(TCTG) - Quảng Bình vốn nổi tiếng là quê hương của những làn điệu dân ca độc đáo như hò khoan (Lệ Thuỷ, Đồng Hới), hát sắc bùa (Minh Hoá), hò biển (Bố Trạch), hò chằm nón (Quảng Trạch)...
Bên cạnh việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển các làn điệu dân ca nguồn gốc bản địa, người Quảng Bình còn tiếp thu, du nhập thêm những lối hát, làn điệu dân ca đặc sắc của nhiều vùng miền trên cả nước làm phong phú thêm kho tàng văn nghệ dân gian của mình... Hiện nay ở Quảng Bình còn lưu giữ và trình diễn thành công hai bộ môn âm nhạc khá độc đáo, đó là ca Huế (ở Quảng Xá, Tân Ninh, Quảng Ninh) và ca trù (ở Đông Dương, Quảng Phương, Quảng Trạch).
Thôn Đông Dương, xã Quảng Phương (Quảng Trạch) là một làng thuần nông, nghề nghiệp kiếm sống chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi... Trong những năm gần đây, nhờ đa dạng hoá các ngành nghề mà đời sống của đại đa số nhân dân trong thôn đã được cải thiện lên rất nhiều, đa số các gia đình đều có các phương tiện nghe nhìn hiện đại... Nhưng vào những dịp lễ, tết, hội hè, hoặc những ngày kỷ niệm lớn được tổ chức ở đình làng, các thế hệ người Đông Dương vẫn say mê hát và thưởng thức các làn điệu ca trù do những nghệ nhân của làng mình biểu diễn... Điều đó đã trở thành một nét sinh hoạt văn hoá, một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân nơi đây. Những âm thanh cắc cắc, tùng tùng, những lời hát Hồng Hồng, Tuyết Tuyết đã làm say lòng biết bao người, làm cho những người dân vốn quen với “chân lấm, tay bùn” thấy yêu đời và hăng say hơn trong công việc, trong lao động...
Nếu như ca trù có lịch sử cách đây khoảng gần 1 ngàn năm, và du nhập vào Quảng Bình khoảng trên 200 năm, thì người Đông Dương cũng chỉ mới biết đến ca trù khoảng chưa đầy 80 năm. Cho đến nay Đông Dương vẫn là nơi duy nhất ở Quảng Bình còn bảo tồn, giữ gìn và trình diễn thành công bộ môn nghệ thuật độc đáo này... Cụ Lê Tấn Đạt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù làng Đông Dương cho biết: Ca trù được du nhập vào Đông Dương không phải bằng con đường trực tiếp mà bằng con đường gián tiếp qua các địa phương khác. Có nghĩa là ca trù đã được du nhập vào các địa phương như Châu Hoá (Tuyên Hoá) Quảng Trung (địa phương bên kia sông Gianh của Quảng Trạch) sau đó mới được người Đông Dương tiếp thu, đưa về làng mình thông qua việc đi làm ăn buôn bán hoặc đi làm thuê, làm mướn...
Ở Đông Dương hiện nay có đến 4 thế hệ biết hát ca trù. Trong đó thế hệ đầu tiên chỉ còn lại cụ Phạm Thị Thứu, nay đã 87 tuổi. Cụ Thứu đã từng là một đào nương đi hát ca trù từ khi mới 15, 16 tuổi. Đến nay tuy đã tuổi cao sức yếu, mắt không còn nhìn được nhưng cụ vẫn là niềm tự hào của người dân làng Đông Dương, bởi vì cụ là người duy nhất ở Đông Dương thuộc “nằm lòng” được 12 làn điệu của ca trù. Chiếc giường nơi hằng ngày mà cụ vẫn nằm để dưỡng bệnh, từ lâu đã trở thành sân khấu nhỏ để cho nhiều thế hệ người làng Đông Dương đến nghe cụ hát, và được cụ chỉ dạy cho nhiều câu hát, nhiều làn điệu quý giá. Các con của cụ Thứu cho biết chính nhờ mê hát ca trù và truyền dạy ca trù cho các thế hệ cháu con làng Đông Dương mà tuy tuổi cao, sức yếu nhưng cụ vẫn yêu đời, vẫn rất minh mẫn khi có ai đó nhắc đến ca trù... Mỗi khi có khách đến hỏi chuyện về ca trù thì dù có mệt đến mấy, cụ Thứu cũng bảo cháu con đỡ mình dậy để được nói chuyện.
Người Đông Dương còn tự hào hơn khi đầu tháng 7 vừa qua, cụ Thứu đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển văn nghệ dân gian. Ca trù Đông Dương cùng với ca trù ở nhiều vùng khác trong cả nước cũng đang được làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Sau thế hệ cụ Thứu là thế hệ cụ Thể, cụ Đạt... Tuy đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng các cụ vẫn rất nhiệt tình trong việc tổ chức cho Câu lạc bộ ca trù của thôn thường xuyên tập luyện, đi biểu diễn khắp nơi... Ngoài ra các cụ cũng là những người có công lao rất lớn trong việc sưu tầm, tuyển chọn, chỉnh lý các lời hát và làn điệu ca trù đang được lưu truyền ở địa phương...
Thế hệ thứ ba là những ca nương đang biểu diễn ở Câu lạc bộ như chị Sửu, chị Hơn... Ngoài công việc đồng áng, việc thôn xóm thì sau bữa cơm chiều là các chị lại họp nhau lại để tập múa, tập hát... Các chị đã từng được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi như Đêm ca trù toàn quốc (tháng 6 năm 2006) tổ chức tại Hà Nội, được nhiều nhà nghiên cứu văn hoá dân gian và người nghe đánh giá cao về tính độc đáo của nghệ thuật biểu diễn so với nhiều nơi khác. Các chị còn được mời biểu diễn chào mừng Lễ khai trương Khu Du lịch Mỹ Cảnh (Bảo Ninh, Đồng Hới) và được nhiều địa phương trong huyện, tỉnh mời biểu diễn nhân các ngày lễ trọng...
Thế hệ thứ tư biết hát ca trù ở Đông Dương hiện nay là các cháu ở độ tuổi từ 13 đến 18 đang được các cụ trong Câu lạc bộ truyền dạy, hướng dẫn... Các nghệ nhân của làng hiện đang quyết tâm tập luyện và truyền dạy bằng được cho lớp trẻ cả 12 làn điệu ca trù mà địa phương đang còn lưu giữ được, đó là các làn điệu hát mở, hát dâng hương, dâng rượu, mú cờ, hát khế, hát chầu văn, múa cờ, hát nói, hát nam, hát thơ, hát phủ và chức cẩm hồi văn.
Ngoài một số làn điệu, lời ca được lưu truyền lại từ xưa, thì trong quá trình biểu diễn ca trù, các thế hệ hát ca trù của làng Đông Dương còn sáng tạo thêm nhiều lời hát mới có ý nghĩa ca ngợi quê hương, xứ sở, như lời hát được nhiều người Đông Dương thuộc và thích hát nhất trong làn điệu chầu văn viết về mảnh đất Quảng Trạch ở phía nam Đèo Ngang, trong đó có đoạn: Chừ , rằng nhân kiệt địa linh/Giang sơn trung tú mới sanh anh hùng/Làng ta cảnh sắc sơn xuyên/án trước miến truyền hậu phủ quy quách/Sông Loan núi Phượng hữu tình...
Với tình yêu và niềm say mê dành cho ca trù, đào nương Nguyễn Thị Sửu tâm sự: Chị em tôi tuy không được học hành nhiều, ca trù có nhiều câu toàn bằng chữ Hán rất khó nhớ, nhưng nhờ sự tận tâm của các cụ trong Câu lạc bộ, được chính quyền và các cơ quan văn hoá quan tâm, tạo điều kiện mà chúng tôi đã vượt qua được khó khăn. Dù thế nào chúng tôi cũng quyết tâm để tập luyện nhuần nhuyễn 12 làn điệu ca trù cổ mà làng còn lưu giữ được. Với chúng tôi, ca trù chính là "của báu" của làng Đông Dương này./.
Trương Văn Hà
(Huyện uỷ Quảng Ninh, Quảng Bình)