Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo triển khai việc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 15 tới tất cả các huyện uỷ, thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc và các sở, ban, ngành trong toàn tỉnh đồng thời ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn và học tập lịch sử Đảng trong tỉnh Lào Cai” và các văn bản chỉ đạo việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, truyền thống các ngành nhằm đẩy mạnh việc sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ các địa phương và truyền thống các ngành trong toàn tỉnh.
Qua hơn 10 năm thực hiện các chỉ thị về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; các cấp uỷ Đảng, các ngành, đoàn thể đều triển khai nghiêm túc, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Do đó, công tác lịch sử Đảng có sự phát triển, đáp ứng một phần nhu cầu của xã hội. Từ năm 2002 đến nay, đã có gần 100 đầu sách lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống, tài liệu tuyên truyền các cấp, các ngành, các đoàn thể trên địa bàn tỉnh được xuất bản, phát hành.
Trong điều kiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ gặp nhiều khó khăn bởi từ khi Đảng bộ tỉnh Lào Cai thành lập (1947) đến nay, tỉnh Lào Cai trải qua 2 lần sát nhập và chia tách nên nhiều tư liệu bị thất lạc, mờ nát cùng với việc nhiều nhân chứng lịch sử giai đoạn trước năm 1954 phần nhiều đã mất, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác sưu tầm, khai thác, đối chứng để làm rõ sự kiện lịch sử. Hơn nữa, nhận thức về vị trí, vai trò của công tác lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của một số cấp uỷ Đảng chưa đầy đủ nên chưa có sự quan tâm đúng mức đến công tác này; đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác lịch sử Đảng ở các cấp uỷ còn thiếu về số lượng, không được đào tạo chuyên môn về ngành lịch sử…
Vượt qua những khó khăn này, năm 2009, Tỉnh uỷ Lào Cai đã chỉ đạo biên soạn và hoàn thành cuốn lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai (1947-2007). Tính đến hết năm 2012, đã có 13/14 huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc biên soạn được sách lịch sử Đảng bộ đến năm 2000; có 16 xã, phường, thị trấn đã biên soạn xuất bản lịch sử Đảng bộ. Toàn tỉnh cũng đã biên soạn được 22 cuốn sách lịch sử truyền thống của các địa phương, các ban, ngành. Các cuốn giáo trình Lịch sử Lào cai, giáo trình Địa lý Lào Cai, Dư địa chí Lào Cai… cũng được biên soạn và xuất bản dùng làm tài liệu giảng dạy trong Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị và các trường cao đẳng, phổ thông trên địa bàn. Hơn nữa, việc biên soạn tài liệu tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho cán bộ, đảng viên, viên chức trong các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn tỉnh cũng được các cấp uỷ Đảng, các ban ngành đoàn thể quan tâm thực hiện.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Nguyền, Phó trưởng Phòng Giáo dục lý luận chính trị & Lịch sử Đảng – Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lào Cai cho biết: Nhìn chung các cuốn lịch sử đảng bộ đã được xuất bản đảm bảo tính khoa học và tính Đảng; đã phản ánh được quá trình ra đời, hoạt động và trưởng thành của Đảng bộ địa phương trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã, bảo vệ Tổ quốc qua các chặng đường lịch sử. Những sự kiện lịch sử, những bước ngoặt trong đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân không chỉ phục dựng lại bức tranh quá khứ hào hùng của dân tộc, địa phương, mà còn khẳng định sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vận dụng sáng tạo của Đảng bộ địa phương. Đồng thời những cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương cũng là tài liệu quan trọng xác minh, khẳng định công lao to lớn của to của các vị anh hùng, của tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương, bảo vệ đất nước, góp phần quan trọng trong việc giải quyết chính sách đối với người có công với cách mạng và việc xác minh, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử- văn hoá, nhà lưu niệm, nhà truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, trong việc biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ cũng như công tác Lịch sử Đảng vần còn những khó khăn, hạn chế đặt ra cần được quan tâm chỉ đạo kịp thời, triển khai thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ trong thời gian tới.
Cùng với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ các cấp và lịch sử truyền thống; công tác giáo dục lịch sử truyền thống luôn được quan tâm. Hệ thống Tuyên giáo các cấp đã tổ chức thực hiện công tác giáo dục truyền thống dưới nhiều hình thức đa dạng phong phú. Đặc biệt, việc giáo dục truyền thống lịch sử đất nước, quê hương cho học sinh trong các nhà trường được gắn với chương trình giảng dạy lịch sử địa phương, gắn các hoạt động ngoại khoá với các cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử Lào Cai 100 năm xây dựng và phát triển”, “Lịch sử 65 năm Đảng bộ tỉnh Lào Cai”, “Sáng mãi phẩm chất bộ đội Cụ Hồ”…
Thông qua hệ thống các kênh thông tin, việc giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng được thực hiện trong các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương. Về truyền hình trong giai đoạn 2002-2012, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đã tuyên truyền trên 2.000 tin, 1.400 bài các loại… Đặc biệt, với chuyên mục “Người Lào Cai, đất Lào Cai” và chuyên mục “Đảng trong cuộc sống hôm nay” được phát sóng mỗi số một tuần đã tuyên truyền về truyền thống cách mạng của người Lào Cai, vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam qua các chặng đường lịch sử. Các chương trình này đều được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Giáy) phát sóng phục vụ nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Phát huy kết quả và kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ các cấp. Thời gian tới các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, coi công tác lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng là một nhiệm vụ thường xuyên. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh hơn nữa chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống; các đơn vị trước đây đã biên soạn đến năm 2000, cần tiếp tục tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các giai đoạn tiếp theo. Lịch sử Đảng là công tác đòi hỏi có tính chuyên môn, tính khoa học cao, do đó các cấp uỷ đảng cần quan tâm thường xuyên, bố trí đội ngũ làm công tác lịch sử từ tỉnh đến cơ sở có đủ trình độ, năng lực và nhiệt huyết với công việc.
Đặc biệt, công tác học tập, giáo dục truyền thống cần tiếp tục được quan tâm, nhất là đối với thế hệ trẻ, thanh thiếu niên, học sinh. Việc học tập, giáo dục truyền thống cần được đổi mới về phương thức, phương pháp, phong phú cả về hình thức và nội dung như: Học tập trong sách, vở, tài liệu, tham quan thực tế các công trình lịch sử, văn hoá… có như vậy mới nâng cao được nhận thức cũng như tinh thần tự giác, trách nhiệm của mỗi người đối với lịch sử, trong việc giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, quê hương hôm nay./.
Bài, ảnh: Nguyên Sa (Lào Cai)