Đầu năm 2010, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường có cuộc trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về hoạt động của ngành Tư pháp, trong đó, ông nhấn mạnh việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý đất nước là một đòi hỏi tất yếu, bức thiết.
Thưa Bộ trưởng, xin ông cho biết những thành tựu lớn mà ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2009 ?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Năm 2009, ngành Tư pháp đã đạt được một số kết quả nổi bật là: Triển khai quyết liệt, đồng bộ Luật Thi hành án dân sự với việc thành lập hệ thống 3 cấp theo ngành dọc; thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh; chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Luật sư toàn quốc lần thứ nhất với việc thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam; có bước đột phá trong việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hoá các hoạt động công chứng, bán đấu giá tài sản... nhằm giải toả “nút thắt” trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; kiện toàn tổ chức các cơ quan tư pháp 4 cấp, pháp chế các Bộ ngành...
Đặc biệt công tác xây dựng pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật của ngành Tư pháp trong năm 2009 đã có những chuyển biến về chất. Đây là năm đầu tiên thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 với những yêu cầu mới và nghiêm ngặt về lập chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, về quy trình, tiến độ, chất lượng soạn thảo, thẩm định, thẩm tra đánh giá tác động của dự thảo văn bản.
Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành để triển khai việc lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2010 sớm hơn 6 tháng. Điều cần chú ý ở đây là chương trình có tính khả thi cao hơn, đồng thời cũng linh hoạt hơn để đáp ứng các đòi hỏi của tình hình kinh tế- xã hội diễn biến phức tạp do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Quy trình và chất lượng thẩm định các dự thảo văn bản pháp luật có bước chuyển tích cực theo yêu cầu của Luật 2008, ý kiến thẩm định không chỉ còn quá thiên về các khía cạnh pháp lý đơn thuần nên đã góp phần nâng cao tính phù hợp, khả thi và hiệu quả của các dự thảo văn bản.
Ở nhiều địa phương, các Sở Tư pháp ngày càng trở thành chỗ dựa tin cậy, không thể thiếu của HĐND và UBND cấp tỉnh trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương đảm bảo tính thống nhất, hợp hiến, hợp pháp.
Là cơ quan tham mưu có chức năng giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng, thẩm định các văn bản pháp luật, Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về thực trạng “nợ” văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Giải pháp căn cơ cho vấn đề này như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 là không cho phép tồn tại tình trạng luật phải chờ văn bản quy định chi tiết mới thi hành được. Điều 8 Luật này yêu cầu văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.
Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục, thậm chí còn gia tăng. Ví dụ, còn 3 luật trong số 6 luật và 3 pháp lệnh bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2009 đến nay vẫn chưa có nghị định quy định chi tiết việc thi hành.
Theo tôi, tình trạng “nợ” văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả khách quan, lẫn chủ quan. Tuy vậy, Bộ Tư pháp phải có trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng này.
Tại phiên họp tháng 11/2009, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp trong đó nhấn mạnh yêu cầu: Các Bộ, ngành cần tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Nghị định số 24, Chỉ thị số 636/CT-TTg để bảo đảm tiến độ, chất lượng soạn thảo và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
Các cơ quan chủ trì soạn thảo cần tập trung thời gian, đầu tư nhân lực, kịp thời soạn thảo trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp cần đôn đốc quyết liệt các Bộ, ngành về thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; hàng tháng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ để đôn đốc, nhắc nhở và có biện pháp khắc phục kịp thời đối với những Bộ, cơ quan để xảy ra tình trạng nợ đọng văn bản.
Trước mắt, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp cần phối hợp gấp với Bộ, ngành hữu quan rà soát, lập kế hoạch giải quyết tình trạng nợ đọng của các văn bản cần ban hành để thực hiện các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2010, bảo đảm từ nay đến hết quý I/2010 phải ban hành hành được hết các văn bản này. Đến thời điểm đó, Bộ nào, cơ quan nào còn để nợ đọng các văn bản này thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan đó sẽ chịu trách nhiệm kiểm điểm trước Chính phủ.
Đồng thời, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, các Bộ, cơ quan cần lập ngay danh mục các văn bản cần ban hành để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật mới được thông qua, bảo đảm tiến độ soạn thảo và trình ban hành các văn bản này phù hợp với thời điểm có hiệu lực, đáp ứng yêu cầu triển khai thi hành các luật mới được ban hành, tránh tình trạng nợ đọng tiếp diễn.
Những định hướng lớn trong hoạt động của ngành Tư pháp năm 2010 là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Trên cơ sở bám sát hơn nữa mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành Tư pháp sẽ tập trung vào 5 định hướng lớn sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, trong đó tập trung vào các giải pháp, chính sách kinh tế, xã hội, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thúc đẩy phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế; bảo đảm tính đồng bộ và kịp thời trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giải quyết một bước cơ bản tình trạng nợ Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, Bộ Tư pháp phấn đấu hoàn thành việc soạn thảo Pháp lệnh về pháp điển và hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tăng cường tính minh bạch, làm cho hệ thống pháp luật dễ tiếp cận, dễ sử dụng với mọi cá nhân, tổ chức; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là các giải pháp mang tính đột phá nhằm thực sự tạo chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự theo Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật này.
Thứ ba, tiếp tục lộ trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tập trung cao độ cho việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thể chế của ngành như Luật Quốc tịch Việt Nam, đặc biệt là Luật Lý lịch tư pháp, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; nâng cao chất lượng công tác hộ tịch, chứng thực; đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động bổ trợ tư pháp như công chứng tạo an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế và thương mại, bất động sản; trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Chiến lược phát triển đội ngũ luật sư; quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng; tạo bước phát triển đột phá về thể chế bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Thứ tư là, Bộ Tư pháp triển khai đến các Bộ, ngành, địa phương việc sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010 và định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật đến 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thứ năm là về công tác đào tạo, Bộ sẽ đột phá vào khâu đào tạo nguồn cán bộ có trình độ trung cấp luật phục vụ cho cơ sở, tạo bước chuyển biến mới trong đào tạo tại Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp trên cơ sở các Đề án sẽ được Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Thủ tướng Chính phủ thông qua theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi này!
Lê Sơn (thực hiện)
(Theo Chinhphu.vn)