Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 7/6/2015 20:10'(GMT+7)

Dự án “Đi và Mở”: Dùng “sân khấu hóa” để bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường bằng nhạc kịch

Tình trạng ô nhiễm của các con sông tại Hà Nội ngày càng nặng nề, đặc biệt là khu vực sông Nhuệ và sông Đáy nằm sát nội thành thủ đô đã cho chúng ta thấy các hoạt động kinh doanh, sản xuất của người dân nơi đây đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, "Đi và Mở" - Dự án giáo dục về bảo vệ tài nguyên nước thông qua nghệ thuật sân khấu đã được ra đời, mong muốn truyền tải những thông điệp về vấn đề ô nhiễm môi trường theo một hình thức mới, sáng tạo hơn tới cộng đồng. Qua đó, nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy họ có những hành động thiết thực và kịp thời bảo vệ chính môi trường sống xung quanh mình.

Dự án “Đi và Mở” được thành lập từ tháng 6-2014, bắt nguồn từ ý tưởng của bạn Nguyễn Minh Thắng, cựu sinh viên của trường Đại học Kinh tế Quốc dân và bạn Khuất Thị Ly Na, học ngành Sân khấu điện ảnh tại Pháp. Dự án được thực hiện dưới sự bảo trợ của Ban Thanh thiếu niên Đài truyền hình Việt Nam (VTV6), Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM), Trung tâm Đào tạo và Truyền thông Môi trường (CETAC), Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên nước (WARECOD), Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED), Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn Vietnam). Chia sẻ với chúng tôi, Ly Na cho biết: “Dự án đã lựa chọn vấn đề đầu tiên là ô nhiễm nguồn nước và thực hiện tại hai làng thuộc lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy - hai con sông bị ô nhiễm nặng. “Đi và Mở” là hai giá trị cốt lõi mà chúng mình hướng tới. “Đi” thể hiện sự sẵn sàng, chủ động và cam kết với việc hành động. “Mở” thể hiện sự sáng tạo, cởi mở và sự truyền cảm hứng”.

Một hoạt cảnh trong nhạc kịch "Dòng sông không chảy ngược" được các thành viên "Đi và Mở" công diễn tại hai làng Khúc Thủy, Khê Tang (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Ảnh:TPO.

Hoạt động chính của dự án là tổ chức các hoạt động nghệ thuật vì cộng đồng gắn với các vấn đề nóng trong xã hội. Dự án “Đi và Mở” đã tiếp cận tới công chúng theo một phương thức khá mới lạ và đặc biệt. Đó là lựa chọn nhạc kịch làm công cụ truyền tải thông điệp trực tiếp của mình. “Khai thác vấn đề từ một khía cạnh khác giúp chúng em nhận biết được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của những dự án hiện có. Nhạc kịch khác biệt với các loại hình kịch nghệ khác ở chỗ ngoài lời thoại của chính những diễn viên còn đan xen, lồng ghép thêm những lời ca, tiếng hát quen thuộc. Qua đó, nội dung, thông điệp truyền tải của dự án được đưa tới với người dân một cách gần gũi hơn và chính bản thân họ cũng có thể dễ dàng bị tác động về mặt tâm lý, nhận thức dễ dàng hơn”, bạn Vũ Đức Đam Trang (ĐH Kinh tế quốc dân), phụ trách truyền thông của dự án chia sẻ.

Tháng 8-2014, hai đêm nhạc kịch “Dòng sông không chảy ngược” được diễn ra tại hai làng Khúc Thủy và Khê Tang (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) đã mang “Đi và Mở” đến với hơn 1600 người dân xem trực tiếp. Điều đặc biệt, vở kịch có sự tương tác khi người dân địa phương tham gia xây dựng kịch bản, diễn xuất và đưa ra các giải pháp cải thiện môi trường như sử dụng hầm biogas, phân loại rác thải, thu gom rác đúng nơi quy định...

Các em học sinh rất háo hức khi xem chương trình. Ảnh: BTC cung cấp.

“Khoảnh khắc đáng nhớ nhất đối với chúng em có lẽ là khi đám trẻ ở làng đứng hết dậy để nhìn xem nhân vật nữ chính ở đâu trên sân khấu. Một người bạn của chúng em ngồi ở phía khán giả có kể lại, có một bác đã vỗ đùi hả hê khi nhân vật phản diện bị vạch mặt. Sau đêm diễn, tuy trời đã tối muộn, nhưng nhiều cô bác trong làng vẫn thức cùng chúng em để nấu miến cho các thành viên. Đó đều là những kỷ niệm rất vui của dự án lần này. Tuy đối với nhiều người, đó không phải là chuyện gì quá to tát, nhưng đối với chúng em đó là những tình cảm chân thành và là thành công lớn nhất mà chúng em nhận được”, bạn Hoàng Diệu Quỳnh (Đại học Ngoại thương Hà Nội) thành viên nhóm biên kịch của dự án tâm sự.

Tổ chức thành công dự án “Lớp học xanh”

Tiếp nối thành công từ buổi nhạc kịch “Dòng sông không chảy ngược”, năm nay “Đi và Mở” mở đầu bằng dự án nhỏ “Lớp học xanh” - hoạt động giáo dục về môi trường cho trẻ em. Vào tối 29-5 và sáng 30-5 vừa qua, dự án sáng tạo vì cộng đồng “Đi và Mở” đã tổ chức thành công 2 buổi học trong khuôn khổ dự án nhỏ “Lớp học xanh”- lớp học tương tác về môi trường đến với các em học sinh hai xã Cự Khê và Hữu Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Các thành viên của dự án “Đi và Mở” chụp ảnh cùng các em học sinh sau khi thực hiện "Lớp học xanh". Ảnh: BTC cung cấp.

Không giống như một lớp học truyền thống, dự án giáo dục sáng tạo “Lớp học xanh” đem tới một không gian mở - nơi các em học sinh cấp 2 được nói lên quan điểm và góc nhìn của mình về những vấn đề trong môi trường sống của chính các em. Một điểm đặc biệt khác của dự án chính là sự mới lạ và gần gũi trong phong cách truyền tải kiến thức. Rời xa khỏi những trang sách khô khan, dự án đưa các em đến với những vấn đề môi trường qua những câu chuyện, trò chơi tương tác, câu đố và các hoạt động nhóm. Nhờ vậy, những thông điệp tưởng chừng khô khan về môi trường đến với các em một cách hết sức gần gũi và tự nhiên. Không chỉ vậy, “Lớp học xanh” còn cung cấp những kỹ năng đơn giản để các em có thể tham gia ngay vào việc cải tạo không gian sống của mình, như trồng cây xanh, tái chế những vật dụng quen thuộc...

Bạn Nguyễn Thùy Trang - Trưởng ban Tổ chức chuỗi hoạt động “Lớp học xanh” cho biết: “Rất nhiều người cho rằng những hoạt động giáo dục cho các em học sinh không có nhiều ý nghĩa và không tạo ra được thay đổi quá lớn, nhất là đối với những vấn đề chung như môi trường. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng những hoạt động như thế này sẽ khơi dậy tinh thần chủ động của các em, tạo ra những thay đổi tích cực trong cộng đồng và lan tỏa tới Nhà trường cũng như cha mẹ các em”.

Buổi học “Lớp học xanh” được các em học sinh rất yêu thích, chăm chú xem. Ảnh: BTC cung cấp

Tại hai buổi học, “Lớp học xanh” đã thu hút được sự tham gia của gần 200 em học sinh cấp 2 tại địa phương. Sau buổi học, các em không chỉ có cho riêng mình những niềm vui nhỏ qua các trò chơi, mà còn có một ý thức, niềm tin rằng mình và các bạn có thể làm gì đó để môi trường sống quanh mình xanh hơn, sạch hơn.

Tiếp nối sau hoạt động này, “Đi và Mở” sẽ tiếp tục triển khai các chuyến đi thực tế tại các làng nghề ô nhiễm dành cho các hội nhóm hoạt động trong lĩnh vực môi trường và các sinh viên quan tâm. Thông qua những hoạt động sáng tạo, các bạn trẻ của dự án mong muốn sẽ tiếp tục truyền cảm hứng, tạo nên những thay đổi bền vững và lan tỏa trong cộng đồng. “Đi và Mở”, bản thân ba từ ấy đã nói lên kỳ vọng vào tương lai dài lâu và vững bền của dự án.

Thu Huyền (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất