Thứ Bảy, 27/7/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Năm, 4/1/2018 9:21'(GMT+7)

Những cấp độ... ăn bớt

 

Ngày cuối tuần rảnh rỗi, tôi đến chơi nhà bác cựu chiến binh cùng tổ dân phố. Ông vốn là lính đặc công từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giờ xấp xỉ tuổi “xưa nay hiếm” mà vẫn nặng lòng với nhân tình thế thái. Đang nhâm nhi, chuyện trò với ông bên ấm trà nóng, thì bà vợ từ dưới bếp vào phòng khách nói với chồng đầy vẻ bức xúc: “Đúng là con mụ bán thịt trâu điêu toa. Bán cho người ta chỉ 1 kg thịt trâu thôi mà cân thiếu cả lạng rưỡi. Tính ra, tự dưng mình mất oan những hơn ba chục nghìn đồng. Bực mình thật! Phải quay lại chợ vạch mặt cái mụ ăn gian nói dối ấy!”. Như để “hạ hỏa” tâm trạng của bà vợ đang “bốc lên... ngùn ngụt”, giọng ông ân cần: “Thôi... thôi... tôi xin bà bớt nóng. Các cụ nói rồi, “thật thà cũng thể lái trâu” mà lị. Người ta buôn bán mà không có hành vi tiểu xảo thì lấy đâu ra lời lãi để nuôi con cái. Chốn chợ búa đông người, mong mà đừng làm ồn ĩ chuyện lên, chả hay ho gì đâu. Một điều nhịn chín điều lành. Mình chịu thiệt tí chút cũng là cách giúp họ sinh kế mà”. Thấy ông nhà khuyên nhủ như vậy, bà vợ xuống giọng: “Tôi nể lời ông mà bỏ qua chuyện đấy, nhưng mà chưa hết ấm ức đâu!”.

Khi bà vợ ra khỏi phòng khách, ông chia sẻ với tôi: “Đấy cháu thấy không, người tiểu thương ăn bớt 1-2 lạng khi cân đong, khách hàng bị mất ít thì dăm bảy nghìn, nhiều thì vài ba chục nghìn đồng. Của đau con xót, tự dưng mất tiền oan, ai mà không bực mình cơ chứ. Nhưng dẫu sao, cái thứ ăn bớt đó cũng chẳng thấm vào đâu so với nhiều thứ ăn bớt khác mà người dân và xã hội đang phải gánh chịu”. “Đó là thứ ăn bớt gì, thưa bác?”, tôi hỏi. Ông bảo: “Ăn bớt à, nó có nhiều cấp độ lắm”. Rồi ông lần lượt kể cho tôi nghe về những “cấp độ... ăn bớt” mà ông từng suy ngẫm, trăn trở khi nhìn vào các vấn đề xã hội hiện nay.

Thứ nhất là ăn bớt chế độ, tiêu chuẩn. Có những người thực thi công vụ đã lợi dụng khe hở của luật pháp và sự thiếu thông tin, hiểu biết của dân để ăn bớt chế độ, tiêu chuẩn của người khác. Sự ăn bớt này thực chất là ăn bớt mồ hôi, công sức của dân và làm cho khoảng cách giàu- nghèo thêm doãng ra, vì kẻ đi ăn bớt thì mỗi ngày giàu hơn, còn người bị ăn bớt dễ lâm vào cảnh khó khăn. Thế nên bà con vẫn xì xào to nhỏ với nhau, “quan tham, dân tàn” cũng một phần bắt nguồn từ cái sự ăn bớt vô liêm sỉ này.         

Thứ hai là ăn bớt thời gian làm việc hành chính. Đó là một bộ phận cán bộ, công chức có thái độ, tác phong làm việc cà kê, lơ là, chểnh mảng, hay “buôn dưa lê” và “nấu cháo... điện thoại” trong giờ hành chính, thậm chí có những người thường xuyên “đi muộn, về sớm”, không làm đủ, làm đúng, làm hiệu quả trong 8 giờ “vàng ngọc”. Việc ăn bớt thời gian tưởng như ít vô hại, nhưng thực tế đã gây lãng phí lớn về thời giờ nhà nước, tác động tiêu cực đến kỷ cương công vụ và xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, liêm chính, vì dân. Cái thứ ăn bớt này đã khiến ngân sách nhà nước tăng thêm một khoản không nhỏ để nuôi bộ máy, mà thực chất là người dân phải “gánh” thêm thuế má để phục vụ những cán bộ, công chức làm việc công thì ít, mà “ngồi chơi, xơi nước, tán gẫu” thì nhiều.

Thứ ba là ăn bớt chủ trương, chính sách. Hầu hết chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành đều đúng và phù hợp với lòng dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Thế nhưng, trong quá trình tổ chức thực hiện, một số nơi, một số người thừa hành công vụ đã tùy tiện hạ thấp mục tiêu, “bào mòn” phương hướng, tiết giảm nhiệm vụ, cắt xén giải pháp, thế nên chủ trương, chính sách không được thực hiện đầy đủ, đến nơi đến chốn. Cái sự ăn bớt này thực chất đã làm biến dạng, méo mó chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Và đây chính là một trong những mầm mống gây nên sự suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.     

Sau khi nói về các cấp độ của sự ăn bớt, bác cựu chiến binh trải lòng với tôi: Xưa nay ông bà ta vẫn răn dạy con cháu, khôn ngoan chẳng lọ thật thà. Suy cho cùng, con người hơn nhau ở hai chữ “trung thực”, vì trung thực là bản tính cốt lõi của một nhân cách đàng hoàng, tử tế. Với những tiểu thương mà ăn bớt một hai lạng của khách hàng đã là điều rất đáng chê trách. Nhưng với những người được học hành cơ bản, có trình độ hiểu biết hơn dân, có địa vị trong xã hội và được hưởng lương từ ngân sách như cán bộ, công chức mà vẫn có thái độ, hành vi ăn bớt chế độ, tiêu chuẩn của dân; ăn bớt thời giờ của công; thậm chí ăn bớt cả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì càng phải phê phán. Bởi ba cái sự ăn bớt này nếu không được ngăn chặn, giảm thiểu và để nó tích tụ lâu ngày sẽ trở thành một hệ lụy không thể xem thường đối với vận mệnh sơn hà, xã tắc!./.

 

TTX
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất