Thứ Ba, 24/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Chủ Nhật, 27/12/2009 16:42'(GMT+7)

Chất lượng dân số - Bài toán khó

Những năm vừa qua, ngành dân số đã có nhiều cố gắng để giảm tỷ lệ sinh và cho đến thời điểm này, dân số nước ta đang ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng, hay nói một cách ví von, nay là giai đoạn “cửa sổ cơ hội” để phát triển kinh tế xã hội. Nhưng chất lượng dân số Việt Nam lại đang có vấn đề đáng lưu tâm. Người Việt Nam đang phải mất quá nhiều năm trong cuộc đời để chữa trị bệnh tật, tỷ lệ chết ở trẻ em cao, tuổi thọ bình quân khỏe mạnh thấp. Bài toán khó đang đặt ra cho ngành dân số là làm sao để nâng cao chất lượng dân số.

Tiến sĩ Nguyễn Thiện Trưởng, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em, Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, người đã gắn bó với ngành dân số mấy chục năm cho rằng, con đường trước mắt của ngành dân số vẫn còn đầy gian nan. Trong khi một số nước như Nhật Bản, Đức đang khuyến khích người dân sinh con, còn nước ta, những năm qua, ngành dân số phải tìm mọi cách để giảm mức sinh. Thành quả đạt được là tỷ lệ tăng dân số bình quân năm từ năm 1999 và 2009 là 1,2%/năm, giảm mạnh so với thời kỳ 10 năm trước. Tuy nhiên, nhìn vào dân số cả nước thì sau 10 năm, theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở công bố trong năm nay, dân số nước ta tăng thêm tới gần 9,5 triệu người. Suốt những năm qua, công tác Dân số gần như chỉ tập trung vào việc vận động kế hoạch hóa gia đình. Chất lượng dân số đã bị lãng quên. Hay có thể hiểu, ngành dân số đã phải mất quá nhiều công sức vào số lượng nên không còn quan tâm được đến chất lượng con người.

Chất lượng dân số ở đây bao gồm cả thể lực, trí tuệ, tinh thần, quy mô dân số, cơ cấu dân số. Tại thời điểm này, chất lượng dân số đang có vấn đề.

Một thống kê nhỏ về chất lượng dân số hiện nay: Tỷ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực, trí tuệ chiếm tới 1,5% dân số, trong đó, trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền chiếm khoảng 1,5% - 3% và xu hướng gia tăng. Nguyên nhân tỷ lệ dị tật bẩm sinh của trẻ ngày càng tăng là do tàn dư của các cuộc chiến tranh, do vùng sâu, vùng xa, nhiều trẻ được sinh ra, lớn lên tự nhiên như cây cỏ. Trong suốt những năm tháng tuổi thơ, các em không được hưởng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, không một viên thuốc khi đau ốm. Đó là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ chết ở trẻ em dưới 1 tuổi của cả nước cao gần 1,8%o, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi tới hơn 20%.

Tuổi thọ bình quân của nước ta đạt mức khá cao so với điều kiện kinh tế nước ta. Tuy nhiên, đáng lo ngại là tuổi thọ bình quân khỏe mạnh thấp, chỉ đạt 60,2 tuổi, xếp thứ 116 trong 174 nước trên thế giới. Tính trung bình, trong 72 năm sống, mỗi người mất tới 12 năm ốm đau, bệnh tật.

Một số dịch bệnh vẫn còn xảy ra. Tình trạng bệnh tật, nhất là bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV là rất đáng lo ngại, trong đó, ước tính phụ nữ chiếm 1/3 tổng số người nhiễm HIV.

Chất lượng dân số thấp đang là yếu tố cản trở sự phát triển chung và đặt nước ta trước nguy cơ tụt hậu về nhiều mặt. Việc cải thiện chất lượng dân số không chỉ là trách nhiệm riêng ngành dân số mà cần sự chung tay của toàn xã hội. Ngành y tế cần phải sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, sàng lọc sơ sinh. Tuy nhiên, hiện nay, ngành y tế nước ta mới chỉ sàng lọc được hai bệnh, thậm chí còn nhiều địa phương chưa có thiết bị sàng lọc sơ sinh, dẫn đến tỷ lệ trẻ dị tật còn cao. Trong khi đó, Hàn Quốc đã sàng lọc được 48 bệnh khác nhau, đạt 99%. Đây là bài toán nan giải của ngành dân số trong việc cải thiện chất lượng dân số Việt Nam trong thời gian tới.

Chúng ta đã phải mất một thời gian dài để giảm tỷ lệ sinh. Giờ đây, khi mức độ gia tăng dân số đã nằm trong giới hạn cho phép, chúng ta phải bắt đầu chiến dịch nâng cao chất lượng dân số, một việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay./.

(Lê Tuyết/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất