(TCTG) - Quan niệm sinh con trai để nối dõi, làm trụ cột gia đình, nuôi bố mẹ đã có từ lâu, đặc biệt đối với một xã hội thuần nông. Còn bây giờ, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và thế giới phẳng, tâm lý sinh con trai có còn là áp lực mạnh mẽ ?
Theo số liệu thống kê của Chi cục Dân số-KHHGD tỉnh Hòa Bình, Hòa Bình là 1 trong 10 tỉnh cao nhất cả nước về mất cân bằng giới tính, chiếm 116,9%, tập trung tại các huyện như Cao Phong, Lương Sơn… Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó chi Cục trưởng Cục Dân số KHHGĐ, cho biết, Hòa Bình là tỉnh có 70% là người dân tộc thiểu số, do đó việc mất cân bằng giới tính xét ở góc độ văn hóa truyền thống nguyên nhân cơ bản là do bất bình đẳng giới. Trong đó, việc trọng nam khinh nữ, muốn có con trai nối dõi là tâm lý lâu đời của các gia đình. Đánh giá khách quan, theo bà Phương việc ưa thích con trai là đương nhiên. Có con trai để nối dõi, chống gậy và con gái là con người ta, nên dù xã hội phát triển, người ta vẫn thích con trai.
Nói về chuyện sinh con trai hay con gái, theo ông Ngô Văn Lý - Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Hòa Bình, với một tỉnh có nhiều dân tộc như Hòa Bình việc tỷ lệ mất cân bằng giới tính giữa các dân tộc không chênh lệch nhiều. Đối tượng sinh con thứ ba đa số thuộc về các thành phần không khó khăn về kinh tế mà hầu hết lại tập trung vào đối tượng khá giả. Quan niệm sinh con trai để nối dõi, làm trụ cột gia đình, nuôi bố mẹ là quan niệm cũ vì thế hệ trẻ đi làm ở khắp nơi tại các tỉnh, thành phố cho nên việc con cái sau này nuôi dưỡng, phụng sự bố mẹ cũng khó thực hiện được vì điều kiện công việc của con cái.
Còn theo đánh giá của ông Nguyễn Huy Lâm- Giám đốc Trung tâm kế hoạch hóa gia đình TP Hòa Bình, nhiều cặp vợ chồng vẫn sinh con thứ 3, mặc dù họ biết được làm như vậy là không đúng nhưng vẫn cố tình vi phạm. Ngay cả đội ngũ làm cộng tác viên dân số, cán bộ chuyên trách công tác dân số có làm công tác tư tưởng, tư vấn nhưng nhiều cặp vợ chồng vẫn kiên quyết giữ ý định sinh con. Tỷ lệ sinh con thứ ba có chiều hướng tập trung vào số đối tượng khá giả, vì thế cho nên để làm truyền thông về dân số cũng cần phải thay đổi thông điệp và hình thức để phù hợp với thực tế hơn.
Vậy làm thế nào để hạn chế sinh con thứ ba, đặc biệt việc sinh con thứ ba chỉ tập trung vào những gia đình muốn có con trai, đây là một câu hỏi không hoàn toàn đơn giản. Theo anh Phạm Thế Hùng (Phường Chăm Mát – Hòa Bình) vợ chồng anh khi sinh con thứ ba lúc chị 41 tuổi, khi được đứa con trai, anh như thấy nhẹ cả người, vô tư không lo nghĩ vì giờ mình có thằng nối dõi. “Chính quyền muốn xử lý thế nào cũng được” anh Hùng tâm sự.
Yếu tố tâm lý muốn có con trai nối dõi cộng với khoa học kỹ thuật phát triển đã tạo điều kiện cho một số cặp vợ chồng có điều kiện lựa chọn giới tính cho con. Việc siêu âm phân biệt giới tính là một trong những nguyên nhân, cộng thêm thông tin sinh con trai hay con gái đầy rẫy trên mạng Internet, trên sách báo cũng giúp cho việc chênh lệch giới tính đối với trẻ sơ sinh ngày càng tăng. Theo bà Phương, ngay ở lần sinh thứ nhất nhiều cặp vợ chồng đã lựa chọn giới tính nam cho con mình, chung quy cũng chỉ vì “có thằng chống gậy, không phải lên chùa”.
Theo ông Ngô Văn Lý, hiện nay 90% cộng tác viên về dân số là nữ giới, còn lại nam giới hầu như đang đứng ngoài cuộc. Trong khi đó, chính nam giới mới là đối tượng chịu sức ép của bố mẹ là phải sinh con trai. Do đó, đội ngũ cộng tác viên là nữ đi tiếp cận với nam cũng khó hơn. Ông Lý cho rằng, hình thức truyền thông sắp tới muốn hiệu quả hơn nên chọn cộng tác viên là nam giới. Tuy nhiên, phụ nữ cũng có thuận lợi riêng. Trên thực tế, chúng ta đang duy trì giảm mức sinh, cho nên phải truyền thông nhiều biện pháp tránh thai, mà biện pháp cho nữ nhiều hơn nam, đương nhiên đối tượng truyền thông là nữ nhiều hơn. Bên cạnh đó, ông Lý dẫn dắt, chế tài chúng ta thực ra đã có rồi, như Pháp lệnh dân số năm 2003; việc cấm lựa chọn giới tính khi sinh bằng bất kỳ hình thức nào. Nghe chừng thì dễ làm nhưng làm sao kiểm soát được? Rất khó. Để phạt được rất khó. Khó hơn nữa là rất nhiều gia đình sẵn sàng chịu phạt, hạ lương, kỷ luật, không đề bạt, có hề chi khi họ đã thỏa mãn được sự mong đợi của gia đình, dòng họ.
Nhìn từ góc độ từ cơ sở, theo đánh giá của ông Nguyễn Huy Lâm, cần có chiến lược thay đổi truyền thông đối với công tác dân số, nếu không sau 20-30 năm nữa, số thanh niên nam nhiều hơn nữ, hệ lụy sẽ vô cùng lớn. Chính vì thế ngay từ bây giờ, cần nghiên cứu các chiến lược truyền thông, các thông điệp cổ vũ việc bình đăng giới, nam nữ như nhau. Theo ông Lâm, cần tích cực tuyên truyền vai trò, trách nhiệm của nữ giới đồng thời phải tạo môi trường để thay đổi thói quen, tập quán đối với việc thờ cúng chỉ có ở con trai. Ông Lâm viện dẫn ở Hòa Bình, một số dân tộc có truyền thống lấy họ mẹ cho con, đó cũng là nét đẹp cần phát huy.
Một số chuyên gia, cộng tác viên làm công tác về dân số cũng cho biết, để hạn chế sự mất cân bằng giới tính, điều chủ yếu là phải thay đổi phong tục tập quán cũ. Có thay đổi phong tục tập quán, nhưng tư tưởng cựu thủ, lỗi thời sẽ mai một, từ đó dẫn đến việc bình đăng giới. Mà thay đổi phong tục tập quán, không gì khác là thay đổi nếp sống, nếp nghĩ, thói quen, để làm được điều đó, truyền thông về dân số phải đi trước.
Bên cạnh đó, để việc triển khai việc bình đẳng giới đi vào thực tiễn, cần có lộ trình dài và rất cần có sự tham gia đồng bộ của các cơ quan trong việc phối hợp thực hiện từ cấp tỉnh đến các cấp huyện, xã. Ngoài ra, việc truyền thông cần được thay đổi nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế hiện tại để thay đổi được hẳn quan niệm về bình đẳng giới… Có như vậy, công tác bình đẳng giới tại Hòa Bình sẽ đạt được kết quả khả quan, để góp phần cho sự phát triển kinh tế- xã hội, an sinh xã hội trong tỉnh./.
Tuấn Đạt