Chủ Nhật, 22/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Năm, 20/8/2009 17:6'(GMT+7)

“Cơn lốc đầu mùa" báo hiệu trận "Bão thép"


Cuốn tiểu thuyết viết về quá trình hình thành, chiến đấu, phát triển và trưởng thành của một binh chủng đặc biệt: Binh chủng Tăng-Thiết giáp.

Mở đầu cuốn sách, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt xoáy vào người đọc hàng loạt câu hỏi mà chính Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đặt ra cho Quyền Tư lệnh Binh chủng Tăng-Thiết giáp Đào: Xe tăng, thiết giáp có được sử dụng ở chiến trường miền Nam hay không? Sử dụng với quy mô nào? Dưới hình thức nào? Địa hình Việt Nam ba phần tư là đồi núi, chủ yếu là đèo cao đốc đứng, phần còn lại là đồng bằng lúa nước, nền đất yếu, nhiều sông ngòi... làm sao tăng thiết giáp với trọng lượng lớn như vậy có thể cơ động và phát huy sức mạnh được?

Những câu hỏi đó khiến Tư lệnh Đào nung nấu mãi trong đầu một suy nghĩ: Tác chiến xe tăng ở chiến trường Việt Nam không thể giống châu Âu hay Trung Quốc. Vậy: Phải tìm ra một cách đánh riêng cho xe tăng thiết giáp Việt Nam. Để làm được điều này, trước hết phải nghiên cứu kỹ về lịch sử quân sự, đặc biệt lưu ý các trận đánh trong lịch sử trước đó bằng xe tăng. Thứ hai, phải nghiên cứu tình hình địa hình, phân loại địa hình và đánh giá về khả năng sử dụng xe tăng ở từng khu vực. Sau đó là nghiên cứu về địch, cách bố phòng, hệ thống công sự vật cản và vũ khí chống tăng. Ngoài ra, cần nghiên cứu đến khả năng đảm bảo kỹ thuật, đảm bảo cơ động, đảm bảo phòng không... của ta.

Bản báo cáo đầu tiên nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ Đại tướng Tổng Tư lệnh, Tư lệnh chiến trường miền Nam và cũng có nhiều ý kiến phản hồi khá gay gắt, nhiều câu hỏi khá hóc búa từ đại diện các cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Hậu cần, Cục Khoa học quân sự, Tổng cục 2... Sức thuyết phục của bản báo cáo, kể cả những câu "trả lời phản biện" xuất sắc đã mở ra một trang sử mới cho Binh chủng Tăng-Thiết giáp.

Tiếp đó, là những ngày tháng cán bộ Binh chủng Tăng lăn lộn với từng kế hoạch cụ thể đến chi tiết, tỉ mỉ. Làm sao để xe tăng ra được chiến trường, chiến đấu và chiến thắng? Bao nhiêu khó khăn đặt ra trước mắt: Chọn xe gì? Tổ chức quy mô lực lượng chiến đấu như thế nào? Hành quân ra sao? Chọn địa bàn tác chiến thế nào?

Khó khăn chồng chất khó khăn, phải lần gỡ từng mối một. Ấy vậy mà lòng người, ai ai cũng âm ỉ một niềm vui mới: Sắp được ra chiến trường đi chiến đấu? Đó cũng chính là điểm thành công của tác giả khi thoát ra khỏi lối viết bám theo tư liệu lịch sử khô cứng. Người đọc ngầm nhận thấy nỗi "tủi thân" của những chiến sĩ của một Binh chủng "to xác" nhưng vẫn phải ở lại hậu phương "trông nhà" qua bài báo tường: "Tiếng súng Đông - Xuân đã nổ rồi/ Ông Đào cùng lính vẫn ngồi chơi/ Ngày ngày vác búa đi gõ mối/ Tủi lính xe tăng Thủ trưởng ơi". Rồi tâm trạng hồ hởi của Tư lệnh Đào khi ông thông báo cho chiến sĩ: "À, cậu sửa lại bài thơ Tết năm ngoái đi nhé. Sắp được đi đánh nhau rồi đấy".

Sắp được đi đánh nhau, có nghĩa là người lính tăng sẽ để lại hậu phương những khoảng trời thương nhớ. Nhưng chiến trường miền Nam đang cần những bánh xích nghiền nát quân thù. Người lính tăng trong trang sách của Nguyễn Khắc Nguyệt cũng giống như bao người lính sắp ra trận, ngổn ngang tâm trạng.

Trận đánh mà bao nhiêu con người mong mỏi là trận đánh cực kỳ quan trọng, thành hay bại của nó sẽ có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của lực lượng Tăng-Thiết giáp Việt Nam trong tương lai. Để đến được với thời điểm quan trọng ấy, những chiến sĩ Binh chủng Tăng-Thiết giáp đã trải qua những ngày tháng gian khổ đưa xe vào tập kết chiến trường trong điều kiện địa hình phức tạp, họ luôn phải đề phòng và tránh xa con mắt soi mói của máy bay, trinh sát, biệt kích địch, tránh những trận bom tọa độ dày đặc cày nát cả một vùng rừng núi kéo dài từ đường Chín đến Khe Sanh, Huội San. Những chiến sĩ của Đoàn 198 và Trung đoàn bộ binh 9 đã chiến đấu và anh dũng hy sinh để bảo vệ xe vào chiến trường được an toàn.

Tiếp đó, Nguyễn Khắc Nguyệt dẫn dắt người đọc cùng với những người lính tăng tiếp cận cứ điểm Tà Mây-Huội San.

Chưa kịp thở phào với chiến thắng Tà Mây lại tiếp tục với nỗi hồi hộp trong trận Làng Vây. Từ đây, ngòi bút của Nguyễn Khắc Nguyệt cày ngang dọc trên trang giấy. Ta có thể cảm nhận được những nhịp thở dồn dập dõi theo đường hành quân của xe, nỗi lo cháy bỏng khi tăng bị sa lầy trên đường tiếp cận mục tiêu, những sáng kiến tài tình chợt bật ra trong đầu những chiến sĩ tăng khi gặp khó khăn.

Gần nửa cuốn sách, tác giả dành cho diễn biến của hai trận đánh liên tiếp. Người đọc có những lúc căng như dây đàn theo bước chân người lính tăng và diễn biến trận đánh. Nhưng có những lúc trầm tư trong khoảng lặng: đó là chi tiết nhiều đêm Tư lệnh Đào thức trắng dõi theo chiến trường; đó là những lúc Tham mưu trưởng Dương giấu cơn đau dạ dày hành hạ để lăn lộn cùng chiến sĩ; là những đêm bộ đội hành quân qua bản Vân Kiều, ngậm ngùi xót xa khi thấy đồng bào mình nghèo đói quá. Những người dân ấy lại chính là những "trinh sát thực thụ" đưa bộ đội đi quan sát địa hình, tiếp cận mục tiêu.

Một trong những thành công của nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt là mặc dù bám theo những sự kiện, diễn biến trận đánh nhưng anh luôn chú tâm xây dựng những hình tượng văn học không chỉ có ý nghĩa đối với riêng bộ đội tăng thiết giáp mà lớn lao hơn, đó là biểu tượng về cái đẹp của lòng yêu nước, là ý chí, bản lĩnh của người lính tăng thiết giáp góp phần tạo nên sức mạnh Việt Nam: "Trên mặt nước bàng bạc nổi lên một hàng cọc tiêu. Bên cạnh mỗi cọc tiêu là một cái đầu chỉ hở từ cổ lên. Không nhìn rõ mặt người, chỉ thấy hàm răng trắng bóng đang cười và một cánh tay đang vẫy. - Sao không cắm xuống mà lại đứng giữ thế kia? - Đáy.. sông toàn... đá, nước chảy... mạnh, không... giữ thì... đổ. - Lạnh lắm phải không? - Lạnh... nhưng không sao! Đánh... thắng... nhé! Nhã đứng chết lặng trên ghế trưởng xe. Mắt anh dân dấn nước...". Và: "Cân mở cửa lái xe và nhô đầu lên. Hình ảnh đầu tiên cậu nhìn thấy là bóng dáng hùng dũng của chiếc xe tăng trên nóc sở chỉ huy. Một cái gì đó dội lên trong lồng ngực cậu. Cân nghẹn ngào thốt lên: - Đẹp quá! Kiêu hùng quá!".

Và đây nữa, hình ảnh Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp trong niềm vui chiến thắng: "Quân ta đã thắng! Tiểu đoàn xe tăng 198 đã thắng! Binh chủng Thiết giáp đã thắng! Cuộc thử nghiệm đầu tiên đã thành công!... Ông nhắm mắt mường tượng ra viễn cảnh những đoàn xe tăng nối nhau vào chiến trường Trị Thiên, Khu Năm, tây Nguyên, Miền Đông và Nam Bộ. Rồi chính những chiếc xe tăng ấy sẽ là lực lượng đột kích mạnh dẫn dắt các lực lượng binh chủng hợp thành phá vỡ từng mảng thành lũy của địch cho đến dinh lũy cuối cùng...".

Vâng, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt muốn gửi đến cho bạn đọc một thông điệp: Binh chủng Tăng Thiết giáp "hễ ra quân là đánh thắng, đã nổ súng là tiêu diệt địch giòn giã".

Nguyễn Khắc Nguyệt là một người lính lái xe tăng thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 trong đội hình tham gia đánh chiếm Dinh Độc lập. Những trang viết của anh mang đầy hơi thở chiến trường, có sức đằm của bánh xe, có chất rắn của sắt thép, có lửa - ngọn lửa thép trong trái tim người lính tăng, góp phần làm cháy bùng lên cơn "Bão thép" của dân tộc Việt Nam.

TRẦN NGỌC ĐOÀN-QDND
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất