Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 7/6/2015 15:2'(GMT+7)

Trách nhiệm của nhà phê bình

 

Thời gian gần đây, hiện tượng có độc giả say mê một số ấn phẩm thiếu lành mạnh thuộc loại sách ngôn tình, đam mỹ, bách hợp, đã đặt ra một số vấn đề cần phải cảnh báo với văn hóa đọc. Do đó, việc Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) có Công văn số 2116 gửi các nhà xuất bản (NXB) đề nghị không đăng kư xuất bản truyện ngôn tình, đam mỹ là cần thiết, nếu không nói là chậm trễ. Bởi, nội dung suy đồi của một số cuốn sách ngôn tình, đam mỹ không chỉ bị nhiều tác giả phê phán trong các bài viết về thị trường sách ở Việt Nam, mà trong "cộng đồng ngôn tình" ở Việt Nam cũng đã có nhiều ý kiến phản đối việc xuất bản một số ấn phẩm có nội dung đồi trụy, đồng thời phê phán sở thích lệch lạc của nhóm độc giả thiểu số. Trong bối cảnh đó, nếu có ý kiến phản biện thì cần phải phân tích trên cơ sở lý luận, thực tiễn nghiêm túc, nhưng rất tiếc lại có một số ý kiến phê bình không chỉ bày tỏ quan điểm trái ngược, mà còn phát biểu như để "khoe" kiến thức, thậm chí suy diễn, bóp méo nội dung Công văn 2116,...

Theo dõi sự kiện, chúng ta đều biết sau khi gửi công văn nêu trên, người có trách nhiệm của Cục Xuất bản, In và Phát hành đã giải thích rõ ràng: dòng văn học gọi là ngôn tình, đam mỹ cũng có tác phẩm có giá trị, việc dừng xuất bản không phải là cấm mà để kiểm tra toàn bộ những truyện ngôn tình, đam mỹ đã xuất bản ở Việt Nam từ trước đến nay, phân loại, tìm biện pháp xử lý thích hợp. Giải quyết như vậy là hợp lý, hợp tình, nhưng theo phát biểu của một nhà phê bình trên BBC thì việc dừng xuất bản loại sách ngôn tình, đam mỹ lại được coi là "biện pháp tiêu cực... đánh tráo khái niệm khi không có một khái niệm chính xác để xác định", sau đó đặt ra câu hỏi: "Tôi cũng không hiểu sau lệnh cấm này sẽ là cái gì?"! Chữ "cấm" được nhà phê bình này sử dụng vài lần trong bài phỏng vấn, và không hiểu đâu là sự nghiêm cẩn, tinh tường khi ông tưởng tượng ra chữ "cấm" trong nội dung Công văn 2116, khi văn bản này hoàn toàn không có chữ "cấm"? Hơn nữa trước khi phát biểu, chẳng lẽ ông không đọc bài trả lời phỏng vấn của ông Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong đó trình bày cụ thể: "Ðọc những loại sách này thì vô bổ mất thời gian, nhưng bảo là nó sai đến mức phải xử lý thì không đúng luật... dòng văn học được gọi là ngôn tình, đam mỹ thì cũng có những tác phẩm có giá trị chứ không phải hoàn toàn không". Theo đó, dù coi loại sách này "vô bổ" nhưng đại diện cơ quan chức năng đâu phủ nhận hoàn toàn, đồng thời khẳng định "sai đến mức phải xử lý thì không đúng luật". Lạ hơn, trong khi phê bình Cục Xuất bản, In và Phát hành "đánh tráo khái niệm khi không có một khái niệm chính xác để xác định" (?), thì chính nhà phê bình cũng không đưa ra được khái niệm ngôn tình, ông chỉ tán loanh quanh: "Ðây là loại sách vô thưởng, vô phạt... Truyện ngôn tình cũng là một thứ truyện đáp ứng nhu cầu của người đọc, đặc biệt là lớp trẻ, những người ở tuổi dậy thì, đang ở tuổi tò mò, có những khao khát muốn hiểu biết về giới tính, về người khác giới, về tình yêu, tình dục". Qua phát biểu của ông, người viết bài này ngờ rằng nhà phê bình chưa hề đọc loại sách ngôn tình, không theo dõi trên diễn đàn liên quan ngôn tình trên in-tơ-nét, hoặc nhận thức của ông về giới tính, tình yêu, tình dục có phần lệch lạc?!

Trên thực tế, ngôn tình Trung Quốc có sự gần gũi với "shoujo" - dòng tiểu thuyết, truyện tranh, phim ảnh bình dân của Nhật Bản chuyên phục vụ nhu cầu giải trí của một bộ phận độc giả nữ. Nói cách khác, ngôn tình là loại thể cận văn học, đề cao chức năng giải trí. Bởi vậy, trên một tờ báo xuất bản gần đây, nhà phê bình văn học nọ cho rằng ngôn tình có các nét tương đồng với dòng văn học lãng mạn Pháp là hoàn toàn sai lầm. Có chăng, nhiều truyện ngôn tình Trung Quốc mang nội dung na ná với dòng tiểu thuyết khiêu dâm ở một số quốc gia phương Tây. Tương tự như "shoujo", có thể hiểu ngôn tình đơn giản là truyện thần tượng. Phần lớn tác phẩm ngôn tình đều mô tả quan hệ tình yêu giữa một cô gái có nhiều khiếm khuyết với một chàng trai hoàn hảo. Tuy chênh lệch về nhiều phương diện, cô gái luôn được chàng trai si mê từ cái nhìn đầu tiên. Mối tình trải qua nhiều sóng gió, vấp ngã nhưng chàng trai hiếm khi phản bội người yêu. Ngôn tình được giới trẻ ưa chuộng vì chạm vào tâm lý mơ mộng của lứa tuổi nữ sinh, đặc biệt là các cô gái sống khép kín, thích không gian ảo, tin vào những điều vô lý. Ðiều này giải thích vì sao nhiều truyện ngôn tình có nội dung sơ sài (chẳng hạn Sam Sam đến đây ăn nè của Cổ Mạn dài tới hàng trăm trang với nhiều "ngoại truyện" viết thêm cho dày dặn trí tưởng tượng và thỏa mãn ham muốn của độc giả); và ngược lại, vô số truyện ngôn tình mới ra vài chục chương đã dừng hẳn, và kết thúc dở dang khiến bạn đọc tiu nghỉu! Cũng vì câu kéo người đọc, nhất là những bà nội trợ, các truyện ngôn tình sẵn sàng dùng H (Hentai: chữ Nhật) để tăng thêm "độ hấp dẫn" cũng như độ dài. "Hentai" là cụm từ tương đối khó dịch ra tiếng Việt, nhằm chỉ những hành vi tình dục lệch lạc, kỳ quặc. Ở Việt Nam, một số người dịch Hentai là "biến thái", tuy nhiên cụm từ này lại chưa bao quát được mức độ nghiêm trọng trong nhiều tác phẩm ngôn tình. Ðáng chú ý là nhiều tác giả được coi là "đỉnh cao" của tiểu thuyết ngôn tình đều ưa sử dụng H như một thủ pháp trong truyện (đó là lý do khiến nhiều truyện ngôn tình của Trung Quốc chỉ lưu hành trên mạng, mà không được xuất bản tại chính nước này). Vì vậy, nếu cứ chấp nhận "các tác phẩm chất lượng cao trong giới hạn thể loại của nó" như ý kiến nhà phê bình nọ thì thật nguy hiểm. Chẳng nhẽ anh không có khả năng phân biệt giữa tiểu thuyết lãng mạn Pháp với tiểu thuyết lãng mạn Trung Quốc và ngôn tình?

Hiện nay, tại một số diễn đàn trên in-tơ-nét, một số bạn trẻ đang truyền bá các văn bản nói về ý nghĩa của từng mối quan hệ tình yêu, tình dục giữa các nhân vật; trong đó, có những truyện ngôn tình về người với thú, người với thực vật mà chỉ nghe đã khiếp đảm. Rùng rợn hơn là dòng sách đam mỹ và bách hợp với kiểu nhân vật "thích ngược đãi kẻ khác, bị ngược đãi mà vẫn thích; sử dụng đạo cụ để hành hạ đối phương cả tinh thần lẫn thể xác". Dòng sách tình trai và tình gái này cũng là sản phẩm của "shoujo" dành cho phụ nữ nhưng ở mức độ lệch lạc gấp nhiều lần so với ngôn tình. Và xét cho cùng, đó là loại sách không lấy việc đấu tranh cho quyền bình đẳng của người đồng tính, dị tính, song tính làm mục đích, mà chỉ nhằm thỏa mãn suy tưởng lệch lạc của "hủ nữ, hủ nam". Bất ngờ là đến giờ vẫn có người cố thanh minh ý nghĩa của đam mỹ, yaoi trong khi tên thể loại này đã nói lên tất cả: không cao trào, không điểm nhấn, không ý nghĩa. Ngoài các hiểm họa khó lường từ nội dung ngôn tình, vấn đề dịch nghĩa các tác phẩm này cũng là điều đáng ngại. Vì lâu nay, nhiều "dịch giả" bằng các phần mềm convert, translate đã dịch bừa bãi rất nhiều sách ngôn tình, đam mỹ. Ðiều này ảnh hưởng không nhỏ tới ngôn ngữ giao tiếp của nhiều bạn trẻ khi họ bị "lây nhiễm" từ thứ ngữ pháp, lối hành văn, từ ngữ không giống ai trong các "ngôn tình dịch ẩu".

Thị trường sách Việt Nam đang tồn tại nhiều cuốn sách độc hại đến từ một số nước trên thế giới. Và khó có thể đồng tình với ý kiến cho rằng, các sách này đã tạo việc làm cho một số dịch giả, nuôi một số công ty và nhà xuất bản. Bởi như ý kiến của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: "Cái lợi đó là cái lợi cục bộ, nhưng thiệt hại với xã hội vô cùng lớn, bởi nó làm lệch lạc quan niệm của giới trẻ, vốn đang bị coi là lệch chuẩn". Thêm vào đó, việc chỉ dừng đăng kư xuất bản với dòng truyện ngôn tình, đam mỹ cho thấy Cục Xuất bản, In và Phát hành vẫn chưa bao quát hết các ấn bản có nội dung rất cần xem xét,... Ðấy là chưa nói đến loại sách ngôn tình "học đòi" của một số cây bút trẻ Việt Nam. Mặt khác, trên in-tơ-nét hiện tồn tại rất nhiều "diễn đàn truyện ngôn tình". Do đó, muốn loại bỏ hoàn toàn các ấn phẩm này, chúng ta cần sự chung tay của toàn xã hội. Ðáng buồn là trong khi có nhiều hội, diễn đàn tự phát của các bạn trẻ được lập ra để loại trừ những ấn phẩm có nội dung xấu, thì một số nhà phê bình lại có phát biểu sai lạc về ngôn tình, đam mỹ. Với các phát ngôn của họ, có lẽ chỉ có hai khả năng: hoặc họ mượn báo chí để quảng bá kiến thức và sự hiểu biết còn sơ sài, hoặc họ lợi dụng các phương tiện này để bóp méo, suy diễn nhằm hướng tới mục đích khác? Dù ở khả năng nào cũng là điều không thể chấp nhận với người viết phê bình văn học.

Minh Anh/Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất