Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 11/6/2012 16:54'(GMT+7)

Công nghệ “thổi” sự kiện!

Những đánh giá, nhận định trên chẳng những không phù hợp với thực tế chính trị giữa hai quốc gia, mà chỉ gây ra những căng thẳng về chính trị giữa các nước trong khu vực, làm ảnh hưởng đến ổn định trong khu vực, nhất là trên Biển Đông.

Vậy chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ là bình thường hay có gì đặc biệt?

Trải qua gần 17 năm, kể từ khi Mỹ chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 12-7-1995), mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ  đã có những cải thiện đáng kể trên các phương diện. Song quan hệ đó vẫn chưa phải thật sự là bình thường. Hoa Kỳ vẫn còn phân biệt đối xử với Việt Nam trên nhiều vấn đề trong đó có thương mại. Cho đến nay Hoa Kỳ chưa công nhận Quy chế kinh tế thị trường (MES) của Việt Nam, chưa dành cho Việt Nam ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP)… Đó là chưa kể tới những khác biệt trên lĩnh vực dân chủ và nhân quyền.

Sự phát triển quan hệ quốc tế giữa Việt Nam với các quốc gia nói chung, với Hoa Kỳ nói riêng, nằm trong đường lối chung và đường lối đối ngoại của Việt Nam được các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, X, XI của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định. Đó là Việt Nam “Nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”[1].

Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta lần này nằm trong thỏa thuận Việt Nam– Hoa Kỳ về trao đổi các cuộc viếng thăm của quan chức quốc phòng hai nước. Năm 2009, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước ta đã thăm Hoa Kỳ... Thời điểm chuyến đi lần này của Bộ trưởng Panetta còn gắn với việc ông tham dự Đối thoại thường niên Shangri-La (Xin-ga-po) và thăm hai quốc gia trong khu vực, đó là Xin-ga-po và Ấn Độ.

Trên lĩnh vực quân sự, hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng không nằm ngoài sự phát triển chung giữa hai quốc gia. Những hợp tác từ đầu cho đến nay vẫn là giải quyết những vấn đề liên quan đến giải quyết hậu quả chiến tranh, như tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA), rà phá bom mìn, tẩy rửa chất độc hóa học, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh, tìm kiếm cứu nạn, quân y, an ninh môi trường...

Trong cuộc hội đàm giữa đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng hai nước, hai bên đã thống nhất đánh giá việc triển khai Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương ký năm 2011, trên cơ sở tôn trọng đầy đủ độc lập tự chủ và chủ quyền của mỗi bên, trên tinh thần hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, mối quan hệ đối tác, hợp tác lâu dài về quốc phòng, an ninh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có lợi ích quan trọng cho cả hai nước và cho khu vực.

Còn vấn đề mà nhiều người quan tâm, kiếm cớ “thổi” thêm lên, là việc ông Leon Panetta tới thăm Vịnh Cam Ranh và Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, thì Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trả lời BBC, đại ý: Cam Ranh là một khu vực rộng lớn, ông Leon Panetta trên thực tế chỉ đến thăm khu vực cảng Ba Ngòi nơi một tàu vận tải quân sự Mỹ đang được sửa chữa ở đây. Đây là một hoạt động kinh tế kỹ thuật bình thường. Các tàu vận tải quân sự, không có vũ trang các nước đều có thể vào sửa chữa ở đây… Việc Việt Nam đề nghị bỏ cấm vận vũ khí sát thương, là nhằm đòi hỏi Hoa Kỳ đối xử “bình đẳng”, “tôn trọng” đối với Việt Nam như đối với các quốc gia khác… Cho đến nay Việt Nam chưa có nhu cầu mua vũ khí sát thương của Mỹ.

Trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn những khác biệt, nhưng cũng không thể phủ nhận, hai quốc gia đã và đang trên đường thu hẹp dần những bất đồng trên lĩnh vực này. Việt Nam cho rằng, nhân quyền là giá trị chung của các dân tộc. Việc bảo đảm quyền con người trước hết thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của các chính phủ. Việt Nam phản đối lực lượng cực hữu trong Hạ viện Hoa Kỳ đã và đang dùng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, cũng như ý đồ dùng nhân quyền làm điều kiện cho quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mà “Dự luật Nhân quyền Việt Nam” (HR 1410) do Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Chris Smith đưa ra ngày 7-3-2012 là một ví dụ. Những bất đồng, khác biệt nào đó giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, trong đó có vấn đề nhân quyền với Hoa Kỳ cũng là chuyện bình thường, đó không phải là vấn đề không thể vượt qua được.

Như vậy, sự phát triển quan hệ về quốc phòng giữa Việt Nam- Hoa Kỳ là bình thường, nhằm củng cố hơn nữa hòa bình, ổn định trong khu vực và hoàn toàn không làm phương hại đến một nước nào như một số người đã “thổi” lên trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm gây hoài nghi trong dư luận.

Thực tiễn đã cho thấy, muốn bảo vệ được độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, tất yếu phải dựa trên sức mạnh dân tộc, đồng thời không để cho bất cứ ai lợi dụng tinh thần hữu nghị, hợp tác để xâm hại chế độ chính trị, thể chế quốc gia, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc./.

(Theo: Bắc Hà/QĐND)

_______________

 [1] - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại Hội XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr.46

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất