Thứ Sáu, 20/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Tư, 10/2/2016 20:22'(GMT+7)

Khơi lại dòng chảy tranh dân gian


Giữa tháng 1, chương trình “Cùng bé sáng tạo, khám phá tranh Tết” của TS, họa sĩ Trang Thanh Hiền đã thu hút hàng trăm lượt trẻ em cùng với phụ huynh tham gia. Không chỉ vẽ, tô màu tranh Tết, phần lớn lấy từ các khuôn tranh của Đông Hồ và Hàng Trống, các em nhỏ còn được vẽ thiệp, vẽ bao lì xì từ những khuôn dập bằng gỗ do các họa sĩ tự tạo ra.

Chỉ là những bức vẽ nguệch ngoạc, màu sắc lem nhem trên những bản in dập từ ván khắc “chính hiệu” Đông Hồ, nhưng niềm vui của các em bé và các bậc cha mẹ thì không gì sánh bằng. Đỗ Minh Quân, cậu bé tròn trĩnh mũm mĩm sung sướng trịnh trọng nâng niu trên tay thành quả hội họa đầu tiên của mình và hồ hởi khoe với bố. Được biết, Quân chưa bao giờ vẽ bằng cọ và màu, cũng như chưa bao giờ được nhìn thấy một bức tranh dân gian thực sự.

Tác phẩm của bé.

Diễn ra sau chương trình của TS, họa sĩ Trang Thanh Hiền khoảng nửa tháng, triển lãm “Nét xuân2016 - Di sản văn hóa tranh dân gian Việt Nam” của nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, chủ nhân của Bảo tàng gốm sứ đã giúp cho không ít người Hà Nội lần đầu được tận mắt thấy những bức tranh của các dòng tranh nổi tiếng trước đây “chỉ được nghe tên” như Kim Hoàng, làng Sình, Đồ Thế và tranh khắc kiếng Nam Bộ. Không chỉ hiện vật, bản khắc, mà cả những tư liệu khá đầy đủ về những dòng tranh này cũng được giới thiệu tới người xem.

Sự trở lại của những dòng tranh từ quá khứ này đã mang đến một ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa hiện nay, nhất là trong hoàn cảnh có quá nhiều phương tiện giải trí hiện đại lấn át như bây giờ.

TS, họa sĩ Trang Thanh Hiền nói: “Sự sum vầy không thành khẩu ngữ nhưng lại có hiện diện đầy đủ trong các dòng tranh dân gian.Ở tranh Tết Việt thời xa xưa, không chỉ có Đông Hồ, Hàng Trống mà còn có những dòng tranh rất đặc sắc như tranh làng Sình, tranh Kim Hoàng, nhưng lâu nay chúng ta có lẽ đời sống đương đại có quá nhiều hoạt động sôi nổi át đi. Nhân dịp Tết đến, chúng tôi muốn khơi dậy một nét tinh hoa của văn hóa truyền thống xa xưa và không chỉ bằng các khẩu hiệu suông”.

Tranh Tết với những hình ảnh đầy ý nghĩa như em bé ôm cóc, em bé ôm gà, theo TS Trang Thanh Hiền, luôn thể hiện ý muốn về một sự ấm no, đủ đầy mang tính chất một nền văn minh lúa nước xưa kia: có được những đứa con mũm mĩm khỏe mạnh, cùng với vụ mùa bội thu và chăn nuôi phát triển.

Không chỉ vậy, sự no đủ không dừng lại ở ý nghĩa vật chất mà còn nhấn mạnh cả ý nghĩa tinh thần. TS Trang Thanh Hiền nói: “Có những bức tranh thể hiện sự ung dung, thanh nhàn như em bé chăn trâu, em bé đọc sách.. thể hiện mong muốn an nhiên tự tại và sung túc về mặt tinh thần như con cái hiếu học, đỗ đạt thành tài sau này”.

Đem quá khứ trở lại với hiện tại, mong muốn lớn nhất của những người thực hiện là được nhìn thấy lớp trẻ hào hứng với dòng chảy văn hóa dân gian vốn có rất nhiều điều độc đáo, thú vị của cha ông xưa. TS Trang Thanh Hiền nói: “Chương trình “Cùng bé sáng tạo, khám phá tranh Tết” không chỉ dành cho trẻ em, mà cả các phụ huynh đi cùng. Bởi vì khi phụ huynh cùng với các con tham gia, họ cũng sẽ một phần hiểu thêm được văn hóa truyền thống. Việc trực tiếp trải nghiệm những khám phá về tranh dân gian sẽ khiến chính các phụ huynh quan tâm đến truyền dạy các con về văn hóa dân gian, giúp cho dòng chảy văn hóa truyền thống được tiếp nối và trao truyền qua nhiều thế hệ”.

Chị Trang Thanh Hiền cho rằng, nếu chúng ta không quan tâm đến việc nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ từ tấm bé đối với văn hóa dân tộc, thì sau này lớn lên các em cũng khó có thể quay lại với văn hóa dân tộc mà dễ bị cuốn đi bởi những hấp dẫn của cuộc sống đương đại. “Chúng tôi nghĩ rằng với những hành động đơn giản như vẽ tranh, hay thực hành nghệ thuật với đồ họa đương đại tiếp biến từ tranh dân gian, vẽ thiệp, các bé đã được hòa mình vào văn hóa truyền thống, và cũng có nghĩa là các em sẽ ghi nhận vào trong tâm trí mình để làm hành trang sau này”.

Cũng chung ý nghĩ đó với TS Trang Thanh Hiền, nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa nói: “Nếu chúng ta không có cách gìn giữ, 20 – 30 năm nữa tranh dân gian sẽ biến mất. Các nghệ nhân đều đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, có người ngoài 80 tuổi và khó tìm người trao truyền, trong khi xã hội không quan tâm nhiều. Bản thân chúng tôi trong quá trình nghiên cứu cũng chỉ tìm hiểu được phần nào về vốn quý trong tranh dân gian, bởi có những gia đình sản xuất tranh mang tính bảo thủ cao, không dễ gì chia sẻ”.

Dòng chảy văn hóa dân gian sẽ thực sự sống được trong xã hội hiện nay, khi công chúng hiểu và yêu thích. Ít nhất, sự thích thú đã hiện ra trên gương mặt của những em bé tham gia vẽ tranh Tết. Và nói như TS Trang Thanh Hiền: “tôi rất vui khi cả phụ huynh và con trẻ nhiệt tình tham gia hoạt động này, và thấy rằng chúng ta không vô vọng đối với việc giữ gìn văn hóa dân tộc trong xã hội đương đại”.

 

TUYẾT LOAN/Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất