(TCTG)-Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nguy cơ rình rập về an toàn giao thông còn rất nặng nề, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn xảy ra, kể cả đường thủy, đường sắt và đặc biệt là trên hệ thống quốc lộ như quốc lộ 1A, gây tử vong, thương tích, thiệt hại tài sản công cộng lớn
Chiều 17/5, Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã họp về công tác trật tự an toàn giao thông dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban.
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia , 4 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 3.660 vụ tai nạn, làm chết trên 3.100 người, bị thương 2.700 người, giảm trên 900 vụ, gần 700 người chết, 830 người bị thương so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ từ ít nghiêm trọng trở lên xảy ra hơn 3.400 vụ, làm chết trên 3.000 người, bị thương trên 2.600 người; tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 149 vụ làm chết 79 người, bị thương 98 người; đường thủy xảy ra 33 vụ, chết 51 người.
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tình hình trật tự an toàn giao thông trong 4 tháng đầu năm đã chuyển biến theo hướng tích cực, tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm mạnh cả 3 tiêu chí liên tục trong 4 tháng. Các bộ ngành địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phục vụ tốt sự đi lại của nhân dân và an toàn trong dịp lễ 30/4, 1/5. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm, số người chết do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao, tai nạn đường thủy xảy ra liên tục trong tháng 4/2012, tăng về số người chết so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông thời gian qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ trong việc tổ chức giao thông, xây dựng các công trình giao thông tĩnh để tránh tai nạn và ùn tắc, đặc biệt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Một số địa phương đã có những mô hình mới điển hình nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông như Quảng Ninh thí điểm mô hình “Cựu chiến binh tự quản an toàn giao thông”, Hội Nông dân Bến Lức (Long An) kết hợp với công an huyện thực hiện chương trình an toàn giao thông với chủ đề “đường quê an toàn”…
Phó Thủ tướng cũng biểu dương các lực lượng vũ trang, đặc biệt là Bộ Quốc phòng đã làm gương trong thực hiện an toàn giao thông, rất ít cán bộ chiến sỹ vi phạm luật an toàn giao thông; Bộ Công an đã chỉ đạo rầm rộ, vào cuộc quyết liệt, liên tục thực hiện các đợt cao điểm để chỉ đạo công tác an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông từ Tết đến nay.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì nguy cơ rình rập về an toàn giao thông còn rất nặng nề, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn xảy ra, kể cả đường thủy, đường sắt và đặc biệt là trên hệ thống quốc lộ như quốc lộ 1A, gây tử vong, thương tích, thiệt hại tài sản công cộng lớn. Một số vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn còn phổ biến như không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện; xe khách chở quá tải vẫn diễn biến phức tạp trên tuyến quốc lộ; chưa xử lý triệt để xe đón khách ngoài bến. Ùn tắc giao thông cục bộ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa giải quyết được mặc dù đã triển khai nhiều công trình cầu vượt rất quy mô.
Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các cấp, các ngành cần triển khai đồng bộ Nghị quyết 88/NQ-CP và chương trình hành động của Năm An toàn giao thông, trong đó trước mắt cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động, đi vào chiều sâu trong vận động quần chúng, hội viên, học sinh, sinh viên, tuyên truyền mạnh mẽ hơn đến thôn xóm, gia đình, thực hiện nghiêm túc việc thông báo người có hành vi vi phạm về an toàn giao thông trên các phương tiện truyền thông. Về lâu dài cần quy hoạch, đầu tư công trình giao thông tĩnh để phục vụ tránh ùn tắc và bảo đảm an toàn, tăng cường các phương tiện giao thông công cộng…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh lực lượng công an cần trang bị thêm phương tiện, tăng cường tuần tra xử phạt liên tục, đặc biệt trên tuyến quốc lộ 1A và các tuyến quốc lộ liên quan; phạt nặng, phạt đúng người, đúng việc hơn nữa, tránh dễ dãi, quen biết nể nang. Bên cạnh đó, tháo gỡ một số chính sách chế độ cho cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông, tiền xử phạt để lại chủ yếu cho lực lượng công an bởi họ phải làm ngày đêm vất vả, rất cần được quan tâm hơn. Đây cũng là điều cần thiết để chống lại tiêu cực trong lực lượng. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu làm nhanh một số công trình giao thông, cầu vượt để giải quyết ách tắc, tai nạn giao thông, giải quyết ngay một số văn bản quy phạm pháp luật để có chế tài xử lý nghiêm hơn các hành vi vi phạm an toàn giao thông./.
TH tổng hợp