Thứ Ba, 17/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Ba, 28/11/2023 9:40'(GMT+7)

Công tác lịch sử Đảng góp phần nâng cao nhận thức, bồi đắp niềm tin của cán bộ, nhân dân

Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Phú Yên sinh hoạt chính trị tại  Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Phú Yên, nhân Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Phú Yên sinh hoạt chính trị tại Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Phú Yên, nhân Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

GÓP PHẦN QUAN TRỌNG VÀO CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC, PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ CÁC TẦNG LỚP NHÂN DÂN

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và sự cần thiết của công tác lịch sử Đảng, nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã tiếp tục triển khai nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương theo tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống các sở ban, ngành, đoàn thể. Qua đó, góp phần ghi lại những chặng đường lịch sử đấu tranh vẻ vang của toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân Phú Yên, nêu bật những thành tựu cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, tổng kết thực tiễn, rút ra những kinh nghiệm, xây dựng Đảng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Trên cơ sở các văn bản của cấp trên, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai phù hợp với thực tiễn ở cấp mình, đạt chất lượng.

Công tác hướng dẫn quy trình, cách thức tổ chức nghiên cứu, biên soạn, thẩm định các công lịch sử được triển khai kĩ lưỡng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên nắm bắt tình hình và kịp thời hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác biên soạn lịch sử đảng bộ; thực hiện việc kết nối, giới thiệu những người có khả năng, kinh nghiệm trong việc viết sử hỗ trợ cho các huyện, xã nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ của địa phương; đồng thời, tham gia vào các cuộc hội thảo, hội đồng thẩm định các công trình lịch sử cấp huyện và cấp xã. Quá trình tổ chức, triển khai nghiên cứu, biên soạn các đề tài được ban thường vụ cấp ủy chỉ đạo thực hiện chặt chẽ; có sự tham gia đông đảo các nhà khoa học lịch sử, các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ chủ chốt và nhân chứng lịch sử. Từ đó, đóng góp, bổ sung nhiều tư liệu, sự kiện có giá trị, làm rõ hơn những vấn đề lịch sử của Đảng bộ, ban ngành, đoàn thể ở địa phương, góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Công tác tổ chức, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử đảng từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm chỉ đạo, bồi dưỡng, đào tạo, kiện toàn; xây dựng đội ngũ cán bộ theo dõi nghiên cứu có chuyên môn, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm cao. Việc bố trí nguồn kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ công tác lịch sử Đảng được quan tâm đầu tư. Một số địa phương (như huyện Tuy An) đã có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho việc triển khai nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng bộ ở các xã, phường, thị trấn; ngoài nguồn ngân sách của địa phương, một số xã dùng nguồn xã hội hóa để chi cho biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương .

Nhìn chung, các công trình lịch sử đã tập trung làm rõ về bối cảnh lịch sử, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, đảm bảo tính đảng, tính khách quan và tính khoa học, có sự thống nhất trong các sự kiện lịch sử; đồng thời thể hiện những nét đặc thù riêng của từng địa phương, đơn vị. Đối với cấp tỉnh, đến nay đã và đang biên soạn, nghiệm thu, xuất bản 6 đề tài; ngoài ra, phối hợp với các cơ quan, đơn vị biên soạn, phát hành một số tập sách, tổ chức các hội thảo khoa học... Các huyện, thị, thành ủy, xã, phường, thị trấn đang triển khai biên soạn 67 công trình lịch sử đảng bộ cấp huyện và cấp xã (cấp huyện là 4 đề tài, cấp xã là 63 đề tài). Trong đó, thị xã Sông Cầu đã hoàn thành việc nghiên cứu, bổ sung, biên soạn lịch sử đảng bộ thị xã giai đoạn 1930 - 2020. Dự kiến đến cuối năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh Phú Yên hoàn thành việc chỉnh lý, bổ sung, biên soạn lịch sử đảng bộ giai đoạn 1930 - 2020 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên.

Bên cạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các đề tài lịch sử, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng cũng được các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị quan tâm, tăng cường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; từ đó, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, khơi dậy ý chí, khát vọng, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Các cấp ủy, địa phương, đơn vị thường xuyên chỉ đạo đưa nội dung tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương vào sinh hoạt của các chi, đảng bộ dưới nhiều hình thức phong phú; xây dựng các kế hoạch tuyên truyền, tài liệu tuyên truyền các ngày lễ, kỉ niệm trong năm; tổ chức các hoạt động tọa đàm kỉ niệm, các cuộc thi tìm hiểu truyền thống lịch sử, các hoạt động tham quan, dâng hương, về nguồn,…

Thông qua Hội nghị giao ban báo chí định kỳ hàng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng chuyên trang, chuyên mục với nhiều tin, bài tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn chuyên đề “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Yên” cung cấp cho các Trung tâm chính trị và các đảng ủy trực thuộc thực hiện chương trình bồi dưỡng lịch sử Đảng theo quy định. Trường Chính trị tỉnh Phú Yên biên soạn, đưa chuyên đề “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Yên” vào chương trình giảng dạy các lớp Trung cấp lý luận chính trị tại trường. Trung tâm chính trị cấp huyện đã lồng ghép, đưa nội dung lịch sử đảng bộ địa phương vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Các trường học trên địa bản tỉnh duy trì tích hợp lịch sử Đảng bộ địa phương vào chương trình giảng dạy môn Lịch sử ở lớp 9 và lớp 12. Các di tích cách mạng trên địa bàn tỉnh đều được quan tâm quản lý, tu bổ, tôn tạo, phục vụ cho các hoạt động văn hóa, dâng hương, về nguồn, tham quan, du lịch. Hiện nay, Phú Yên có 51/105 di tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng (trong đó có 9 di tích quốc gia, 42 di tích cấp tỉnh). Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, Ban Chỉ đạo 35 của tỉnh và đội ngũ cộng tác viên Ban Chỉ đạo 35, cộng tác viên dư luận xã hội các cấp kịp thời phát hiện và đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc, địa phương.

Song song với những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn, lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn một số khó khăn, hạn chế, như: Công tác sưu tầm tư liệu, thu thập thông tin từ các nhân chứng lịch sử gặp nhiều khó khăn. Bởi vì một số nhân chứng, người am hiểu các sự kiện lịch sử ở địa phương đã mất hoặc già yếu, không còn nhớ rõ về các sự kiện, các mốc thời gian, địa điểm ảnh hưởng đến công tác thu thập tài liệu. Một số cán bộ làm công tác lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm thực tế.

Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Phú Yên sinh hoạt chính trị tại Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Phú Yên, nhân Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Phú Yên sinh hoạt chính trị tại Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Phú Yên, nhân Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

TẬP TRUNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC LỊCH SỬ ĐẢNG

Trong bối cảnh công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, ra sức cắt xén, thêm bớt, xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử Đảng, xét lại lịch sử làm cơ sở tiến tới đòi gạt bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong thời gian tới cần tiếp tục khắc phục những hạn chế, tập trung bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tiếp cận khách quan, khoa học, tăng cường nhận thức trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, hiểu đúng, hiểu đủ về lịch sử Đảng, về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với chặng đường cách mạng vẻ vang, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; củng cố niềm tin, lòng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tiếp tục phát huy truyền thống của dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xác định công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng là nhiệm vụ không thể thiếu trong công tác tư tưởng, góp phần phát huy các giá trị lịch sử của Đảng bộ tỉnh Phú Yên, khơi dậy, bồi đắp niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào con đường cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn; động viên toàn đảng bộ, toàn quân, toàn dân trên địa bàn tỉnh nỗ lực, phấn đấu tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng, của quê hương Phú Yên, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Thời gian tới, với quyết tâm chính trị cao, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác lịch sử Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Phú Yên cần chú trọng một số nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, tích cực đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, đặc biệt đối với công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ mới; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác chính trị - tư tưởng của các cấp ủy, tổ chức đảng. Các cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và sát sao hơn nữa trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng nhằm tạo sự chuyển biến về chất đối với công tác này.

Thứ hai, tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương, cơ quan, đơn vị theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa công tác sưu tầm, khai thác tư liệu, biên soạn, xuất bản và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, đảm bảo tính Đảng, tính khách quan, khoa học. Đẩy mạnh công tác sưu tầm, lưu trữ, số hóa tư liệu lịch sử phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn; chú trọng tư liệu của cấp ủy, chính quyền các cấp, sổ tay, bút kí, hồi kí… của các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ. Xác định công tác lịch sử Đảng vừa phải làm sáng tỏ những vấn đề về lịch sử Đảng, vừa có trách nhiệm đấu tranh với các quan điểm sai trái, luận điệu phản động của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và công cuộc đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Cuộc họp Hội đồng thẩm định

Cuộc họp Hội đồng thẩm định "Công trình lịch sử Đảng bộ thị xã Sông Cầu".

Thứ ba, đẩy mạnh triển khai nghiên cứu, biên soạn, hoàn thiện lịch sử đảng bộ các cấp, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương, cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm túc quy trình, quy định về nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản các công trình lịch sử, xác định rõ mốc thời gian cụ thể để hoàn thành việc biên soạn các tác phẩm; có sự phân công, hỗ trợ phù hợp để các địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống. Phấn đấu đến cuối năm 2025, 100% đảng bộ xã, phường, thị trấn hoàn thành biên soạn lịch sử Đảng.

Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, đảm bảo về nội dung, đa dạng và thiết thực về hình thức. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục lịch sử trong lực lượng đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên; coi trọng đổi mới phương pháp dạy và học lịch sử tại các cơ sở giáo dục. Thực hiện kê khai lập hồ sơ quản lý, lập kế hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.

Thứ năm, quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng. Tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng theo hướng ổn định, bố trí đủ cán bộ chuyên trách có chuyên môn, kinh nghiệm, có bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm ở các cấp. Tạo điều kiện mọi mặt để cán bộ được làm việc, học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị. Đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, kinh phí phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng ở các địa phương, cơ quan, đơn vị; quan tâm, đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong quá trình triển khai thực hiện. Có chế độ khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác lịch sử Đảng.

Những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Phú Yên thời gian qua đã góp phần tổng kết thực tiễn công tác tư tưởng, lý luận và xây dựng Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Từ đó, nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng tự hào về những truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước, bồi đắp niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự nghiệp cách mạng để tiếp tục phát huy những giá trị vẻ vang của thế hệ đi trước, chung sức đồng lòng xây dựng tỉnh Phú Yên ngày càng phát triển, yên định trong phú cường. Bằng quyết tâm chính trị cao, thời gian tới, những người làm công tác lịch sử nói chung và lịch sử Đảng nói riêng trên địa bàn tỉnh cần hiểu rõ, thực hiện những lời căn dặn của đồng chí Trường Chinh và coi đây tôn chỉ, định hướng trong toàn bộ quá trình hoạt động nghề nghiệp: "Công tác sử học là công tác tư tưởng. Viết sử tức là tổng kết những kinh nghiệm đúng, sai; phổ biến những kinh nghiệm đúng, khắc phục cái sai, ôn lại cái cũ để chỉ đạo cái mới. Viết sử không phải để ngắm lịch sử. Lịch sử không phải là một vật để trang trí. Viết sử là để giáo dục đảng viên và quần chúng, làm cho họ tự hào và tin tưởng, có thêm năng lực và kinh nghiệm để làm nên những sự nghiệp vĩ đại hơn nữa. Qua việc nghiên cứu sử mà giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản, tinh thần kiên cường chiến đấu, khắc phục khó khăn".

Bùi Thanh Toàn
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất