Văn bản này có hiệu lực kể từ ngày 27/1/2010. Nghị định quy định 17 loại hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, trong đó có những hành vi hiện nay đang diễn ra phổ biến như đánh đập, xâm hại sức khỏe, hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình bằng cách gây thương tích bằng hung khí, không chăm sóc nạn nhân trong thời gian bị chấn thương do bạo hành.
Nhiều trường hợp còn bỏ mặc thành viên là người già, trẻ em, bắt nhịn ăn, uống, giam hãm tại nơi nguy hiểm, độc hại, mất vệ sinh... Các hành vi này pháp luật quy định phạt hành chính từ 1-2 triệu đồng/hành vi.
Mức phạt thấp nhất từ 100.000 đồng và tối đa là 2 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình hoặc cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý thông qua việc phát tán tư liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình, không cho nạn nhân thực hiện quyền làm việc, đọc sách báo, thường xuyên theo dõi thành viên gia đình làm tổn hại danh dự, uy tín của người đó.
Trên thực tế, có nhiều cá nhân bạo hành thành viên gia đình bằng cách kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính chung nhằm tạo sự phụ thuộc của người bị bạo hành vào mình hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản chung, ép buộc thành viên gia đình phải đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống. Những hành vi này sẽ bị phạt cao nhất với mức 2 triệu đồng.
Nhân viên tư vấn, y tế, phóng viên các cơ quan truyền thông nếu tiết lộ thông tin cá nhân của nạn nhân bạo lực gia đình mà không được sự đồng ý của nạn nhân làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của nạn nhân hoặc cố ý tiết lộ, tạo điều kiện cho người có hành vi bạo lực biết nơi tạm lánh của nạn nhân sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.
Nếu tổ chức, cá nhân có hành vi đòi tiền của nạn nhân sau khi có hành động giúp đỡ nạn nhân bị bạo hành hoặc lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của nạn nhân để yêu cầu họ thực hiện hành vi trái luật sẽ bị phạt 300.000 đồng. Đối với việc cố tình thành lập cơ sở tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình hoặc lợi dụng hoạt động phòng chống bạo lực gia đình để trục lợi sẽ bị phạt tới 30 triệu đồng.
Về thẩm quyền xử phạt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền tới 2 triệu đồng và được áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện và tỉnh có quyền phạt tiền tới 30 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận, chứng chỉ. Riêng việc buộc công khai xin lỗi, chỉ có Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh được yêu cầu áp dụng cho người có hành vi bạo hành./.
(TTXVN/Vietnam+)