Các đại biểu tham dự lễ mít tinh đánh giá cao công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.
* Chiều 17/5, Tổ chức Hoà bình và Đoàn kết toàn Ấn (AIPSO) đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức trọng thể lễ mít tinh kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ nước ta Nguyễn Thanh Tân đã điểm lại tiểu sử, quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại sứ nhấn mạnh tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho mọi thế hệ ở Việt Nam. Đại sứ cũng nêu bật quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Jawaharlal Nerhu đặt nền móng và được các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công công vun đắp.
Các đại biểu tham dự lễ mít tinh đánh giá cao công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, nêu bật tình cảm sâu đậm giữa Ấn Độ và Việt Nam qua các thời kỳ kháng chiến cũng như trong quan hệ ngoại giao gắn bó giữa hai nước hiện nay.
* Nhân kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chỉ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2012) Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN Viện Viễn Đông, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga tổ chức Hội thảo khoa học thực tiễn mang tên “Những vấn đề cấp bách của ngành Việt Nam học” với trọng tâm là các vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa Liên bang Nga và Việt Nam.
Đây là hội thảo hàng năm lần thứ 3 do Viện Viễn Đông tổ chức. Tại Hội thảo lần này, diễn ra trọn 1 ngày, các đại biểu tập trung trao đổi các vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa Liên bang Nga và Việt Nam.
Hội thảo được chia làm 2 phần. Phần một của Hội thảo mang tên “Việt Nam Hiện đại” được tiến hành theo chủ đề “Quan hệ Nga-Việt: Thực trạng và triển vọng”.
10 tham luận của các nhà nghiên cứu Nga, chuyên về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, tập trung đề cập những nội dung như: Đối tác chiến lược Nga-Việt chứa đựng những vấn đề gì; làm sao để phát triển mối quan hệ này cũng như triển vọng của nó ra sao trong thời gian tới.
Ngoài ra các vấn đề liên quan đến cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Nga, quan điểm và mối quan tâm của Liên bang Nga đối với các vấn đề tại khu vực Đông Nam Á, khu vực biển Đông cũng như châu Á-Thái Bình Dương cũng được đề cập.
Phần hai của cuộc hội thảo mang tên “Việt Nam truyền thống”. Hơn 10 tham luận của các nhà khoa học đề cập những nghiên cứu liên quan đến lịch sử Việt Nam, trong đó có những vấn đề liên quan đến quan hệ giữa 2 nước Nga và Việt Nam từ những năm của nửa cuối thế kỷ 19, cũng như những vấn đề ngôn ngữ, giao thoa ngôn ngữ và văn hoá thông qua các tác phẩm văn hoá nghệ thuật của các tác giả Việt Nam.
Đánh giá về ý nghĩa cuộc Hội thảo, Quyền Giám đốc Viện Viễn Đông – GS.TS sử học Luzianhin nêu rõ: Hội thảo được tổ chức hàng năm đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh của vị chủ tịch đầu tiên của Nhà nước Việt Nam độc lập- đồng chí Hồ Chí Minh là hoạt động hết sức có ý nghĩa. Hội thảo tích luỹ và thu lượm được những điều quan tâm, những sự chú ý mang tính nghiên cứu xã hội chính trị bổ sung quan trọng. Cũng dễ hiểu rằng, hình mẫu cải cách của Việt Nam hiện nay đang thu hút sự chú ý của các nhà khoa học Nga và thế giới. Hình mẫu này có những đặc điểm thú vị, có triển vọng và rất quan trọng./.
(Theo: TTXVN, VOV)