Thứ Sáu, 27/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 28/1/2010 22:19'(GMT+7)

Đại hội VI - Đại hội của Đổi mới

Kinh tế được điều tiết theo chuyển động thị trường - vấn đề tưởng như là nguyên lý nhưng đặt vào bối cảnh bắt đầu khởi động đổi mới năm 1986 khi đất nước đang lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, tình hình vô cùng phức tạp, khó khăn, mới thấy hết giá trị mang tính mở đường, tính mới mẻ và hiện đại của những chủ trương chưa từng có trong tư duy của những người Cộng sản.

Giáo sư Đào Xuân Sâm - khi đó có tham gia tổ nghiên cứu của Chủ tịch Hội đồng nhà nước Trường Chinh và tham gia soạn thảo báo cáo chính trị nhớ lại: Văn kiện Đại hội VI đã được chuẩn bị trong một thời gian dài, nhưng khi thấy không còn phù hợp, dù đại hội đã cận kể thì đã sửa lại gần như toàn bộ. Nếu thiếu sự quyết đoán lúc đó, Việt Nam chưa thể có được ngày hôm nay: "Đầu năm 1986, bản thảo cũ có thăm dò ý kiến của nhiều địa phương thì địa phương không đồng ý, cho là bảo thủ quá, không tiếp tục đổi mới. Chuẩn bị văn kiện đại hội VI rất khó vì đây là bước ngoặt về đường lối. Vì từ đại hội IV, xóa bỏ thị trường, kinh tế công hữu, sang đại hội VI chấp nhận kinh tế thị trường là một bước ngoặt về đường lối rất vướng mắc về tư tưởng lý luận. Trong Đảng, trong xã hội rất nhiều người đồng tình, cũng rất nhiều đồng chí lo lắng mất chủ nghĩa xã hội, rồi chệch hướng, nhưng phải nói là nhân dân rất phấn chấn".

Nhân chứng của đổi mới, các nhà sử học, kinh tế học cho rằng, đổi mới ở Việt Nam xuất phát từ sự năng động của nhân dân bắt đầu từ thực tế của gần 100 cuộc “phá rào” kinh tế trước đó. Tiêu biểu như chính sách khoán của Vĩnh Phúc tạo điều kiện cho người nông dân làm chủ trên đồng ruộng của mình; là mô hình phân phối thu mua ở Long An theo giá thỏa thuận, hay sự bung ra của TP.HCM với việc sử dụng thương nhân đứng ra thu gom những mặt hàng có thể xuất khẩu để trao đổi trực tiếp với nước ngoài…

Theo Giáo sư Hoàng Ngọc Hòa, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế và phát triển- Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia HCM: "Từ đại hội VI do thay đổi tư duy, tạo nên chuyển biến mạnh mẽ, mang tính đột biến, đột phá trong sản xuất nông nghiệp của nước ta, chuyển từ nước ta từ nước nông nghiệp thiếu đói sang xuất khẩu lương thực. Vượt qua cửa ải lương thực như vậy, nó tạo điều kiện cho chúng ta thành tựu mang dấu ấn thứ 2 là khắc phục lạm phát phi mã kéo dài từ chỗ 774% xuống còn 67% năm 1990, sau đó chúng ta kiểm soát lạm phát dưới 1 con số, bình ổn giá trị đồng tiền tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần quyết định".

Đổi mới, mở cửa nền kinh tế bắt nguồn từ đổi mới tư duy kinh tế. Lần đầu tiên, Việt Nam chấp nhận kinh tế nhiều thành phần, chấp nhận kinh tế thị trường. Kinh tế tư nhân từ chỗ bị kỳ thị sang có chỗ đứng hợp pháp. Chế độ tem phiếu không còn nữa. Thay vì phải xếp hàng cả ngày để mua hàng thì nay người ta mang hàng đến tận nhà - Người tiêu dùng được coi trọng. Hệ thống ngân hàng được cải tổ. Nói một cách khác thì cốt lõi của đổi mới là giảm sự can thiệp quá mức của nhà nước vào buôn bán kinh doanh và mở cửa nền kinh tế. Để có được sự quyết tâm đổi mới này lịch sử mãi ghi dấu ấn của những người đã dũng cảm “phá rào”- Họ, những đảng viên ưu tú đại diện cho Đảng đã cùng với nhân dân Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới hơn 20 năm trước. Và Đổi mới thành công khi những nhà lãnh đạo luôn theo sát nhịp sống và mạnh dạn hành động vì dân./.


(Theo VTV)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất