Chủ Nhật, 22/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Tư, 26/3/2014 8:25'(GMT+7)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội*

PGS. Trần Tuấn Thanh – Anh hùng Lao động giới thiệu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Công nghệ chế tạo bộ đôi cao áp, vòi phun 1985. Ảnh Tư liệu ĐHBKHN

PGS. Trần Tuấn Thanh – Anh hùng Lao động giới thiệu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Công nghệ chế tạo bộ đôi cao áp, vòi phun 1985. Ảnh Tư liệu ĐHBKHN

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là nhà quân sự tài ba, nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa lớn mà còn là nhà giáo, nhà khoa học. Từ khi còn trẻ, Đại tướng đã là một trí thức yêu nước và ngay khi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN) mới thành lập (tháng 10 năm 1956), Đại tướng đã có mối quan hệ mật thiết, gần gũi và gắn bó với tầng lớp trí thức Việt Nam như Giáo sư Tạ Quang Bửu, Giáo sư Trần Đại Nghĩa, là Hiệu trưởng những thời kỳ đầu tiên của Trường. Ai ai cũng kính trọng, yêu quý Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ngược lại Đại tướng cũng rất quan tâm, tin tưởng vào năng lực của các nhà trí thức đó.

Khi nhận giữ chức vụ Phó Thủ tướng phụ trách khoa học - kỹ thuật, Đại tướng nhận thấy rằng, Văn phòng Chính phủ chưa có cơ quan nào phụ trách và nghiên cứu về khoa học kỹ thuật nên đã chủ trương thành lập Vụ Khoa học - Kỹ thuật, Vụ 10 (gọi tắt là “V10”). V10 đã tập hợp được lực lượng cán bộ cốt cán từ các trường đại học lớn, trong đó có 5 cán bộ của Trường ĐHBKHN. Những nhà khoa học được đào tạo cơ bản như: PTS Nguyễn Văn Hưởng - Chủ nhiệm Khoa Xây dựng, ĐHBKHN (Đảng ủy viên), sau là Phó Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng lên làm Thứ trưởng phụ trách V10; PTS Trịnh Bá Hữu (ĐH Tổng hợp Hà Nội- nay là ĐH Quốc gia); PTS Nguyễn Văn Tâm (cựu sinh viên khoá 1 Khoa Cơ khí, ĐHBKHN, sau phục vụ trong Quân đội), PGS.TS Nguyễn Giảng cựu sinh viên khóa I, Khoa Cơ khí, ĐHBKHN…

Do đã có mối quan hệ với đội ngũ trí thức, khoa học - kỹ thuật từ rất sớm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hình thành nên các chủ trương chiến lược phát triển khoa học - kỹ thuật. Đại tướng hòa nhập vào công việc không chỉ với tư cách một nhà lãnh đạo, một nhà hoạch định chiến lược mà còn như một thành viên của tập thể các cán bộ nghiên cứu khoa học của trường. Đại tướng rất quan tâm đến lực lượng cán bộ khoa học - kỹ thuật và đề nghị phải có những cuộc giao ban, hội ý  giữa các trường đại học. Lúc bấy giờ rất nhiều cuộc hội thảo, bàn luận, báo cáo khoa học - kỹ thuật quan trọng đều diễn ra ở Hội trường lớn Bách Khoa (Hội trường C2 bây giờ) và hầu như Đại tướng đều có mặt, đến dự trong không khí dân chủ, bình dị, gần gũi  thân thiết. Khi cán bộ khoa học phát biểu, Đại tướng chăm chú lắng nghe. Nhiều người nhận xét rằng: Đại tướng không những có tài thuyết phục, động viên trí thức nói lên suy nghĩ quan điểm của mình để đóng góp cho sự phát triển đất nước mà còn là người rất khiêm tốn, biết lắng nghe, gợi mở - “biết nói để người khác nghe và biết nghe người khác nói”. Đại tướng yêu cầu các nhà khoa học nên có ý kiến đóng góp xây dựng trong cuộc họp, không nên ngồi im, thờ ơ hoặc vô trách nhiệm đối với công việc.

Sau này có nhiều người ghi lại những ký ức không thể quên về những buổi làm việc của Đại tướng với ĐHBKHN. Có một buổi, khi làm việc ở Hội trường lớn, Đại tướng yêu cầu GS Hà Học Trạc cho biết: “Những ai là chủ chốt trong ngành cơ khí của trường và họ có hợp tác với nhau để làm việc không?”. Sau khi Hiệu trưởng trả lời, Đại tướng nói: “Tôi biết Trường ĐHBKHN hiện nay có ba người đứng đầu ngành cơ khí, nếu thống nhất hợp tác làm việc thì khoa sẽ phát triển rất vững mạnh”. Có lần PGS Trần Tuấn Thanh được Bộ và nhà trường cử đến 30 Hoàng Diệu gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để bàn về phát triển khoa học công nghệ. PGS Trần Tuấn Thanh và Phó vụ  trưởng Vụ Công nghệ (Uỷ ban Khoa học kỹ thuật - nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) đến ngồi đối diện với Đại tướng. Hai người nói gì Đại tướng đều ghi chép hết sức cẩn thận, chi tiết, bởi vì Đại tướng muốn tìm hiểu sâu hơn về khoa học kỹ thuật. Đang ghi chép, Đại tướng bỗng đặt bút xuống bàn và nói: “Theo Bách khoa toàn thư, từ điển Larousse thì công nghệ là Technologie gồm hai phần: Techné và Logos, theo chữ hy lạp có nghĩa là: kỹ thuật liên quan đến nghề nghiệp và lý thuyết (tức là lý luận về các kỹ thuật nghề nghiệp)”, rồi quay sang hỏi thầy Thanh: “Anh có đồng ý không?”. Đại tướng lại nói tiếp: “Như hiện nay, công nghệ phải hiểu là gì? Nước ta đang ở trình độ nào? Chúng ta phải hiểu đúng khái niệm khoa học - kỹ thuật chứ không nên dùng tràn lan” và Đại tướng liên hệ với thực tiễn của ĐHBKHN. Sự đúng đắn trong nhận thức của Đại tướng là luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn. Đại tướng luôn khuyến khích, nhắc nhở các cán bộ giảng dạy đại học phải vừa tư duy lý luận vừa vận dụng thực tiễn, vừa dạy tốt, vừa học tốt. Hơn nữa, Đại tướng còn quan tâm đến việc đề nghị Uỷ ban Khoa học - Kỹ thuật cung cấp kinh phí cho các trường đại học. Nhờ vậy, việc nghiên cứu khoa học đã bắt đầu được triển khai trong các nhà trường.

Nhận thức được sự quan tâm sát sao của Đại tướng, lãnh đạo Trường ĐHBKHN đã chủ trương đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ cho sản xuất và chiến đấu. Vì vậy, từ việc chỉ chủ trì những đề tài nhỏ cấp cơ sở, các nhà khoa học, giáo viên, cán bộ công nhân viên của trường đã mạnh dạn chủ trì nhiều đề tài cấp nhà nước. Khi đến thăm trường, Đại tướng đã rất phấn khởi có nhiều lời khen ngợi các công trình khoa học. Đại tướng đặc biệt chú ý tới đề tài “Phương pháp và tổ chức rà phá bom từ tính thuỷ lôi và bom từ trường" (đế quốc Mỹ rải xuống nước ta nhằm cô lập Cách mạng Miền Nam trong những năm 1972-1973). Công trình này do GS.TS Vũ Đình Cự chủ trì cùng tập thể một số nhà khoa học các khoa Vô tuyến điện, Tự động hoá, Vật lý, Hoá học và nhiều khoa khác… kết hợp với các chuyên gia, kỹ thuật viên của Bộ Giao thông và Bộ Quốc phòng thực hiện. Đề tài được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1998).

Thầy Thanh xúc động kể lại rằng: Năm 1972, do yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã chỉ thị thành lập một đề tài cấp nhà nước mang mã số N-03.76. Nhiệm vụ đề tài là phải nghiên cứu chế tạo các bộ đôi siêu chính xác về vòi phun và bơm cao áp của động cơ diesel cho ôtô và xe tăng. Đây là đề tài cấp Nhà nước đầu tiên mà Trường ĐHBKHN được Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước tin tưởng trực tiếp giao cho (theo công văn số 1817). Việc thực hiện thành công đề tài này có ý nghĩa to lớn, nó không chỉ mở đầu cho việc kết hợp lý luận với thực tiễn mà còn đặt nền móng cho việc xây dựng một nền công nghệ cơ khí chính xác của Việt Nam. Đó là một vinh dự lớn ,trách nhiệm nặng nề và là một thời kỳ đáng nhớ của Trường ĐHBKHN, Khoa Cơ khí và nhiều khoa khác. PTS Hà Nghiệp (Bộ môn dao cắt) chủ nhiệm đề tài trong thời gian đầu và PGS Trần Tuấn Thanh là Phó Chủ nhiệm đề tài, chịu trách nhiệm lập đề cương thực hiện.

Khi bắt đầu triển khai đề tài, dụng cụ và phương tiện để làm rất thô sơ, chỉ có một cái thước lá (thước làm bằng thép mỏng), trong khi đó yêu cầu về độ chính xác của sản phẩm đòi hỏi rất cao, lên tới 0,001 mm (1/1000 mm) và 0,0005 mm (0,5/1000 mm). Tuy  nhiên, với sự quyết tâm cao, ý chí kiên cường và tinh thần vượt mọi khó khăn, chạy đua với thời gian của hàng trăm cán bộ (trong đó có tới 20 PTS, nhiều kỹ sư, cán bộ phục vụ… của các Khoa Cơ khí, Luyện kim, Hoá học và nhiều khoa khác…) nên năm 1975, sản phẩm đã được ra đời và đến năm 1978 đề tài hoàn thành xuất sắc, kịp thời phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Đề tài được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Kể từ năm 1975 đến nay, hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường đã có những bước phát triển mới, vượt bậc cả về bề rộng lẫn chiều sâu, mang lại hiệu quả về nhiều mặt cho trường và cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Chúng ta lại bồi hồi nhớ lại, tỏ lòng thành kính biết ơn sự quan tâm và những lời căn dặn ân cần của Đại tướng đối với nhà Trường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sống mãi trong trái tim mỗi cán bộ và sinh viên Trường ĐHBKHN./.


ThS. Lương Phương Thảo
Khoa Lý luận chính trị, ĐHBKHN

* Bài viết này ghi theo lời kể của: PGS Trần Tuấn Thanh, cựu sinh viên Khoá I Khoa Cơ khí, giảng viên Khoa Cơ khí, Anh hùng Lao động và PGS Nguyễn Giảng, nguyên Phó Chủ nhiệm, Bí thư Đảng uỷ Khoa Chế tạo máy, cựu sinh viên Khóa 1 Khoa Cơ khí ĐHBKHN..


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất