Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 24/5/2015 21:2'(GMT+7)

Những hơi thở mới, tươi trẻ, hiện đại hơn

Tiết mục biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật dân gian Việt Bắc.(Ảnh:Vương Hà/QĐND)

Tiết mục biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật dân gian Việt Bắc.(Ảnh:Vương Hà/QĐND)

Tìm tòi những giá trị mới

Là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh Thái Nguyên-địa phương phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức đợt 1 cuộc thi, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã mở màn đêm khai mạc với chương trình nghệ thuật chủ đề “Sắc hồng nơi gió ngàn”. 10 tiết mục đoàn đưa đến cuộc thi hầu hết là những tiết mục mới, nổi bật trong đó là các tiết mục múa như: “Tìm về đất mới”, “Phút thăng hoa”, “Tinh sương”, “Nương mùa hạ”. Các nghệ sĩ, diễn viên của đoàn đã làm nổi bật sân khấu trong những bộ trang phục sặc sỡ của đồng bào người Dao, Mông để cùng luyến láy trong những điệu nhạc pha trộn truyền thống và hiện đại do NSƯT Mạnh Tiến hòa âm phối khí, NSND Minh Thông biên đạo. Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đánh giá, đây là chương trình lớn nhất từ trước đến nay được Đoàn Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đầu tư dàn dựng đưa đi thi. Xét về chất lượng nghệ thuật, so với những mùa thi trước, các tiết mục của đoàn đã tiến bộ nhiều, cách dàn dựng, biểu diễn chuyên nghiệp cho đến sự đầu tư trang phục đã thổi những hơi thở mới, tươi trẻ, hiện đại đã xóa “định kiến” trước đây về những đoàn nghệ thuật tỉnh lẻ, phần nào đáp ứng được yêu cầu của công chúng trong thời buổi hiện nay.

Ngay tiết mục mở đầu “Tổ quốc-Biên cương-Người chiến sĩ” do nhạc sĩ An Thuyên sáng tác, đã làm choáng ngợp sân khấu của Trung tâm văn hóa tỉnh Thái Nguyên bởi màn hợp xướng gần 60 người, do Trung tá, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng đoàn chỉ huy, nhạc sĩ Xuân Thủy phối khí. Với 12 tiết mục, qua gần 100 phút, đoàn nghệ sĩ mang quân hàm xanh đã đưa người xem trải nghiệm qua nhiều cung bậc của nghệ thuật mang đậm màu sắc núi rừng và biển cả. Một “Hành trình người Rục” mới sáng tác, kể lại câu chuyện Bộ đội Biên phòng phát hiện ra tộc người Rục-một trong những dân tộc ít người nhất trên dải đất Trường Sơn, đưa họ về với cuộc sống bình thường, và chính những người lính ấy đã chở che, giúp đỡ tạo dựng cho đồng bào người Rục yên bình trong cuộc sống mới. Điều đặc biệt trong tiết mục múa này, đó là việc đoàn mời nghệ sĩ Trần Ly Ly-một biên đạo múa đương đại có tiếng của ngành múa Việt Nam hiện nay dàn dựng, vì thế mà đã tạo tính hấp dẫn mới cho vở diễn trong màu sắc của núi rừng, của trang phục truyền thống người Rục cùng những động tác múa hiện đại, nhanh, mạnh hòa quện trong những tiết tấu âm thanh nhạc mới. Nếu ở tiết mục múa “Xe sợi” đưa đến người xem những điệu múa dân gian đặc sắc của người Hà Nhì, thì đến “Điểm tựa nơi biên cương” các nghệ sĩ mang tới tình cảm ấm áp của người lính nơi biên cương trong câu chuyện về tình quân dân giúp nhau trong lũ giữ. Giọng ca trẻ Huy Quyết thể hiện “Bài ca Thần Chim Lạc” hay Thu Hương với “Hát dân ca truyền thống liên khúc 3 miền”… đã đưa đến những sắc màu tươi mới cho các tác phẩm, tạo sự hấp dẫn, vì thế mà chất lính nghiêm trang của chương trình “Tổ quốc-Biên cương-Người chiến sĩ” mềm mại, đằm thắm hơn.

Nỗ lực đi tìm cái mới, giá trị mới, phải kể đến Đoàn Ca múa nhạc của Nhà hát Tuổi trẻ. Là đơn vị nghệ thuật ở Thủ đô, lâu nay khi nhắc đến, khán giả thường nhớ các vở chính kịch, hài kịch đỏ đèn hằng đêm trên sân khấu. Đó cũng là lý do mà ở cuộc thi lần này, Nhà hát Tuổi trẻ đã đầu tư chương trình ca múa nhạc được cho là lớn nhất từ trước tới nay, để khẳng định, nhà hát đang hiện hữu một đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên ca múa nhạc mạnh không kém kịch. Chương trình “Tình đại ngàn” của đoàn được dàn dựng mang hơi thở trẻ trung, hiện đại hướng tới kêu gọi mọi người hãy bảo vệ xây xanh, bảo vệ môi trường, Trái Đất. Hầu hết các tiết mục “Màu xanh Việt Nam”, “Cây và lá”, “Hà Nội mùa đông” hay “Đêm tình yêu”… đều do chính các nhạc sĩ, biên đạo múa của đoàn như: Tuấn Nghĩa, Lưu Thiên Hương, Tường Văn, Ngọc Ánh… mới sáng tác và dàn dựng để tham gia cuộc thi. Tương tác trên sân khấu trong những thanh âm, điệu múa diễn tả cảm xúc về vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước con người được hòa quện với hình ảnh của đất nước Việt Nam từ biển khơi, núi cao và đồng bằng. Đặc biệt trong đó là 3 giọng ca trẻ: Anh Tuấn, Kiên Trung, Hải Nam khi cất cao giọng hát “Chân lý trong tôi” trên nền nhạc khỏe khoắn đã tạo cho người nghe cảm xúc rạo rực trước hình ảnh cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay trên khắp vùng miền của dải đất hình chữ S. Và từ chính những người nghệ sĩ ấy, qua lời ca tiếng hát đã truyền đi thông điệp về tình yêu quê hương với niềm tin chân lý mãnh liệt…

Còn đó những băn khoăn

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng đoàn chia sẻ, từ khi lên chương trình đi thi, hôm nào anh chị em nghệ sĩ, diễn viên cũng tập suốt từ sáng đến đêm, nhất là mấy hôm cuối thường chạy chương trình đến 11-12 giờ đêm mới về, nhưng ai cũng háo hức chờ đợi. Bởi cuộc thi ngoài việc tạo điều kiện nâng cao tài năng, có cơ hội đoạt huy chương tích lũy trong bảng thành tích để xét tặng danh hiệu nghệ sĩ, thì đây cũng là dịp để các nghệ sĩ biết được mặt bằng chung nghệ thuật của chúng ta đang đứng ở đâu, để đánh giá chất lượng... Tuy nhiên, đến nay các đơn vị nghệ thuật của quân đội còn nhiều khó khăn trong việc tuyển nhân lực. Với mỗi cuộc thi tài năng, mời chào họ về đoàn không khó, nhưng do không có chỉ tiêu tuyển biên chế, nên chỉ được thời gian ngắn, các tài năng lần lượt ra đi. “Người hát không có, không được rèn giũa, nên khi có hội diễn, nhạc sĩ có sáng tác hay đến mấy thì cũng chịu”-Trung tá Nguyễn Tuấn Anh cho hay. Đây không phải tình trạng chung của Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng, mà còn ở nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của quân đội. Trong khi đó, lượng buổi diễn phục vụ chiến sĩ và đồng bào khắp cả nước, vùng sâu vùng xa, với khoảng 200 buổi diễn/năm mà chế độ bồi dưỡng vẫn giữ nguyên hàng chục năm nay cũng khiến các tài năng không mấy mặn mà, đó là lý do mà trong cuộc thi lần này, Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng chưa có giọng ca mới nào ngoài những cái tên Huy Quyết, Thu Hương.

Cuộc thi tổ chức 3 năm/lần, được áp dụng từ năm 2009 trở lại đây cũng ít nhiều gây khó khăn cho các đoàn nghệ thuật, nhất là các đoàn địa phương, trong khi mỗi chương trình dàn dựng và đưa đi biểu diễn, mỗi đoàn thường phải đầu tư 600-700 triệu đồng, đoàn có điều kiện hơn có thể lên tới 1 tỷ đồng. Với nghệ thuật, chắc chắn ai cũng muốn mình hoành tráng hơn, rực rỡ hơn, đó chính là lý do mà ở nhiều tiết mục của một số đoàn lần này lấy đạo cụ, lượng người diễn, trang phục… được dàn dựng lớn, thậm chí quá lớn so với sân khấu diễn của Trung tâm văn hóa tỉnh Thái Nguyên khiến người xem không cảm nhận được tính nghệ thuật ở đâu, ca sĩ đang hát hay đang hét trên nền nhạc mạnh cùng đội ngũ múa dày đặc chạy quanh mình. Một nhạc sĩ tên tuổi (xin không nêu tên) cho biết, các đoàn nghệ thuật của chúng ta hiện nay đang có chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy”, anh dựng hoành tráng thì tôi cũng hoành tráng, là nguyên do khiến tiết mục múa của đoàn này na ná đoàn kia, mỗi mùa thi, hội diễn dễ thấy tên tuổi của một vài người, hoặc nhóm người chỉ đạo nghệ thuật, dàn dựng hoặc đạo diễn mặc dù trong khuôn khổ hoạt động của đoàn chuyên nghiệp đều có biên chế ở tất cả các hạng mục sáng tác, biên đạo, âm thanh, ánh sáng…

Tuy vậy, trong khuôn khổ cuộc thi lần này, các nghệ sĩ, diễn viên cũng đã có tin vui, mà theo thông báo của ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, đó là ngày 20-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 14/2015/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Vậy là sau nhiều năm chờ đợi, những khó khăn, vất vả của những người làm nghệ thuật phần nào sẽ được giảm bớt khi áp dụng chế độ ưu đãi mới./.

Vương Hà (QĐND) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất