nhân dân. Sự chủ động, kịp thời thông tin biểu hiện sự minh bạch, tạo sự đồng thuận, tạo nên sự “kết nối” những sức mạnh cá nhân – những cá thể - thành sức mạnh xã hội to lớn.

Thời đại ngày nay, khi mà công nghệ phát triển thì nhu cầu thông tin của con người ngày càng cao và không có giới hạn, cũng như nguồn cung cho những nhu cầu đó sẽ không giới hạn. Vấn đề là sự chủ động và kịp thời thông tin một cách minh bạch và trung thực của người lãnh đạo sẽ định hướng cho nhu cầu thông tin của người dân. Nếu không, khi ở giữa cuộc bùng nổ thông tin, người dân sẽ bị các nguồn thông tin không khách quan, không trung thực chi phối.

Một khi thông tin bị che giấu, bị làm sai lạc thì thông tin theo nhiều con đường đến người tiếp nhận sẽ như cái kiểu “thầy bói xem voi”. Bản chất thông tin do bị góc độ hạn hẹp của từng người nhận và từng người cung cấp khác nhau đã bị biến tướng. Lâu nay, tất cả những cách ứng xử như che giấu thông tin thường sẽ dẫn đến tình trạng thông tin bị méo mó theo lăng kính của các giới, các đối tượng khác nhau.

Khi thông tin méo mó đó đã vượt tầm kiểm soát thì đã muộn, lúc đó có cố gắng cung cấp thông tin cũng khó làm thay đổi được tình hình. Khi chủ động, kịp thời thông tin một cách chính xác, trung thực thì người lãnh đạo, các tổ chức chính trị đã trang bị cho người dân một loại vaccine chống lại các loại thông tin xuyên tạc của những người có mưu đồ xấu.

Những người lãnh đạo khi không muốn thông tin chính xác, đúng bản chất cho người dân biết về một sự việc, một vấn đề nào đó, trước hết là do thói quen “tự vệ” của lối làm việc, lối sống “bế quan tỏa cảng” hằn sâu trong suy nghĩ đã có từ lâu; sau nữa là thói quen sợ trách nhiệm. Và trong một chừng mực nào đó, họ đang độc quyền thông tin để phục vụ cho những nhu cầu khác không vì lợi ích chung.
 
Những thói quen đó không mang lại lợi ích toàn cục, không làm xã hội phát triển. Bởi vì anh không thông tin thì người ta vẫn biết và biết với một góc độ khác với bản chất. Lúc đó đã trở nên nguy hiểm cho xã hội: Thông tin bị rối loạn, người dân bị hoang mang trước “mê hồn trận” của xa lộ thông tin toàn cầu và ít có khả năng từ chối.

Hệ thống giá trị xã hội là hệ thống mở, mọi người có quyền bồi đắp, bổ sung nó cho phong phú hơn. Hệ thống giá trị xã hội tiến bộ chỉ được tập hợp từ những thông tin chính xác, chân thực và kịp thời. Hệ thống giá trị tiến bộ cũng được tạo nên bởi chân lý. Mà chân lý lại xuất phát từ thông tin khách quan.

Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin của người lãnh đạo biểu hiện trách nhiệm của chính người đó với công việc của mình và trách nhiệm trước sự phát triển của xã hội. Không những thế, việc cung cấp thông tin như Bí thư Thành ủy Hà Nội nói là không chỉ cung cấp thông tin tích cực mà cả thông tin không tích cực. Đó là thông tin đa dạng nhằm tiến tới một nguồn thông tin đầy đủ, toàn diện và khách quan, từ đó người dân mới nhìn rõ được hai mặt của một vấn đề, hiện tượng.

Ví như chỉ đạo của vị Bí thư Thành ủy, hệ thống báo chí Hà Nội không chỉ chủ động thông tin những mặt tốt mà cả những mặt chưa tốt của thành phố. Như thế mới tạo nên động lực xóa bỏ cái chưa tốt, xây dựng cái tốt ngay trong thủ đô bằng sức mạnh của toàn dân.

Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính xác (cả mặt tốt và chưa tốt) thể hiện bản lĩnh và văn hóa của người lãnh đạo. Tuy nhiên, không phải người lãnh đạo nào cũng có thể làm được như vậy. Do đó, phải xây dựng cho được “văn hóa lãnh đạo” trong bộ máy cán bộ từ trung ương đến địa phương!

Tô Phán

(Theo Lao Động điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất