Trước đây, nhân dân thực hiện giám sát chính quyền và cán bộ, đảng viên thông qua MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Quyết định số 217-QÐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị khóa XI về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và theo các quy định của pháp luật.
Sự giám sát của nhân dân đã đem lại những kết quả quan trọng. Tại TP Hà Nội, từ sự giám sát, góp ý và phản ánh của nhân dân, các quận, các phường trên địa bàn đã xử lý dỡ bỏ nhiều lều lán, công trình vi phạm. Phường Phú Thượng phát huy vai trò giám sát của nhân dân bằng cách chụp ảnh tất cả các thửa đất xen kẹt, các khu đất công có thể bị lấn chiếm, chuyển cho khu dân cư theo dõi. Ở tỉnh Tây Ninh, nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, đã giám sát các lĩnh vực nhạy cảm như quản lý đất đai, dự án, quy hoạch, thu phí và phát hiện nhiều sai phạm, từ đó các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ...
Vừa qua, Ban Bí thư T.Ư Ðảng đã ban hành Quyết định số 99-QÐ/TW ngày 3-10-2017 về ban hành hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc T.Ư tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Nhân dân giám sát các cấp chính quyền đã khó, giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý còn khó hơn. Trong khi đó, nội dung góp ý, giám sát theo Quyết định số 99 của Ban Bí thư rất rộng, từ trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công tác tổ chức, cán bộ, cho đến các kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra… Có thể nói, việc Ðảng tin tưởng đề nghị MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân góp ý và giám sát đối với cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên đã thể hiện thái độ cầu thị, tư tưởng "lấy dân làm gốc" trong điều kiện mới.
Để làm tốt việc này, các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan nhà nước cần cụ thể hóa hướng dẫn khung của Ban Bí thư thành các quy định cụ thể, tạo điều kiện, tổ chức cho nhân dân có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần kiên quyết xử lý người có hành vi cản trở hoạt động giám sát hoặc trả thù, trù dập người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Nếu như cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng các quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về công khai, minh bạch thông tin, tạo điều kiện cho các tổ chức đoàn thể và người dân giám sát, thì việc giám sát của nhân dân sẽ đem lại hiệu quả cao.
Hà Hồng Hà/Nhân dân