Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 4/8/2008 11:26'(GMT+7)

Hướng đi đúng để phát triển nghệ thuật tuồng

Với sự tham gia của 7 đơn vị nghệ thuật tuồng xuất sắc trong nước (Nhà hát tuồng Việt Nam, Nhà hát tuồng Ðào Tấn, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.Hồ Chí Minh, Ðoàn nghệ thuật tuồng Thanh Hóa) cùng với các vở diễn truyền thống đã đem đến một không khí sôi nổi, thu hút đông đảo khán giả ở TP.Quy Nhơn và các huyện xung quanh. Đêm diễn nào người xem cũng đến rất đông, ngồi kín rạp. Bên cạnh liên hoan, một cuộc Hội thảo về nghệ thuật tuồng truyền thống cũng đã diễn ra với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý và nghệ sĩ.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí, nhưng các đơn vị tuồng đã đem đến Liên hoan những vở tuồng cổ dàn dựng công phu, nghiêm túc như: Ðào Tam Xuân, Diễn Võ Ðình, Trầm hương các, Sơn Hậu, Triệu Ðình Long cứu chúa, Lưu Kim Ðính giải giá Thọ Châu. 15 nghệ sĩ tỏa sáng trong Liên hoan với sự thể hiện giọng ca, động tác, biểu diễn võ thuật điêu luyện đã giành Huy chương vàng như Văn Lanh, Hồng Khiêm, Minh Ngọc, Thanh Trang, Xuân Quý... thực sự "ghi dấu ấn" vào tâm hồn của đa số công chúng còn đam mê và nhiệt huyết với một bộ môn nghệ thuật truyền thống của nước nhà.

Thực trạng hiện nay và những năm vừa qua, nghệ thuật tuồng cũng như sân khấu nói chung đang đứng trước thách thức lớn vì thưa vắng người xem, doanh thu thấp đời sống nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nghệ sĩ dành tất cả tâm huyết, tài năng vượt qua khó khăn thiếu thốn, để giữ nghề Tổ. Ðã có biết bao nhà nghiên cứu lao tâm khổ tứ để tìm ra cái hay cái đẹp đồng thời đưa ra những giải pháp bảo tồn và phát triển tuồng trong cuộc sống hiện đại. Nhiều nghệ sĩ vẫn tâm huyết và mong muốn đóng góp cho nghệ thuật tuồng phát triển, phù hợp với cuộc sống mới thu hút đông người xem.

Thực tế đã xảy ra tình trạng: Một số tác giả, đạo diễn có nghề sân khấu từng nổi tiếng ở các bộ môn khác, nhưng lại không giỏi về tuồng, không am tường sâu sắc về nghệ thuật tuồng và ngược lại có những nghệ sĩ diễn tuồng rất giỏi, hiểu tuồng rất sâu, nhưng lại thiếu khả năng sáng tác kịch bản và đạo diễn. Có thể nói "Thầy tuồng" hiện nay đếm trên đầu ngón tay. Cho nên đã dẫn đến xuất hiện những vở tuồng mới giống như kịch nói có hát, động tác và ca hát không ăn nhập với nhau. Và, thế là người ta đổ lỗi cho nhau là "phá tuồng". Thế rồi lớp diễn viên trẻ ít khi được diễn trọn vẹn một vở tuồng cổ, học những miếng tuồng truyền thống cũng không đến nơi đến chốn lại diễn những vở "tuồng không ra tuồng". Lớp nghệ sĩ gạo cội nắm chắc nghệ thuật tuồng ngày càng có tuổi, nhiều người đã đi vào cõi vĩnh hằng. Cứ thế, lớp trẻ nối tiếp không theo kịp bước cha anh, dần dần rời xa cái gốc tuồng truyền thống. Nguy cơ thất truyền nghệ thuật tuồng là có thật.

Trong thời gian qua, các đơn vị nghệ thuật tuồng đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn tìm nhiều cách để tồn tại. Sự quan tâm của các cấp ủy Ðảng và chính quyền là yếu tố quyết định để giữ gìn nghệ thuật tuồng. Chúng ta không thể trông chờ vào doanh thu hoặc xã hội hóa, mặc dù là cần thiết, để giữ gìn tuồng mà rất cần đến sự đầu tư kinh phí của Nhà nước - Nhà nước đầu tư giữ gìn tuồng giống như đầu tư bảo tồn các di tích lịch sử và văn hóa. Thực tế đã chứng minh Ðoàn tuồng Liên khu V có truyền thống hoạt động nửa thế kỷ khi chuyển từ Thủ đô Hà Nội về quê hương Bình Ðịnh trở thành Nhà hát tuồng Ðào Tấn đã được lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm tạo mọi điều kiện để phát triển, vốn nghệ thuật truyền thống của Ðào Tấn được giữ gìn chu đáo và phát huy trong cuộc sống mới.

Những người hoạt động nghệ thuật tuồng giữ vai trò chủ chốt trong việc giữ gìn và khai thác vốn cổ một cách đúng hướng. Người ta bàn nhiều đến hai cách: Cách thứ nhất là giữ nguyên vốn cổ như một bảo tàng sống, cách thứ hai là cải biên và nâng cao nhưng vẫn giữ được chất tuồng. Dù cho cách nào đi nữa chúng ta đều phải xuất phát từ tuồng truyền thống, phải xây dựng cái nền tuồng truyền thống thật vững chắc từ khâu dựng vở, phát hiện bồi dưỡng nhân tài viết kịch bản, đạo diễn đến khâu đào tạo diễn viên, nhạc công. Không thể đánh mất, làm biến dạng những khuôn vàng thước ngọc, những mảng miếng, trình thức, nghệ thuật trong ca hát, động tác tuồng. Phải giữ gìn bằng được nghệ thuật tuồng truyền thống, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi phát triển nghệ thuật tuồng không được "gieo vừng ra ngô".

Liên hoan tuồng truyền thống toàn quốc 2008 một lần nữa khẳng định quyết tâm của những người hoạt động tuồng giữ gìn nghề Tổ. Ðiều quan trọng hơn là sự quyết tâm ấy đã tìm ra được hướng đi đúng./.
 
(Theo Nhân Dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất