Việc Liên minh châu Âu (EU) ngày 22/12/2009 vừa qua phán quyết kéo dài thêm 15 tháng thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày mũ da của Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục gây phản ứng ngược chiều đối với những người có thiện chí nói chung và với người dân Việt Nam nói riêng.
Tuyên bố của người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói rõ, đó là một quyết định không công bằng, không hợp lý, không đúng thực tế, ảnh hưởng bất lợi tới những người lao động nghèo, chỉ tính riêng ở Việt Nam số người lao động trực tiếp trên lĩnh vực này là hơn 650.000 người.
Quyết định này cũng gây bất lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối, bán lẻ và người tiêu dùng ở châu Âu. Cần phải nói thêm rằng không đúng thực tế còn ở một khía cạnh khác. Đó là trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện đúng cam kết của EU cho nên nhiều nước trong EU rất có thiện chí với Việt Nam, thể hiện rõ nhất trong kỳ bỏ phiếu vừa qua, có tới 13 nước thành viên đã bỏ phiếu "chống", trong lúc đó chỉ có 10 nước bỏ phiếu ủng hộ.
Dư luận cho rằng, đó là sự đánh giá đúng thực tế hơn. Nhưng bởi vì EU coi 4 phiếu trắng cũng chính là 4 phiếu "chống" nên đã ra một phán quyết sai trái như trên. Dẫu đó là quy định của một tổ chức được mệnh danh là của các nước văn minh nhưng cũng khiến cho người ta nực cười. Rõ ràng đây là một quyết định đánh vào miếng cơm của người lao động nghèo khó ở Việt Nam và ở các nước khác. Nhưng tại sao EU vẫn cứ phán quyết?
Câu hỏi này đã được làm rõ phần nào qua phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, do lợi ích cục bộ của họ và lợi ích của một nhóm các nhà sản xuất của EU nên EU đã đưa ra phán quyết trên. Phải chăng miếng cơm của người lao động đã bị rút bớt, để dốc vào túi một số người mà chắc hẳn những người đó đã chi phối được EU.
Dư luận tiếp tục phản đối phán quyết này của EU và coi đó là biểu hiện sự thiếu công bằng. Không công bằng cho số đông được hiểu như thiếu tôn trọng nhân quyền. Bởi vì quyền được hưởng thành quả lao động của mình cũng là quyền lợi chính đáng của con người, là một biểu hiện của nhân quyền. Xâm phạm lợi ích đó chính là không tôn trọng nhân quyền. Đối với những người lao động nghèo thì sự xâm phạm đó càng đáng phê phán hơn.
Chúng ta cực lực phản đối phán quyết đó vì quyền lợi của người lao động đồng thời cũng mong một số nước trong EU sớm nhận ra sai lầm để tránh những hậu quả. Bởi, người lao động thì dù ở bất cứ nơi nào, khi quyền lợi bị tổn thương thì như dân gian Việt Nam đã nói: con giun xéo lắm cũng quằn, sau cùng cái rủi ro sẽ đến với người gây ra.
Thực tế là vừa qua ở một số nước trong EU đã xảy ra tình trạng hàng loạt công nhân của nhiều hãng đã đình công, biểu tình gây đình đốn sản xuất và ngưng trệ mọi hoạt động. Nguyên nhân chính là người lao động không được hưởng đúng thành quả lao động của mình, họ không được tôn trọng. Đó là một thực tế hơn ai hết EU phải nhận ra, có như thế chúng ta mới hy vọng EU sẽ có những phán quyết đúng đắn hơn để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.
Trong số 15 nước bỏ phiếu chống giày mũ da Việt Nam, rất có thể một số nước bị nhiễu loạn thông tin do bị một số kẻ xấu, một số tên phản động trong người Việt lưu vong lợi dụng vấn đề "dân chủ, nhân quyền" hoạt động chống phá Việt Nam. Lẽ ra đối với những công nhân da giày nghèo khó, đáng lẽ họ phải ủng hộ thì họ lại bỏ phiếu chống lại đời sống của họ. Trong khi đó, một vài kẻ tráo trở, chống phá, vi phạm pháp luật Việt Nam thì họ lại che chở, thậm chí còn đòi Nhà nước ta phải thế này, phải thế nọ, phải "nhân quyền", phải "dân chủ". Đó là điều không thể chấp nhận được.
Họ làm thế cũng chính là đi ngược lại những gì mà họ đã cam kết và đưa ra trong tuyên bố về dân chủ và nhân quyền do nước họ đưa ra.Có thể nói rằng, việc EU áp thuế 10% nhập khẩu đối với giày mũ da của Việt Nam, đánh vào số đông người lao động Việt Nam nên được coi là hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Những ai xâm hại đến quyền lợi số đông, kích động người vi phạm pháp luật Việt Nam thì không có quyền can thiệp đòi hỏi chúng ta về vấn đề nhân quyền. Bởi như thế là đánh tráo đối tượng. Hay nói một cách khác là "giả nhân giả nghĩa"./.
(Theo: CAND)