“Qua vụ việc xảy ra tại Tiên Lãng - TP Hải Phòng cho thấy công tác tuyên giáo của địa phương đã bị người dân chỉ trích vì thiếu tính thuyết phục” - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Chu Văn Đạt phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức.
Đồng chí Chu Văn Đạt cho rằng, công tác tuyên giáo hiện nay là “phải nói những câu chuyện dưới mặt đất, chứ đừng nói những chuyện trên trời”. Công tác tuyên giáo là của Đảng và là một trong những khâu công tác xây dựng Đảng nên phải làm sao giải quyết thấu tình đạt lý công việc cho dân. Công tác tuyên giáo phải góp phần tham mưu cho lãnh đạo nhưng phải từ thực tiễn sinh động của cuộc sống để thấy rõ xã hội, người dân đang muốn gì, cần gì, cũng như đi bán cái người ta cần mua chứ cứ nói nhưng người ta không muốn nghe thì không ổn.
Về đổi mới việc quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết, ThS. Nguyễn Thế Vinh, giảng viên Khoa Xây dựng Đảng Trường Cán bộ TPHCM, nói: “Nếu không làm tốt khâu trọng yếu này thì như Lênin đã khẳng định, các cương lĩnh của Đảng chỉ là một tờ giấy”. Theo ông Vinh, việc tổ chức tranh luận, thảo luận, phản biện khi quán triệt nghị quyết chưa được coi trọng, một số nơi còn đánh trống bỏ dùi, làm cho có để báo cáo với cấp trên. Do đó, cần gắn quán triệt nghị quyết với đặc điểm cụ thể từng lĩnh vực hoạt động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong các loại hình tổ chức cơ sở Đảng. Trong đó cần nâng cao trình độ lý luận của cấp ủy, nhất là người đứng đầu. “Nếu hạt nhân này không thông suốt nghị quyết, không đủ năng lực truyền tải nghị quyết một cách thiết thực, sinh động đến đối tượng cán bộ, đảng viên, quần chúng ở cơ sở thì chủ nghĩa hình thức vẫn còn đất để tồn tại” - Ths Nguyễn Thế Vinh nhấn mạnh.
Về đổi mới cách thức tuyên truyền, ThS. Vũ Thị Mai Oanh, Phó khoa Lý luận Mác- Lênin, Trường Cán bộ TP, cho rằng: “Thời gian tới, chúng ta cần mạnh dạn nghiên cứu, sử dụng các hình thức mới như thảo luận theo chủ đề, xem phim, hoạt động về nguồn, gặp gỡ điển hình… Đội ngũ báo cáo viên phải chú ý phương pháp truyền đạt lựa chọn nội dung (chú ý điểm mới và phân tích cơ sở lý luận, thực tiễn của điểm mới đó, tránh dàn trải, đơn điệu); kết hợp sử dụng đa phương tiện và triệt để tận dụng các phương tiện hiện đại để truyền thông tin thay cho thuyết trình”.
Theo TS. Lê Văn In (chuyên gia hành chính), tâm trạng người dân là thước đo đánh giá hiệu quả toàn bộ quá trình quán triệt nghị quyết. Vì vậy, tổ chức Đảng phải thăm dò dư luận một cách thực chất, không phải chỉ thăm dò trong cán bộ, đảng viên, mà phải biết được người dân đang không hài lòng, còn bức xúc chuyện gì với cán bộ, đảng viên để từ đó chấn chỉnh. “Việc này phải làm một cách nghiêm túc chứ đừng để xảy ra việc như vụ một đảng viên - cán bộ cấp phó giám đốc sở một tỉnh, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đánh bạc ầm ầm trong suốt một thời gian dài đến độ đứa bé bán vé số quanh đó còn rõ chuyện mà cấp ủy không hề hay biết là không được” - TS Lê Văn In nhấn mạnh.
Đồng tình với biện pháp này, ThS. Vũ Thị Mai Oanh cho rằng, phải đẩy mạnh nắm bắt dư luận xã hội và hình thành cơ chế phản ứng nhanh trước các diễn biến bất thường của dư luận xã hội. Hiện nay sự phản hồi này rất đa dạng. Các cấp ủy cơ sở cần tạo nhiều hình thức thuận tiện để thu thập ý kiến nhân dân và làm thực chất hơn các hoạt động hộp thư góp ý, đối thoại trực tiếp, thông tin nhanh cho báo chí… để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, định hướng dư luận.
Quận 2, TP. Hồ Chí Minh là địa phương hoàn thành tốt công tác thông tin tuyên truyền, vận động trong đền bù, giải tỏa. Năm 2011, quận đã giải ngân cho 2.009 hồ sơ bồi thường của 22 dự án với tổng số tiền 2.397 tỷ đồng, thu hồi diện tích 105,7ha đất. Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 2 Nguyễn Thị Bé Hai nhận định: “Công tác tuyên truyền phải luôn chủ động đi trước một bước, gắn sát với những nội dung thiết thân người dân quan tâm và công tác tuyên truyền, vận động này không thể chỉ mình tuyên giáo làm nổi mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị quận”. |
(Theo: Hồng Hiệp/SGGP)