Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Tư, 24/2/2016 20:53'(GMT+7)

Lịch sử kỳ thú của tấm thảm đỏ trong đêm trao giải Oscar

Tấm thảm đỏ tại Oscar cần tới 2 ngày để trải xong (Nguồn: BBC)

Tấm thảm đỏ tại Oscar cần tới 2 ngày để trải xong (Nguồn: BBC)

 
Bài viết sau đây của tác giả Lindsay Baker sẽ cho chúng ta câu trả lời.
 
Tấm thảm đỏ là nơi thể hiện địa vị cao quý, phong cách và vẻ lộng lẫy. Đó là tâm điểm của Oscar cũng như nhiều sự kiện lớn trên khắp thế giới. Tấm thảm đỏ biểu tượng là nơi chúng ta thấy rõ nhất sự khác biệt giữa những ngôi sao và công chúng bình thường.
 
Luôn luôn là như vậy, từ lần đầu tiên xuất hiện, thảm đỏ đã không dành cho những người bình dân. Trong vở kịch “Agamemnon” của nhà soạn kịch người Hy Lạp cổ đại Aeschylus, một tấm thảm màu đỏ thẫm đã được trải ra khi người vợ của Agamemnon là Clytemnestra chuẩn bị chào đón chồng mình chiến thắng trở về sau cuộc chiến thành Troy. 
 
Chính vị vua ấy cũng do dự khi phải bước lên "con đường màu đỏ" trước mặt, bởi ông chỉ là một kẻ trần tục, một người thường và không phải thần linh: "Ta không thể bước trên sắc màu lộng lẫy này mà không cảm thấy sợ hãi về con đường phía trước." Nỗi lo sợ của Agamemnon đã trở thành sự thật, bởi sau đó ông đã bị chính vợ mình sát hại.
Nữ diễn viên Barbara Streisand trong bộ cánh xuyên thấu trên thảm đỏ Oscar 1969 (Nguồn: BBC)
 
"Thật thú vị khi thấy thảm đỏ đồng nghĩa với các ngôi sao điện ảnh, những người mà trong thế giới hôm nay không khác gì thành viên hoàng tộc. Sự phát triển của điện ảnh trong nửa cuối thế kỷ 20 đã biến màn bạc thành một tòa lâu đài. 

Và tấm thảm đỏ, thứ được dùng để chào đón người của hoàng gia giờ cũng sẽ cháo đón những quý tộc điện ảnh", Sonnet Stanfill, quản lý cao cấp của bảo tàng Victoria&Albert nhận định.
 
Trong nghệ thuật thời Phục hung, những tấm thảm và thảm thêu màu đỏ thường xuyên xuất hiện, luôn được thấy trong những bức tranh về thần thánh hay hoàng gia. Tại sao lại như vậy?
 
“Từ lâu, màu đỏ đã được xem là màu của uy quyền, hoàng tộc và giới quý tộc. Màu đỏ tươi là một trong những sắc màu cao quý nhất, bởi chúng rất khó để tạo ra, và do đó cũng là màu nhuộm đắt nhất”, Stanfill cho biết. 

Màu đỏ yên chi hoặc đỏ son tới nay vẫn được chế ra từ những con rệp son, được người Aztec và người Maya thế kỷ 15 dùng để nhuộm màu cho vải. Tới thế kỷ 17, phẩm yên chi đã trở thành một mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao.
 
Thảm đỏ tiếp tục là vật thể hiện địa vị cao quý với sự kiện năm 1821, khi người dân Georgetown, Nam California, trải một tấm thảm đỏ để chào đón tổng thống Mỹ James Monroe ở bến tàu thủy. 
Nữ diễn viên Elizabeth Hurley thu hút sự chú ý của dư luận khi xuất hiện trên thảm đỏ trong bộ váy của Versace (Nguồn: BBC)

Kể từ đó, thảm đỏ đã trở thành vật không thể thiếu trong các sự kiện trọng thể, có sự tham gia của những chính trị gia tên tuổi. Cụm từ “red carpet treatment” (tạm dịch “đối đãi thảm đỏ”) bắt đầu xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, khi cơ quan đường sắt New York mở một chuyến tàu chở khách đặc biệt và chào đón các hành khách với một tấm thảm đỏ dẫn ra tàu.
 
Tuy nhiên, phải đến những năm 1920, thảm đỏ và Hollywood mới thực sự gắn liền với nhau. Năm 1922, một tấm thảm đỏ đã được trải trước nhà hát Egyptian cho buổi ra mắt bộ phim "Robin Hood" với sự tham gia của tài tử Douglas Fairbanks. Và trong nhiều năm sau đó, thảm đỏ là một trong số ít nơi mà công chúng có thể nhìn thấy những ngôi sao quyến rũ như Clark Gable, Jimmy Stewart hay Grace Kelly. 
 
Tới năm 1961, tấm thảm đỏ đã xuất hiện ở lễ trao giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh – giải Oscar - tại nhà hát Santa Monica Civic. Vài năm sau, các đài truyền hình đã quyết định quay cảnh bên ngoài nhà hát, khi các diễn viên vừa bước ra khỏi xe limo. 
 
Kể từ đó, thảm đỏ đã trở thành tâm điểm của cả thế giới, nơi các nam nữ diễn viên tới dự lễ bước qua với vẻ ngoài lộng lẫy và cuốn hút nhất của mình. Tới những năm 90, khi thời trang và điện ảnh trở nên không thể tách rời, thảm đỏ chính là nơi thể hiện mối quan hệ đó. Nhiều hãng thời trang danh tiếng đã chia nhau làm chủ thảm đỏ, trong đó có thể kể đến Valentino và Giorgio Armani, những nhà mốt nổi danh với những trang phục thảm đỏ tinh tế.
 
Ngày nay, thảm đỏ Oscar có diện tích lên đến hơn 1.500 mét vuông, và mất tới hai ngày để trải ra. Nó vẫn là tâm điểm truyền thông vào mỗi kỳ Oscar. 
Nữ ca sĩ Bjork và bộ váy thiên nga huyền thoại (Nguồn: BBC)
 
Đa số các thương hiệu thời trang nổi tiếng đều đã cho ra mắt dòng sản phẩm thời trang thảm đỏ đặc biệt. Những hợp đồng thiết kế trang phục riêng hay thuê nhà tạo mẫu danh tiếng để chuẩn bị cho màn xuất hiện trên thảm đỏ của các ngôi sao không còn là điều gì xa lạ. Thảm đỏ Oscar cũng là nơi các ngôi sao - nhất là sao nữ - nhận được những lời khen chê về trang phục còn khốc liệt hơn so với bình luận về diễn xuất của họ. 
 
Vì lý do đó mà các nữ minh tinh đang ngày càng có xu hướng lựa chọn những trang phục “an toàn” và nữ tính, thay vì những bộ cánh gây sốc. Và sự thay đổi hướng về những bộ váy công chúa với màu sắc dịu dàng này là có lý do, bởi thảm đỏ đang dần trở về với nguồn gốc quý phái của nó – con đường dành cho những nàng công chúa cổ tích thời hiện đại.
 
Tuy nhiên, thảm đỏ Oscar vẫn có chỗ cho những điều bất ngờ, nơi những ngôi sao yêu thời trang dám liều lĩnh thử nghiệm những phong cách đặc biệt, và thực sự phá vỡ những giới hạn. Năm 2001, nữ ca sĩ người Iceland Bjork đã gây chấn động khi tới dự Oscar trong một chiếc váy cách điệu từ thiên nga, thậm chỉ cô còn để bộ váy của mình “đẻ” luôn một quả trứng trên thảm đỏ. 
 
Khi đó, Bjork đã đứng đầu danh sách sao mặc xấu nhất, nhưng 15 năm sau, bộ cánh của cô đã được trưng bày trong Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York, và khoảnh khắc trên thảm đỏ của cô đã vĩnh viễn đi vào lịch sử Oscar./.
MAI NGUYỄN (VIETNAM+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất