Bản lĩnh, trí tuệ của Đảng
PV: Thưa đồng chí, vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN thể hiện trong mọi thành công của cách mạng Việt Nam, xuyên suốt trong mọi thời kỳ của công cuộc đấu tranh giành độïc lập dân tộc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới và hội nhập. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn có ý kiến trái ngược của các thế lực thù địch, phản động muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
Nhà báo Hữu Thọ: Cách mạng Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn, thành công của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được thực tiễn xác nhận, Đảng ta không tự nhận cũng như không ai có thể phủ nhận điều đó.
Nhìn lại chặng đường lịch sử ở giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi mà cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thực sự bế tắc về đường lối, Bác Hồ của chúng ta hồi đó đã quyết định ra nước ngoài tìm đường cứu nước, sáng lập và rèn luyện Đảng ta, gánh trách nhiệm trước dân tộc. Tuy Đảng ta ra đời sau một số đảng Cộng sản ở Đông Nam Á và châu Á, nhưng chỉ trong vòng 15 năm sau khi thành lập Đảng ta đã chớp thời cơ, lãnh đạo toàn dân giành được chính quyền sớm nhất. Đó là một kỳ tích.
Sau Cách mạng Tháng Tám, chúng ta muốn hòa bình xây dựng nhưng tình thế bắt buộc chúng ta phải đi tiếp chặng đường 30 năm đấu tranh gian khổ giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Tiếp đó là chặng đường 20 năm đổi mới, với những thành tựu có ý nghĩa lịch sử về phát triển kinh tế - xã hội, xã hội đổi mới, đời sống nhân dân được nâng cao. Và mới đây, trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới thoát nhanh ra khỏi cuộc khủng hoảng, tốc độ phát triển kinh tế/xã hội của đất nước vẫn tăng trưởng ở mức hơn 5%.
Những thành tựu đó chứng tỏ bản lĩnh, trí tuệ của Đảng, mặt khác cũng khẳng định bản lĩnh của toàn quân, toàn dân, của doanh nhân yêu nước trưởng thành trong xã hội chúng ta. Một lần nữa, chúng ta khẳng định, bản lĩnh của Đảng ta xuyên suốt từ khi thành lập cho đến hôm nay, sự lãnh đạo của Đảng thể hiện trách nhiệm với toàn xã hội. Thực tế phát triển của đất nước đã khẳng định vị trí lãnh đạo của Đảng với đất nước, với dân tộc. Thực tế đó rất rõ ràng, người này người nọ muốn vu cáo, xuyên tạc thì cũng không thể được.
Chống tham nhũng: 2 vấn đề cần quan tâm
PV: Tham nhũng vốn là một thứ giặc nội xâm. Đảng ta quyết tâm chống tham nhũng. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh này cũng hết sức cam go. Đôi khi, trước một vài hiện tượng tham nhũng được phát hiện nhưng chưa xử lý kịp thời, rốt ráo, có người đã hoài nghi quyết tâm cũng như kết quả của cuộc đấu tranh này…
Nhà báo Hữu Thọ: Phải khẳng định Đảng ta hết sức quan tâm tới vấn đề chống tham nhũng, mà Bác Hồ là tiêu biểu cho sự quyết tâm đó. Nhớ lại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vào năm 1952, Người đã từng viết một bài báo phê phán tệ tham ô, lãng phí, Người xem đây là giặc nội xâm. Bài báo của Người chỉ rõ: tham ô là ăn cắp của dân; lãng phí làm thiệt hại còn lớn hơn tham ô. Tệ quan liêu đã bợ đỡ cho những kẻ tham ô, lãng phí. Chính vì vậy mà trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, Đảng ta luôn quan tâm tới vấn đề chống tham nhũng và cuộc vận động đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí mà Đảng ta phát động trong những năm vừa qua đã thu được những kết quả nhất định, nhiều vụ án tham nhũng lớn được phanh phui. Tuy nhiên, thực tế tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng, có lĩnh vực rất nghiêm trọng như nhận định trong NQ Trung ương 3 (khóa X) của Đảng.
Nhìn rộng ra, cũng có thể nói tham nhũng là một căn bệnh của toàn thế giới, cho nên họ phải họp bốn, năm lần hội nghị quốc tế về chống tham nhũng có hàng trăm nước tham gia. Thế giới quan tâm chống tham nhũng vì 2 lý do: nó làm méo mó quy luật của thị trường, dẫn tới sự cạnh tranh không bình đẳng; tham nhũng gây ra sự bất bình đẳng trong xã hội, từ đó làm xã hội mất ổn định.
Nhiều nhà khoa học và nhà chính trị trên thế giới đã tổng kết, nêu ra 3 nguy cơ đe dọa uy tín của đảng cầm quyền. Cùng với tham nhũng là nguy cơ kinh tế không phát triển, đời sống người dân gặp khó khăn; nguy cơ thiếu dân chủ và thiếu công bằng xã hội. Cả ba nguy cơ đó có thể gây ra tình trạng mất ổn định, gây bất bình trong xã hội. Ta cũng nêu lên các nguy cơ nhưng cũng nên tham khảo những kết luận đó.
PV: Quyết tâm đã rõ, nhưng cuộc đấu tranh này không hẳn đã dễ dàng...
Nhà báo Hữu Thọ: Cách đây nửa thế kỷ vào năm 1960 nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Bác Hồ đã nói “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Bác đã chỉ rõ với Đảng và với mỗi đảng viên phải không ngừng tu dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ trí tuệ và phong cách ứng xử thì mới có thể đủ trình độ và uy tín lãnh đạo đất nước.
Với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tôi thực sự quan tâm tới 2 vấn đề mà cuộc đấu tranh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cũng như mong mỏi của nhân dân. Thứ nhất là, toàn bộ các vụ việc tham nhũng hầu hết đều không do cơ sở Đảng phát hiện. Điều này chứng tỏ tính chiến đấu, tinh thần tự phê và tự phê bình của cơ sở còn rất yếu. Thứ hai là, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu vẫn chưa được làm rõ, chưa được xử nghiêm khi đơn vị của anh ta, hay cấp dưới của anh ta có liên quan tới tham nhũng. Thực ra, người đứng đầu cơ quan, đơn vị mà trong sạch, liêm chính thì anh ta sẽ tích cực kiểm tra không để cho đơn vị mình xảy ra tham nhũng. Người đứng đầu chưa nghiêm trọng việc kiểm tra nội bộ, có thể do bản thân người đứng đầu cũng dính vào tham nhũng, hoặc người đứng đầu sợ khui ra sẽ làm ảnh hưởng tới tập thể, tới vai trò lãnh đạo và thậm chí là ảnh hưởng tới con đường thăng tiến của anh ta.
Trước thực tế trên, theo tôi để cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả hơn nữa, đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân thì các biện pháp phòng chống, đấu tranh phải đồng bộ, quyết liệt hơn. Đó là: cán bộ, đảng viên phải không ngừng được giáo dục, rèn luyện nâng cao ý thức, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân; các quy định, luật pháp trong mọi lĩnh vực phải chặt chẽ, thủ tục hành chính phải thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, việc xử phạt phải nghiêm minh, nhất là với những người có trách nhiệm, không chấp nhận xử lý theo kiểu “nhẹ trên nặng dưới”. Cũng cần tham khảo một số nước khi họ thực hiện cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng bắt đầu từ phía trên, vì cấp trên trong sạch thì sẽ có điều kiện chỉ đạo, kiểm tra cấp dưới.
Đại hội Đảng khóa XI cũng đã sắp tới, tôi lại nhớ trong Hội nghị Trung ương khóa VIII đã thống nhất quy định: những đảng viên dù chỉ có dư luận, có biểu hiện tham nhũng thì cũng không đề nghị hay bầu vào cấp ủy. Bởi lẽ mặc dù anh chỉ có dư luận, chưa có bằng chứng để xử lý, nhưng vì có dư luận cho nên mọi người không yên tâm khi cử anh vào cương vị lãnh đạo, do đó kiên quyết không bầu vào cấp ủy. Chúng tôi cũng phải tranh luận gay gắt để có quy định đó, nhắc lại cũng là để cùng tham khảo./.
Nông dân vẫn chưa được hưởng hết thành quả đổi mới
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển của cách mạng, của dân tộc. Nhưng công nghiệp hóa phải có phương pháp, định hướng để không làm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa người nông dân và cư dân thành phố không cách nhau quá xa. Cần khẳng định rằng, vai trò của người nông dân là rất to lớn. Ngay như năm vừa qua, nông dân ta đã đóng vai trò tích cực trong việc giúp đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, khi mà giá trị sản xuất nông nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Xã hội công nghiệp phát triển cũng đồng nghĩa với việc các nhu cầu giải trí cao cấp cũng tăng theo, như chuyện phát triển sân golf chẳng hạn. Mở ra các nhu cầu giải trí là cần thiết, nhưng làm thế nào, bao nhiêu là vừa, chứ không thể lấy đất “bờ xôi, ruộng mật” của nông dân như một số dự án sân golf vừa qua. Công nghiệp hóa phải có giải pháp để nâng cao chất lượng đời sống người nông dân.
Công bằng mà nói trong 20 năm đổi mới, chúng ta đã dành nhiều sự quan tâm tới nông thôn và nông dân, nhưng vẫn có nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm tới cuộc sống của nông dân. GDP của đất nước trong những năm vừa qua luôn ở mức tăng khoảng 7%, nhưng GDP của nông nghiệp chỉ ở mức 3% - 4%.
Điều này cho thấy, người nông dân chưa thực sự được hưởng thụ đầy đủ các thành quả của công cuộc đổi mới, trong khi đó lực lượng nông dân chiếm tới 70% - 80% dân số. Như vậy, công tác lãnh đạo, quản lý cũng có phần thiếu sót./.
(Nhà báo HỮU THỌ) |
(Nguồn: SGGP)