Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 31/8/2013 8:0'(GMT+7)

Công nghiệp Tuyên Quang đi đúng hướng

Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang thăm Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa - Tuyên Quang.

Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang thăm Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa - Tuyên Quang.

Tuyên Quang vốn là tỉnh trung du, miền núi nghèo. Xuất phát điểm về phát triển kinh tế nói chung cũng như nền tảng ngành công nghiệp trên địa bàn nói riêng thấp. Để đẩy nhanh phát triển công nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn, năm 2007, tỉnh Tuyên Quang đã quy hoạch phát triển các khu công nghiệp; lựa chọn ưu tiên thúc đẩy phát triển các ngành nghề phù hợp như công nghiệp giấy, điện, may mặc, khai thác chế biến khoán sản, chế biến nông lâm sản... nhằm tập trung khai hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã có Khu Công nghiệp Long Bình An, quy mô 170 ha (tại thành phố Tuyên Quang), nằm trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 4 cụm công nghiệp gồm Sơn Nam (huyện Sơn Dương), Na Hang (huyện Na Hang), An Thịnh (huyện Chiêm Hóa), Tân Thành (huyện Hàm Yên) đi vào hoạt động.

Cùng với quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, công tác xúc tiến thu hút đầu tư cũng được đẩy mạnh. Nhờ vậy, tại Khu Công nghiệp Long Bình An hiện đã có 2 dự án may xuất khẩu gồm SESHINVN2 (vốn đầu tư 76 tỷ đồng) và MSA-YB (vốn đầu tư 93,7 tỷ đồng) đi vào sản xuất. Một loạt dự án, nhà máy đầu tư ở các cụm công nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản, dự kiến sẽ sớm hoàn thành đi vào sản xuất. Ngoài ra, tại xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, dự án bột giấy và giấy An Hòa, công suất 130.000 tấn/năm, vốn đầu tư trên 3.400 tỷ đồng cũng đã hoạt động từ năm 2011; hiện nhà máy giấy tráng phấn công suất 140.000 tấn/năm của An Hòa đang triển khai lắp đặt thiết bị, dự kiến quý IV/2013 đi vào sản xuất.

Các dự án trong các khu, cụm công nghiệp và các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển đi vào sản xuất đã góp phần quan trọng khiến giá trị sản xuất công nghiệp của Tuyên Quang có tốc độ gia tăng khá cao trong thời gian gần đây. Cụ thể, năm 2012 đạt 2.945,4 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2011; bảy tháng đầu năm 2013 ước đạt 1.848,8 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2012 (riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng tới 123,1%, đạt 153,7 tỷ đồng); 9/18 sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng đầu năm có giá trị sản xuất tăng so với cùng kỳ năm 2012 gồm điện thương phẩm (13,3%), điện sản xuất (4,2%), bột Penspat (6,6%), đường (26,9%), giấy đế xuất khẩu (10,3%), bột giấy (94,3%), trang in tiêu chuẩn (22,0%), nước máy (9,1%), may mặc xuất khẩu (123,%).

Mặc dù vậy, sự nghiệp phát triển công nghiệp của Tuyên Quang vẫn còn nhiều thách thức. Số liệu của bảy tháng đầu năm 2013 cho thấy, vẫn có khá nhiều sản phẩm chủ yếu giá trị suy giảm so với cùng kỳ năm trước như thiếc thỏi, xi măng, chè chế biến, gỗ tinh chế...; công nghiệp cơ khí chế tạo, lắp ráp và công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phát triển còn chậm; tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp thấp do mặt bằng chưa “sạch”, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, cơ chế ưu đãi đầu tư chưa thực sự hấp dẫn; một số dự án công nghiệp tiến độ triển khai chậm hoặc không khả thi do nhà đầu tư thiếu năng lực về tài chính và khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển công nghiệp năm 2013, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan trong những tháng còn lại của năm phải chủ động, linh hoạt, tích cực tháo gỡ khó khăn kịp thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác tiềm năng, phát huy tối đa năng lực sản xuất.

Về lâu dài, nhân chuyến công tác và làm việc của Bộ trưởng Bộ Công thương với tỉnh Tuyên Quang đầu tháng 8/2013 về việc phát triển công thương trên địa bàn, UBND tỉnh Tuyên Quang đã đề xuất Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam nâng cao chất lượng cung cấp điện trên địa bàn để giúp Tuyên Quang ổn định nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt; xem xét bổ sung vào quy hoạch một số dự án thủy điện trên sông Lô; điều chỉnh Cụm Công nghiệp Sơn Nam thành Khu Công nghiệp Sơn Nam và bổ sung khu công nghiệp này vào danh mục phát triển các khu công nghiệp của cả nước đến năm 2020... Trên cơ sở đó, Tuyên Quang sẽ tiếp tục có những bước đi tích cực hơn để thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn của tỉnh phát triển hơn.

Về định hướng phát triển các khu công nghiệp, có ý kiến cho rằng, Tuyên Quang nên tập trung vào phát triển các cụm công nghiệp có quy mô nhỏ và vừa sẽ phù hợp với quỹ đất và địa hình của tỉnh./.

Việt Anh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất