Trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân đang là bài toán khó đặt ra cho các địa phng. Tại Thanh Hoá nhiều huyện, thị đã và đang lựa chọn giải pháp phát triển làng nghề, ngành nghề mới để thực hiện tiêu chí này. Giải pháp này đã mang lại hiệu quả thiết thực, tuy nhiên phát huy, phát triển làng nghề, ngành nghề mới cũng đang gặp rất nhiều khó khăn cần được tháo gỡ kịp thời.
Trong những năm qua, tại Thanh Hoá, ngoài những làng nghề truyền thống thì nhiều nghề mới, làng nghề mới đã được hình thành góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn của tỉnh. Các sản phẩn làng nghề gắn với sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp như chiếu cói, chế biến mắm, hải sản, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ... Việc phát triển các làng nghề và ngành nghề ở địa phương mở ra hướng mới, thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn lúc nông nhàn, thậm chí nhiều địa phương ngành nghề mới đã trở thành nguồn thu nhập chính, đồng thời bổ trợ cho các hộ nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, Thanh Hoá hiện có 472 làng nghề, cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn, trong đó có 103 làng nghề truyền thống, số còn lại được nhân cấy hoặc du nhập từ các địa phương khác. Những năm qua, các ngành nghề ở khu vực nông thôn trong tỉnh có bước phát triển cả về quy mô và giá trị sản xuất. Toàn tỉnh hiện có gần 26.000 hộ dân nông thôn tham gia sản xuất ngành nghề và 121 cơ sở sản xuất ở các làng nghề có quy mô. Thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh, số hộ, cơ sở sản xuất đang thu hút, tạo việc làm cho hơn 156.000 lao động, chiếm 7,1% tổng số lao động trong các thành phần kinh tế. Tại một số địa phương vẫn phát huy được các ngành nghề truyền thống, tạo được chỗ đứng và uy tín trên thị trường, giải quyết việc làm ổn định cho số đông lao động như: nghề dệt chiếu cói ở Nga Sơn, nghề đúc đồng ở Thiệu Trung (Thiệu Hoá), nghề mây tre đan Hoằng Thịnh (Hoằng Hoá), nghề rèn ở Tiến Lộc (Hậu Lộc)... Bên cạnh đó, một số nghề mới đang được du nhập và từng bước phát triển rộng như thêu, đan móc hộp, dệt len, thảm xơ dừa, chế tác đá trang sức... Đây được xem là một trong những yếu tố giúp các địa phương thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, việc khôi phục làng nghề truyền thống và phát triển làng nghề, ngành nghề mới ở Thanh Hoá còn nhiều bất cập. Thực tế cho thấy quy mô của đại đa số các sơ sở ngành nghề nông thôn trong làng nghề là nhỏ, chủ yếu quy mô hộ, thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu, chậm đổi mới. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn còn hạn chế, chưa có sự liên kết bền vững giữa các khâu: sản xuất nguyên liệu, chế biến tiêu thụ. Tại nhiều địa phương nghề mới phát triển theo hướng tự phát, thiếu quy hoạch dẫn đến các vấn đề nảy sinh như ô nhiễm môi trường, phát triển thiếu bền vững. Mặt khác, qua khảo sát tại các làng nghề, cơ sở sản xuất thì ở đây lao động thủ công là chính, phần lớn không qua đào tạo, chủ yếu dựa vào "cha truyền con nối". Ở nhiều làng nghề truyền thống nhưng người làm nghề chưa thực sự sống với sản phẩm làng nghề. Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của làng nghề, cơ sở sản xuất ở nông thôn là chất lượng và thương hiệu của sản phẩm chưa thực sự được chú trọng, sức cạnh tranh yếu. Vốn của đại đa số các cơ sở ngành nghề nông thôn, hộ làng nghề là vốn tự có và rất hạn chế, khó đáp ứng được các yêu cầu về đầu tư phát triển sản xuất, trong khi phần lớn các cơ sở nhỏ khó tiếp cận được với các ngồn vốn vay ưu đãi. Nhìn chung các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn còn ở mức độ trung bình do các cơ sở chưa áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm, còn nặng về số lượng, thiếu tính sáng tạo, độc đáo. Bên cạnh đó, nhiều làng nghề mới chỉ biết tập trung sản xuất, chưa chú trọng khâu tiếp thị, kinh doanh, sản phẩm làm ra đến được khách hàng phải qua nhiều khâu trung gian. Sự gắn kết giữa sản xuất với kinh doanh và cung ứng nguyên liệu chưa chặt chẽ, còn xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán, ép giá ở nhiều nơi. Khi chuyển sang cơ chế thị trường hầu hết các làng nghề truyền thống đều bị thu hẹp sản xuất, nhiều làng nghề đã bị mai một. Thêm vào đó, việc đào tạo nghề cũng chưa chú ý đến công tác đào tạo nghề theo mô hình làng nghề mà chỉ đào tạo theo nhu cầu trước mắt.
Xác định phát triển nghề truyền thống, du nhập nghề mới là một trong những giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho nhân dân, tỉnh Thanh Hoá đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục những khó khăn trên. Tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề tại các địa phương về đất đai, mặt bằng sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút lao động, đào tạo lao động. Trong đó, một số chính sách ưu đãi cụ thể như: các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp mới thành lập, hoặc mở rộng sản xuất tuyển dụng mới từ 100 lao động (đối với khu vực 1), 70 lao động (đối với khu vực 2) và 50 lao động (đối với khu vực 3) trở lên theo hình thức hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động từ 12 tháng trở lên, đảm bảo việc làm ổn định và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của Luật Lao động thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ 1 lần 1 triệu đồng cho 1 lao động để bổ sung vào vốn sản xuất kinh doanh. Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp có nhu cầu đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân được ưu tiên tham gia các chương trình, dự án đào tạo của tỉnh và được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các chương trình, dự án đào tạo của các tổ chức, hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp. Các địa phương, cơ sở tiểu thủ công nghiệp tổ chức đào tạo, dạy nghề cho 30 lao động trở lên (thời gian đào tạo tối thiểu là 2 tháng), đảm bảo ổn định việc làm cho người được dạy nghề từ 12 tháng trở lên được ngân sách tỉnh hỗ trợ một lần 400.000 đồng/1 lao động. Tổ chức, cá nhân sáng tạo mẫu mã hàng hoá mới được thị trường chấp nhận, được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp. Tổ chức, cá nhân cải tiến công cụ sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp hoặc chế tạo công cụ mới được thị trường chấp nhận, được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích, phát minh sáng chế...
Để làng nghề, ngành nghề nông thôn được phát triển bền vững, thiết nghĩ bên cạnh những cơ chế, chính sách trên, tỉnh Thanh Hoá cần quan tâm đến các làng nghề bằng các giải pháp cụ thể như chính sách tạo nguồn vốn dễ tiếp cận, giúp đỡ giải quyết ô nhiễm môi trường, đồng thời xây dựng một số doanh nghiệp đầu tàu về các lĩnh vực ngành nghề có thế mạnh của tỉnh. Cần tập trung đào tạo lao động theo hướng đào tạo thợ giỏi, chuyên sâu, đổi mới hình thức thiết kế mẫu mã sản phẩm, nâng cao nghiệp vụ quản trị kinh doanh cho các chủ cơ sở sản xuất, chủ doanh nghiệp. Việc đào tạo cần gắn với xây dựng các mô hình liên kết sản xuất giữa Nhà nước-doanh nghiệp-người học nghề... Đặc biệt cần nhân rộng và phát triển mô hình "mỗi làng một sản phẩm" với xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thành công việc xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương./.
Nguyễn Mai Hương - TTXVN