Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 30/8/2013 21:54'(GMT+7)

Sở hữu chéo, "méo" thị trường

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, tại Việt Nam, hoạt động này lại đang chứa đựng những điều không bình thường bởi “ma trận” các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực “xa vời”, đầu tư vào nhiều doanh nghiệp khác, dẫn tới việc tiềm ẩn rủi ro làm “méo mó” thị trường. 

Theo phân tích của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cổ đông tại một hoặc nhiều tổ chức tín dụng khác nhau có thể thực hiện các giao dịch sở hữu chéo, đầu tư chéo phục vụ lợi ích nhóm tạo ra vốn ảo, lợi nhuận ảo làm cơ quan quản lý, nhà đầu tư khó có thể xác định được thực chất vốn và tài chính của tổ chức tín dụng. Sở hữu chéo hình thành những khoản vốn chỉ có trên giấy tờ, sổ sách mà không được đưa ra thị trường, không phục vụ cho nền kinh tế. Nguy hiểm hơn, nó sẽ tạo ra tình trạng tăng vốn ảo trong các ngân hàng. Để khắc phục tình trạng này, hầu hết các nước trên thế giới đều có những quy định rất chặt chẽ về tỷ lệ sở hữu tại các tổ chức tài chính cũng như việc kiểm soát các tỷ lệ sở hữu đó. 

Tại Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng không cho phép các tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần lẫn nhau. Luật này cũng quy định về giới hạn sở hữu của cổ đông và nhóm cổ đông tại tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có khá nhiều “chiêu lách luật”. Điển hình là việc cổ phần ngân hàng được đứng tên dưới nhiều người khác nhau.

Tại cuộc hội thảo mới đây về sở hữu chéo do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rủi ro do sở hữu chéo và đưa ra các khuyến nghị cần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý vấn đề này. Có chuyên gia đề nghị Việt Nam có thể áp dụng theo mô hình của một số nước cho phép truy vấn nguồn tiền cá nhân, tổ chức đầu tư vào một công ty. Việc làm này vừa tăng cường hiệu quả chống rửa tiền, phòng chống tham nhũng, vừa giảm rủi ro đầu tư chéo. Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, bản chất của sở hữu chéo không phải hoàn toàn nguy hại, tuy nhiên sở hữu chéo dễ bị lạm dụng, bởi nó tạo cơ hội để cổ đông chi phối định chế tài chính và sử dụng định chế tài chính như một công cụ để đầu tư, cấp vốn theo mục đích riêng của họ. Hệ quả là dẫn tới những giao dịch tài chính vượt ra ngoài khuôn khổ an toàn theo quy định của pháp luật, thoát ly khỏi vòng kiểm soát của các cơ quan quản lý. Hơn nữa, sở hữu chéo còn là một chất dẫn gây lan truyền rủi ro giữa các định chế tài chính, các doanh nghiệp có liên quan khi cổ đông gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh và tài chính. 

Được biết, trong đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Chính phủ, có một nội dung quan trọng là giảm tối đa và đi tới loại bỏ sở hữu chéo không đúng quy định của pháp luật đối với hệ thống tài chính. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để mục tiêu nói trên trở thành hiện thực đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, trong đó vấn đề mấu chốt là phải xây dựng được thị trường tín dụng và thị trường vốn có chi phí giao dịch thấp. Thị trường này cần một hệ thống thông tin minh bạch, hệ thống pháp lý rõ ràng, đặc biệt là việc phát mại tài sản dễ dàng, thủ tục phá sản nhanh. Thị trường này cũng cần có sự giám sát chặt chẽ hơn của các cơ quan chức năng Nhà nước./.

Đỗ Phú Thọ (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất