Thứ Bảy, 14/9/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Năm, 4/1/2018 14:21'(GMT+7)

Coi trọng tính trung thực trong giáo dục

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Nói về tâm lý, các nhà giáo đều muốn có thành tích tốt trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học; còn học sinh, sinh viên luôn muốn có kết quả cao trong kiểm tra, thi cử. Đó cũng là mục đích, là động lực phấn đấu để thầy, trò không ngừng cống hiến, trưởng thành và tiến bộ. Tuy nhiên, nếu không nỗ lực dạy thực chất, học thực chất mà vẫn muốn có kết quả tốt thì đó là biểu hiện lệch lạc, động cơ biến tướng trong phong trào thi đua. Cùng với đó, tâm lý háo danh của nhiều phụ huynh chỉ vì muốn con mình có được “giải thưởng nọ, danh hiệu kia” cũng vô hình trung làm cho bệnh thành tích trở nên nặng nề hơn ở nhiều cơ sở giáo dục.

Ngành giáo dục đã có cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” từ năm học 2006-2007. Cuộc vận động này thời gian đầu mang lại hiệu ứng tích cực trong toàn ngành. Tuy nhiên, thời gian qua, bệnh thành tích trong giáo dục không những không được “chặn đứng” mà còn lan ra nhiều nơi với nhiều biểu hiện mà chính lãnh đạo ngành giáo dục đã thừa nhận: Đó là sự thiếu trung thực trong học tập, giảng dạy, kiểm tra, thi cử và nghiên cứu khoa học; nể nang, dễ dãi trong bình bầu, xếp loại thi đua-khen thưởng; tổ chức trao thưởng phô trương, lãng phí, không phù hợp với môi trường giáo dục; thậm chí có thái độ bao che khuyết điểm, yếu kém… Bệnh thành tích không những làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và bảo đảm sự công bằng trong giáo dục mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các thầy, cô giáo và tác động không thuận đến niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục.

Đề cập đến giáo dục là đề cập đến chuyện dạy làm người, học làm người. Khi nói đến giáo dục cũng là nói đến tính mô phạm, nghĩa là sự mẫu mực, khuôn thước để mọi người noi theo. Vì vậy, khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục suy cho cùng là phòng chống, ngăn ngừa, giảm thiểu những suy nghĩ và việc làm không trong sáng, lành mạnh gây tổn hại đến tính mô phạm của môi trường học đường. Mặt khác, khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục thực chất là phòng, chống sự giả dối vốn là căn nguyên sâu xa tác động tiêu cực đến nhân cách nhà giáo và học sinh, sinh viên.


Một trong những phẩm chất làm người ý nghĩa nhất mà bất cứ bậc phụ huynh và thầy cô giáo nào cũng đều dạy bảo con em, học sinh của mình ngay từ lúc còn nhỏ là đức tính trung thực. Một trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi là “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã đề ra mục tiêu giáo dục học sinh có đủ 5 phẩm chất cần thiết là “Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm”. Như vậy, khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục cũng không ngoài mục đích củng cố, khẳng định lại giá trị trung thực vốn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hình thành, xây dựng, bồi đắp nhân cách cho học sinh, sinh viên-thế hệ chủ nhân tương lai của nước nhà.

Một nền giáo dục tiến bộ trước hết phải được bắt nguồn từ môi trường giáo dục lành mạnh, trung thực, văn minh. Muốn vậy, bản thân các nhà giáo phải thực sự là tấm gương mẫu mực về lòng trung thành, phẩm giá công tâm, tư cách trung thực và cống hiến hết mình vì sự nghiệp "trồng người". Khi thầy cô luôn nghiêm khắc với chính mình, không dễ dãi, cả nể với việc kiểm tra, đánh giá kết quả của học sinh, sinh viên; đồng thời rèn luyện phong cách giản dị, lối sống lành mạnh, nói “không” với mọi biểu hiện phô trương, hình thức… thì sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi được bệnh thành tích trong giáo dục. Việc các nhà trường coi trọng, đề cao và thể hiện tính trung thực trong mọi hoạt động giáo dục sẽ góp phần nuôi dưỡng, lan tỏa đức tính tốt đẹp đó vào tâm hồn học sinh, sinh viên./.

Thiện Văn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất