Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Sáu, 31/7/2009 22:1'(GMT+7)

Giáo dục để thành nhân

Đề kiểm tra học kỳ II môn giáo dục công dân lớp 10 ở một trường THPT có các câu hỏi trắc nghiệm như thế này: câu 3: Lương tâm tồn tại ở mấy trạng thái?; câu 7: Yêu đương quá sớm là điều nên tránh thứ mấy trong tình yêu?; câu 12: Nuôi dưỡng và giáo dục con cái là chức năng thứ mấy của gia đình?

Đây là đoạn mở đầu của chuyên đề “Môn giáo dục công dân trong trường phổ thông: Khó, khô và... khổ” đăng trên tuần báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 21-09, ra ngày 31-5-2009. Những người được hỏi đều cho biết đã bật cười dù không vui chút nào khi đọc qua đoạn văn trên.

Có điều gì không nghiêm túc trong đề kiểm tra này? Thật ra cách ra đề là rất nghiêm túc, nhưng ai cũng bật cười vì từ cách ra đề ấy, thiên hạ nhận ra rằng các môn đạo đức, giáo dục công dân, vốn phải là những môn học của cảm xúc, của trải nghiệm, nhưng hiện nay lại được giảng dạy răm rắp trong nhà trường theo đúng kiểu lý thuyết của một hệ thống khái niệm. Chuyện này giống hệt như thay vì cho con trẻ leo lên yên để tập chạy xe đạp, người lớn lại kỳ công giảng giải cho chúng học thuyết về sự cân bằng!

Nhưng căn bệnh nô lệ kiến thức nào chỉ có ở nước ta! Đọc Giáo dục vì cuộc sống (*), chúng ta sẽ thấy hiện ra một câu chuyện toàn cầu, khi nhân loại thường đánh đồng giữa trí khôn và kiến thức, độc tôn lối giảng dạy lý thuyết đi kèm với việc xem nhẹ những kinh nghiệm trực tiếp từ đời sống, chăm bẳm đào tạo những năng lực kỹ thuật mà đánh mất các giá trị tinh thần... Các nền giáo dục hiện đang bị điều khiển bởi ước muốn của các bậc cha mẹ.

Người lớn muốn con cái sau này làm gì? Bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân, nhà lãnh đạo, nhà khoa học, hoặc sẽ làm vợ của những nhân vật kể trên? “Bởi vì đa số các bậc cha mẹ muốn con mình có được thuận lợi về vật chất, nên hệ thống giáo dục hiện đại được triển khai chủ yếu dựa theo mục tiêu này. Rất ít quan tâm, nếu không muốn nói là không có sự quan tâm, được dành cho việc giúp học sinh sinh viên thành nhân”.

Hai chữ thành nhân, theo cách tác giả J. Donald Walters trình bày trong sách, đòi hỏi “thực hành một hệ thống giáo dục chuẩn bị cho trẻ em có bản lĩnh đối đầu với những thử thách của cuộc sống, chứ không chỉ giúp trẻ có được việc làm hoặc thực hiện những đeo đuổi về mặt trí tuệ”, và “toàn bộ cuộc sống là giáo dục, một nền giáo dục không chỉ giới hạn trong những năm tháng đến trường”. Đó cũng chính là mục đích của tác phẩm được các chuyên gia giáo dục của Mỹ đánh giá là “hiện tượng sư phạm hiếm có” này.

Bằng một định nghĩa đơn giản đến bất ngờ nhưng hết sức xác đáng về sự trưởng thành: “Khả năng liên hệ một cách phù hợp với những thực tiễn khác ngoài thực tiễn của cá nhân mình”, Giáo dục vì cuộc sống mở ra cho các nhà giáo, các bậc cha mẹ, các nhà hoạt động xã hội nhận diện cái làm nên sự trưởng thành của một con người không nằm đâu khác ngoài chính bản thân con người, với bốn công cụ: năng lượng thể chất và sự tự kiềm chế bản thân (1), sự bình ổn cảm xúc và tình cảm mở rộng (2), sức mạnh năng động và sự kiên trì của ý chí (3), trí tuệ sáng suốt và thực tế (4).

Sự phát triển của một con người phụ thuộc vào sự phát triển toàn vẹn và hoàn thiện của cả “công thức” bốn mặt trên, không được bóp méo hay thổi phồng một mặt nào. Và bằng cách chỉ ra các giai đoạn trưởng thành của trẻ với những năm tháng đặt nền móng, những năm phát triển tình cảm, ý chí, tư duy, Giáo dục vì cuộc sống bàn đến chương trình học trong nhà trường, gợi ý về việc nhân bản hóa cách giảng dạy từ toán, lịch sử đến cả ngoại ngữ. Cuốn sách đề xuất mô hình những ngôi trường mang tên Ananda, theo tiếng Phạn, đó là niềm vui.

Giáo dục vì cuộc sống còn là một cuộc đối thoại về nghệ thuật sống dành cho mọi người, xứng đáng xếp chung ngăn sách với Sống đẹp của Lâm Ngữ Đường, Hành trình nội tại của Osho, dù đó không phải là mục đích chính của tác giả - một nhà giáo, nhà văn, nhà thuyết giảng, nhà hoạt động xã hội, nhà soạn nhạc, và một nhiếp ảnh gia, trong tác phẩm này.

DUYÊN TRƯỜNG-Tuoi Tre Online

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất