Thứ Ba, 26/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Sáu, 15/1/2010 21:23'(GMT+7)

Cô bé mong cha ốm suốt đời

Ngày 5/1, cô giáo chủ nhiệm Hu, ở trường tiểu học Binjiang, quận Shapingba, thành phố Bắc Kinh xem lại bài tập được giao của các học sinh lớp hai của mình. Bài tập yêu cầu các em viết về ước mơ đầu năm mới.

Trên các tờ giấy, cô lần lượt đọc thấy "Ước mơ lớn nhất của em là đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi cuối năm. Nếu được, mẹ em sẽ cho em ra biển trong kỳ Lễ hội Mùa xuân", "Em ước có thể nhảy múa trước toàn trường trong Tết Thiếu nhi"...

Rất nhiều điều ước khác nhau. Nhưng cô Hu giật mình khi đọc đến bài của Yaoyao. Trên tờ giấy, có bức tranh bàn tay to lớn của người cha nắm lấy bàn tay bé nhỏ của một cô bé, và bên cạnh đó là dòng chữ "Em ước trong năm mới là cha em sẽ ốm suốt đời".

"Yaoyao, có phải em đã viết sai điều ước của mình? Đó có phải là ước mong trong năm mới của em không?", cô giáo Hu bối rối, nhưng Yaoyao gật đầu xác nhận.

Theo CCTV, cô giáo lập tức mở cuộc điều tra, bằng cách gọi điện đến gia đình hỏi thăm em có bị cha lạm dụng, bị đánh đập hay đối xử tồi tệ. Mẹ của cô bé, khi biết được điều ước của con mình, đã ngay lập tức đến trường cùng cô giáo.

Trước mặt hai người, Yaoyao cho biết: "Con chỉ muốn bố ốm vì bố quá bận đến nỗi không thể ở bên con, trừ lúc bố bị ốm".

Cha của em, Liu Qiang (tên giả) là giám đốc chi nhánh ở Trùng Khánh của một công ty lớn. Công việc khiến ông bận rộn quanh năm suốt tháng, và tham gia vào các hoạt động xã hội hầu như mỗi ngày. Khi ông trở về nhà lúc 1 hoặc 2 giờ sáng đã được xem là sớm. Do vậy hai cha con hầu như không mấy khi thấy mặt nhau.

Một tháng trước, ông bố hứa với con gái nếu cô bé được 100 điểm trong kỳ thi, ông sẽ chiêu đãi món gà rán Kentucky. Và ngày 21/12/2009, cô bé mang bài tập có số điểm 100 trở về nhà, ông bố vẫn không về. Trước khi đi ngủ, Yaoyao đếm ngón tay của mình một cách buồn bã và nói với mẹ: "Bố không còn yêu con nữa. Con đã không nhìn thấy bố 10 ngày rồi".

Trong dịp Giáng sinh, ông Liu ngập trong các cuộc gặp gỡ và uống quá nhiều đến mức xuất huyết dạ dày và phải nhập viện. Vài ngày sau đó, ông được nghỉ ngơi tại nhà. Trong những ngày đó, Liu ăn tối cùng con gái, giúp cô bé làm bài tập về nhà và sai bảo con. Đôi khi, Liu còn đưa con gái đến siêu thị gần nhà để mua snack. Trong những ngày đó, cô bé Yaoyao hạnh phúc như con chim non, hát suốt ngày.

Nhưng khi ông bố hồi phục sức khỏe, cũng là chấm hết cho chuỗi ngày hạnh phúc. Liu một lần nữa lại đi công tác triền miên.

Khi biết được điều ước của con gái mình, ông bố đã lặng người đi, không nói được trong một lúc lâu. "Tôi cũng muốn dành nhiều thời gian hơn cho con gái, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi đã thất bại trong trách nhiệm làm cha của mình. Điều ước của con gái khiến tôi thấy có lỗi. Tôi cảm thấy có lỗi rằng tôi không thể hứa hẹn mình sẽ làm tốt hơn trong tương lai", Liu nói.

Cô giáo Hu, chủ nhiệm lớp của Yaoyao, cho biết lớp có 44 học sinh, và hầu hết các em đều nói rằng bố mẹ mình, đặc biệt là bố, hiếm khi dành nhiều thời gian cho chúng. Luôn là ông bà ở với lũ trẻ.

Tờ "Life Times" và Công ty tư vấn thông tin Horizonkey Bắc Kinh đã thực hiện cuộc khảo sát qua điện thoại trên 1.425 cư dân sống ở 5 thành phố lớn của nước này là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Vũ Hán và Trùng Khánh. Kết quả cho thấy, ngoài việc dành thời gian để ngủ, 25% mọi người chỉ dành chưa đầy 2 giờ mỗi ngày cho gia đình.

Những người có học vấn càng cao càng ít dành thời gian trò chuyện với người thân hơn, và cũng có mức độ tự hài lòng thấp hơn. Ngay cả trong khoảng thời gian chưa đến 2 giờ ở cạnh gia đình đó, điều được đề cập đến chủ yếu là những cuộc gặp gỡ trong ngày và các vấn đề đời sống. Có rất ít cuộc trò chuyện sâu sắc và ý nghĩa.

Còn theo khảo sát trên 1000 người, do Mạng lưới dữ liệu khảo sát Trung Quốc thực hiện, thì 32.6% các bậc cha mẹ thừa nhận họ chưa bao giờ có cuộc trò chuyện sâu sắc với con mình.

Ngoài ra, 42.6% các bậc cha mẹ về nhà sau khi trẻ đã lên giường ngủ, trên 33% hiếm khi trò chuyện kỹ lưỡng với trẻ, 27.9% không bao giờ đưa trẻ ra ngoài đi chơi, và chỉ có 24,6% dành thời gian cho con cái.

Mặc dù sau cuộc khảo sát, hơn 70% các vị phụ huynh nghĩ rằng họ nên dành nhiều thời gian nhất có thể cho con, rất nhiều người trong số họ tin rằng điều đó chỉ là một giấc mơ.

Vnexpress

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất