Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Năm, 20/8/2009 16:30'(GMT+7)

Trồng người

Mặc dù chỉ tồn tại hơn 20 năm (1954 - 1975), nhưng kết quả đạt được của mô hình giáo dục này vô cùng to lớn và những kinh nghiệm, bài học của nó để lại cho ngành giáo dục Việt Nam nói riêng, chiến lược con người nói chung là hết sức quý báu, rất cần được tiếp tục nghiên cứu, khai thác. Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời quan tâm đến việc "trồng người" cho cách mạng và cho các thế hệ mai sau. Nhà văn Nguyễn Gia Nùng chính là người đề xuất và chủ biên bộ sách Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (gồm ba tập, hơn 2.000 trang khổ lớn do NXB Chính trị Quốc gia xuất bản trong các năm 2000, 2002, 2004) và hiện nay nhà văn đang tham gia nhóm tác giả hoàn thành biên soạn bộ sách Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc - thực tiễn lịch sử - thành quả và bài học.

Từ vốn sống và nguồn tư liệu phong phú, đồ sộ như những vỉa quặng quý, Nguyễn Gia Nùng đã chọn cho mình một cách phản ánh độc đáo. Tiểu thuyết của anh không hướng vào ca ngợi, biểu dương những con người có hoàn cảnh thuận lợi, những "hạt giống đỏ" nhiều thành đạt trong cuộc sống mà chọn số phận của những "hạt lép", tuy rất ít ỏi trong vườn ươm đó. Trong cuộc sống, dù được nuôi dưỡng, giáo dục, đào tạo trong môi trường chung hết sức thuận lợi, nhưng khi vào đời, không thể ai cũng thành đạt như nhau. Có người gặp thuận lợi, may mắn. Có người gặp khó khăn, thử thách với không ít rủi ro. Nhưng "lửa thử vàng, gian nan thử sức". "Chất thép" thật sự của con người lại thường bộc lộ rõ nhất trong những thử thách gian nan. Nhân vật "hạt lép" trong tiểu thuyết của Nguyễn Gia Nùng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường với tính cách riêng, không chịu gò bó theo các khuôn mẫu định sẵn, đã bị coi là "học sinh cá biệt". Khi ra trường, mặc dù giỏi chuyên môn, có nhiều đóng góp rất đáng được ghi nhận trong các công tác được giao nhưng vẫn không thể được đề bạt gánh những trọng trách vì "có nghi vấn trong lý lịch" do bố mẹ ở lại hoạt động ở miền nam bị nghi là "chiêu hồi" theo địch. Từng là đội phó kỹ thuật của Ðoàn địa chất góp phần tìm ra quặng quý cho đất nước, tham gia đoàn tàu không số chở vũ khí cho miền nam, suýt hy sinh trên biển, nhưng khi đất nước hòa bình, vẫn chỉ với hai bàn tay trắng, phải làm lại cuộc đời hầu như từ số 0. Cuộc đời riêng cũng lận đận, không may mắn... Vậy mà cuối cùng vẫn không gục ngã, không đầu hàng số phận, vẫn ngẩng cao đầu vươn lên, tự khẳng định mình trong cuộc sống và thiết tha muốn có những đóng góp tốt nhất để lại cho đời, trong đó có ước mơ cháy bỏng là xây dựng được một ngôi trường mơ ước cho trẻ em nghèo, gặp khó khăn nhất trong cuộc sống. Cùng với "hạt lép" là các nhân vật gần gũi, gắn bó với anh như Hai Hoàng, Trần Huân, Lành  "ngổ", Nhã Tiên, cô học sinh miền bắc Chu Thị Lụa... mỗi người một hoàn cảnh, tính cách, số phận nhưng đều có nét chung là giàu nghị lực, vững bước đi lên trong cuộc sống bằng chính đôi chân của mình.

Với lối viết chân thật, giản dị như chỉ đóng vai người kể chuyện đơn thuần, cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, gây xúc động với người đọc bởi từng trang viết đều thấm đẫm tình người, những câu chuyện được dẫn dắt bởi ngòi bút trữ tình, tài hoa của người viết. Tôi cũng là một cán bộ quân đội tập kết ra bắc sau 1954, có hai cháu nhỏ gọi bằng cậu ruột được ra học ở trường miền nam, cùng nhiều bạn thân của tôi như nhà văn Phạm Tường Hạnh, nhạc sĩ Trương Quang Lục,... có con em đưa ra học ở miền bắc cho nên những gì liên quan đến việc ăn ở, học hành của học sinh miền nam  trên đất bắc cũng rất gần gũi, thân thiết với chúng tôi. Ðọc sách của Nguyễn Gia Nùng, tôi đã phải dừng lại ở nhiều trang vì xúc động, như được sống lại cùng con em mình những năm tháng không thể nào quên trên đất bắc, với bao kỷ niệm đẹp không thể phai mờ của những ngôi trường đặc biệt, với sự quan tâm chăm sóc chu đáo của Bác Hồ, Ðảng, Nhà nước, các địa phương và tấm lòng đùm bọc, yêu thương của đồng bào miền bắc trong những năm tháng nhiều khó khăn, thử thách.

Nhà văn Nguyễn Gia Nùng đã dành nhiều tâm huyết để hoàn thành cuốn tiểu thuyết này. Hơn 40 năm trước, ở tuổi 30, Nguyễn Gia Nùng đã thành công với tiểu thuyết Sao băng - cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về ngành Giao thông vận tải và những cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ. Nay đã vượt qua tuổi "xưa nay hiếm", nhà văn lại cho ra mắt một cuốn tiểu thuyết dày dặn từ một đề tài lớn lần đầu được khai thác, nhưng được viết theo cách riêng với một góc nhìn độc đáo, giàu tính nhân văn, quả là một đóng góp quý, rất đáng được ghi nhận và trân trọng. Và như bài thơ Bóng cây Kơnia của Ngọc Anh: "Mẹ hỏi cây Kơnia - Rễ mày uống nước đâu - Uống nước nguồn miền bắc". Ðó cũng là một cách để nhớ đến cội nguồn, nhớ ơn đồng bào miền bắc đã hết lòng vì miền nam ruột thịt trong chính sách "trồng người" của Bác.


Nhà văn ÐOÀN MINH TUẤN-NhanDanDT

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất